Bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa
Bức tranh kinh tế Việt Nam 9 tháng vừa qua không mấy sáng sủa, mặc dù Nhà nước đã có chủ trương thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa phòng, chống dịch, vừa ổn định và phát triển kinh tế-xã hội với nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất, kinh doanh cũng như sự cố gắng sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp.
Quý III-2021, tổng sản phẩm trong nước (GDP) sụt giảm 6,17%; 9 tháng năm 2021, GDP chỉ tăng 1,42%, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,45%, ngành du lịch quốc tế bị đóng băng hoàn toàn, du lịch nội địa giảm mạnh, kéo theo vận chuyển hàng không, đường sắt, đường bộ, khách sạn, nhà hàng chịu tác động nặng nề.
Có 85,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.195,8 nghìn tỷ đồng, tổng số lao động là 648,8 nghìn người, giảm 13,6% về số doanh nghiệp, giảm 16,3% về vốn đăng ký và giảm 16,6% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sắt thép ước đạt 8,23 tỷ USD, là mặt hàng có mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhiều nhất (125,4%) so với cùng kỳ năm trước; hàng dệt và may mặc ước đạt 23,46 tỷ USD, tăng 5,8%. Dầu thô giảm 45,5% về lượng và giảm 11,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 242,65 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa ước nhập siêu 2,13 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,66 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,9 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,87 tỷ USD.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 69,8 tỷ USD, tăng 27,5%; tiếp theo là Trung Quốc, kim ngạch ước đạt 38,5 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 81,2 tỷ USD, tăng 40,9%; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 39,8 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước.
Từ ngày 27-4-2021, bắt đầu là Bắc Giang, Bắc Ninh, tiếp đó là TP Hồ Chí Minh và 18 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long do diễn biến dịch rất phức tạp, buộc phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Sản xuất, kinh doanh tạm thời ngừng trệ, tác động tiêu cực đến tình hình lao động và việc làm; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ quý I-2020, hàng triệu người sống bằng các khoản trợ cấp của Nhà nước và các tầng lớp xã hội; tỷ lệ nghèo theo chuẩn mới tăng lên rõ rệt.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế thì hai điểm sáng trong bức tranh kinh tế 9 tháng là khu vực kinh tế FDI và xuất nhập khẩu. Một số địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, như: Hải Phòng 16,42%, Quảng Ninh 8,6%, Vĩnh Phúc 8,3% và Hòa Bình 8,06%. Một số ngành kinh tế tăng trưởng khá, như: Nhóm ngành y tế (khẩu trang, thuốc đề kháng, chất tẩy rửa..), ngành IT, viễn thông (máy tính, điện thoại di động), điện máy, may mặc, thời trang.
Vẫn có triển vọng
Ngày 28-9-2021, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 có thể đạt 4,8% và đạt 6,5%-7% từ năm 2022 trở đi. Với tốc độ tăng GDP 9 tháng là 1,42% thì để đạt được 4,8% như dự báo của WB, quý IV phải tăng 7%-7,5%, đó là tốc độ khó khả thi.
Một số chuyên gia kinh tế dự báo khá bi quan, GDP năm nay chỉ tăng 1,2%-1,8% hoặc 3%.
Báo cáo của Ngân hàng UOB dự báo: Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt 1,42%, giả sử việc mở cửa trở lại nền kinh tế diễn ra thuận lợi để các doanh nghiệp và nhà máy bắt kịp sản lượng bị mất và tỷ lệ tiêm chủng tăng theo kế hoạch, GDP của Việt Nam có thể đạt 7% trong quý IV và 3% năm 2021-thấp hơn so với 5% mà ngân hàng này dự báo trước đây.
Ông Harry Loh, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định: “Khả năng phục hồi là rất cao, đến từ sự hợp tác chặt chẽ giữa người dân và Chính phủ trong việc ứng phó nhanh chóng với đại dịch. Các công ty cũng đã nhanh chóng thích nghi, áp dụng số hóa và công nghệ trong các mô hình và thực tiễn kinh doanh của họ, điều này giúp thúc đẩy tham vọng về Cách mạng công nghiệp 4.0 của quốc gia”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định: Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, từ quý IV chuyển sang trạng thái bình thường mới, dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2021 có khả năng đạt 3,5%-4%. So với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2020 là 2,82% thì cao hơn, nhưng so với mục tiêu được Quốc hội thông qua là 6%-6,5% thì hai năm liền không đạt kế hoạch, tác động đến tăng trưởng kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo.
Từ đầu quý IV đã có một số tín hiệu tích cực: TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương phụ cận do đã đạt được kết quả phòng, chống dịch nên từng bước dỡ bỏ giãn cách xã hội, khôi phục dần sản xuất, kinh doanh, cuộc sống của người dân dần trở lại bình thường. TP Hà Nội từ ngày 21-9 đã khôi phục một số hoạt động kinh doanh, người dân đi lại trong thành phố không phải kiểm tra giấy đi đường, nhiều chốt kiểm soát đã được dỡ bỏ, hàng hóa từ ngoại thành và những địa phương phụ cận được lưu thông trong nội thành. Quảng Ninh nhanh chóng thực hiện mở cửa đón khách du lịch nội địa; Phú Quốc, Nha Trang tích cực chuẩn bị điều kiện để đón khách du lịch quốc tế. Có thể nhận thấy tâm trạng phấn khởi, lạc quan của đa số người dân và doanh nghiệp sẵn sàng chuyển sang cuộc sống và kinh doanh trong giai đoạn bình thường mới.
Hai giải pháp mang tính chiến lược
Vấn đề không chỉ là gia tăng tốc độ tăng trưởng mà quan trọng hơn còn là nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế-xã hội của tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Những giải pháp chủ yếu của năm nay và những năm sau đã được thể hiện tại Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, như: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, chuyển đổi sang nền kinh tế số, doanh nghiệp số, xã hội số, Chính phủ số, tăng trưởng xanh, bền vững, giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính... Xin được nhấn mạnh hai giải pháp vừa có tính thời sự, vừa mang tính chiến lược:
Một là, đẩy nhanh quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng để sớm hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.
Năm 2020, mặc dù kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng dương, các yếu tố năng suất lao động, năng lực cạnh tranh đã có tiến bộ đáng kể, nhưng về cơ bản Việt Nam vẫn theo quán tính của mô hình kinh tế dựa vào sự gia tăng của các yếu tố đầu vào, tăng trưởng kinh tế dựa trên gia tăng vốn đầu tư và thâm dụng lao động kéo dài quá lâu.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn của Việt Nam với tiềm năng về tri thức, năng lực tiếp cận công nghệ mới của đội ngũ lao động có kỹ năng. Chúng ta đã có thành tựu về công nghệ thông tin, kỹ thuật số như mạng 4G, 5G, đang chạy đua với các quốc gia khác trong việc chuyển đổi số với mục tiêu đến năm 2025 đạt 25% và năm 2030 đạt 50% GDP.
Chuyển đổi số là làm khác trước, là đổi mới, sáng tạo từ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đến quản lý nhà nước theo hướng Chính phủ số và hình thành xã hội số với sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình xây dựng xã hội số.
Tính đồng bộ, sự phân công và hợp tác của các chủ thể để nâng cao năng lực hoạt động của cả hệ thống hành chính-kinh tế-xã hội là vấn đề cốt lõi để đưa đất nước tiến nhanh hơn và bền vững hơn theo hướng hiện đại.
Hai là, chuyển nhanh sang Chính phủ kiến tạo, Chính phủ số.
Chống dịch thì cần có nhiều sáng kiến, nhưng cũng có người nảy ra “sáng kiến” gây phiền hà cho doanh nghiệp, cơ quan; điển hình là phải có xác nhận của phường vào giấy đi đường do cơ quan, doanh nghiệp cấp. Tại Hà Nội có hàng nghìn cơ quan Trung ương, nếu theo quy định như ở phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) thì các bộ đều phải đến phường làm thủ tục cấp giấy xác nhận, trong khi đứng đầu các bộ là bộ trưởng, các viện là viện trưởng... Có vẻ như ai đó không tin vào tính nghiêm túc của lãnh đạo các bộ, viện, trường học, doanh nghiệp, đành phải giao cho phường kiểm tra lại độ tin cậy của các cơ quan này!? Mặc dù UBND TP Hà Nội đã thông báo bỏ quy định này, nhưng nó thể hiện một số người vẫn muốn duy trì cơ chế xin-cho trái với mong muốn của người dân và doanh nghiệp.
Việt Nam đã coi xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016-2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện giai đoạn 2021-2030.
Hệ thống thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) vận hành từ ngày 24-6-2019, hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ vận hành từ ngày 13-3-2020 đã kết nối 16 bộ, cơ quan với 20 chế độ báo cáo và 88-200 chỉ tiêu kinh tế-xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, một số hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử đã được đưa vào vận hành, giúp đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng như cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Vấn đề còn lại là sử dụng có hiệu quả hệ thống thông tin quốc gia để khắc phục về cơ bản trạng thái trì trệ, chậm chạp, kém hiệu năng của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội.
Năm 2021 chỉ còn 3 tháng mà số doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất rất lớn, ngành du lịch và các dịch vụ có liên quan khó khôi phục nhanh chóng, các chuỗi cung ứng sản phẩm bị đứt gãy không dễ phục hồi. Do vậy, để thực hiện được dự báo tăng trưởng khá khiêm tốn này đòi hỏi không chỉ quyết liệt về chủ trương và hành động, mà quan trọng hơn là đổi mới tư duy theo hướng sáng tạo để tìm mô hình mới thích hợp với từng khu vực, ngành nghề, địa phương theo hướng có chất lượng cao hơn và hiệu quả lớn hơn.
GS, TSKH NGUYỄN MẠI
Bài tuyên truyền Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ