    |
 |
Lương Thanh Hạnh bên khung cửi. Ảnh: THANH HẠNH |
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, theo học ngành hướng dẫn viên du lịch, làm việc trong lĩnh vực nội thất... Lương Thanh Hạnh đến với lụa như một cái duyên trong công việc, thế rồi yêu lụa lúc nào không hay. Hạnh đã đến hầu hết các làng lụa trong nước, sang cả nước ngoài để tìm hiểu về lụa. Càng tìm hiểu, chị càng nhận thấy lụa Việt Nam chất lượng rất tốt, không thua kém lụa của các nước nhưng nghề dệt lụa truyền thống lại đang đi xuống, mai một. Nỗi niềm trăn trở ấy cứ ám ảnh Lương Thanh Hạnh nhiều đêm trằn trọc. Chị quyết định phải làm điều gì đó cho lụa Việt, cho người dân của các làng nghề truyền thống. Sau khi tìm hiểu nhiều làng nghề lụa đũi, Hạnh quyết định dừng chân ở làng dệt đũi Nam Cao-một làng nghề có truyền thống hàng trăm năm tuổi nhưng rất ít người biết đến.
Thời điểm Hạnh đến Nam Cao, cả làng chỉ còn 2, 3 người dệt đũi, khung cửi đã bị vứt xó, thậm chí dỡ ra làm củi luộc bánh chưng. Xót xa, Hạnh đi tìm mua lại các bộ khung cửi của người dân, trong đó có những bộ khung đã trăm năm tuổi. Chị nhớ lại: “Tôi lặn lội đến từng nhà, vào cả gác chuồng bò, mạng nhện dính đầy người để lấy ra những bộ khung cửi quý. Nhớ nhất là câu chuyện bộ khung cửi của cụ bà hơn 90 tuổi. Đó là của hồi môn của mẹ bà, có từ đời các cụ, đến khi bà đi lấy chồng lại được mẹ cho làm của hồi môn… Tính ra, bộ khung ấy cũng đã hơn trăm tuổi. Ngày ấy ở Nam Cao, bộ khung cửi là một món đồ rất có giá trị”.
Kiên trì, quyết tâm, Lương Thanh Hạnh luôn tâm niệm phải cố gắng, học hỏi không ngừng. Dần dần, ở Thái Bình hình thành vùng chuyên canh trồng dâu nuôi tằm, Nam Cao nhộn nhịp tiếng dệt cửi trở lại. Đặc biệt, sự ra đời của thương hiệu Hanhsilk, vừa để phát triển sản phẩm đũi, vừa phát triển kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, nhất là dệt đũi, nhằm khôi phục làng nghề và đưa đũi Nam Cao về lại với một thời vang bóng. Lương Thanh Hạnh chia sẻ, tất cả sản phẩm vải đũi, lụa tơ tằm, khăn, vòng lụa, chăn ga gối lụa thêu tay, khăn mặt, khăn tắm tơ tằm của Hanhsilk, ngoài việc làm thủ công 100% còn được gửi gắm vào đó trái tim, tình cảm của những người tạo ra nó.
    |
 |
Làng Nam Cao đã nhộn nhịp tiếng dệt cửi, xe tơ trở lại |
Ở Nam Cao hiện có hơn 100 lao động dệt đũi và hàng trăm lao động ở vùng trồng dâu nuôi tằm với mức thu nhập ổn định, có người hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Mỗi lần về Nam Cao, thấy được những khó nhọc, vất vả của người dân làm ra sản phẩm, rồi nghe các câu chuyện về làng nghề cũng như tâm tư, nguyện vọng của bà con, Hạnh thấy mình như được sống trong tơ lụa. “Tôi yêu cái cảm giác về quê, đội nón, đạp xe khắp làng, gặp ai cũng tươi cười, chào hỏi nhau và nói chuyện về đũi, về lụa…”-chị Hạnh nói.
Cái duyên với đũi Nam Cao cũng giúp Hạnh gặp gỡ các nhà thiết kế thời trang. Chị đã xây dựng những ý tưởng kết hợp cùng các nhà thiết kế để đưa sản phẩm từ đũi, lụa Nam Cao đến với nhiều người hơn, nhất là ở thị trường quốc tế. Từ năm 2016 đến nay, với sự kết hợp của các nhà thiết kế, những bộ sưu tập thời trang từ chất liệu đũi, lụa Nam Cao đã thăng hoa, tỏa sáng trên nhiều sàn diễn thời trang tại các festival, tuần lễ thời trang trong nước và mang tầm quốc tế.
Mong muốn phát triển lụa, đũi Việt, Lương Thanh Hạnh đã đến nhiều nước để học hỏi, tìm hiểu về lụa và nhiều khách nước ngoài cũng tìm đến chị. Chị nói: “Tôi đã gặp những khách hàng người Hàn Quốc, Nhật Bản và nghe họ chia sẻ, họ có thể làm nên những bộ hanbok, kimono với giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng từ lụa của Việt Nam”. Nhiều lần, Hạnh cầm trên tay tấm lụa do người Việt dệt nên nhưng lại không được gắn mác Việt Nam. Điều đó càng khiến “cô gái lụa” suy nghĩ, trăn trở để tiếp tục nuôi dưỡng quyết tâm đưa lụa Việt Nam về đúng giá trị của nó. “Mong rằng trong vài năm tới, thế giới sẽ biết đến Việt Nam cũng có lụa chất lượng hảo hạng”-Lương Thanh Hạnh mơ ước!
DƯƠNG THU