Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai:
Hãy tự bảo vệ mình!
Mới đây, khi tôi đang cấp cứu cho bệnh nhân trong phòng bệnh, bệnh nhân thì rất đông, người nhà lộn xộn nên bảo vệ mời người nhà ra ngoài cho bác sĩ làm việc, khi cần sẽ gọi. Chuyện đơn giản như thế, vậy mà có người nhà lớn tiếng chửi bới. Họ sợ ra ngoài thì bác sĩ sẽ giết bệnh nhân chăng? Lát sau, một người nhà khác vào xin lỗi, trình bày vì người nhà tôi lo lắng quá nên mất kiểm soát.
Những chuyện thế này xảy ra như cơm bữa ở các phòng cấp cứu, đặc biệt ở tuyến dưới, cũng ít khi được quan tâm xử lý. Xét ở góc độ nào đó thì bác sĩ cũng là nạn nhân, chịu quá nhiều áp lực, ấm ức từ phía người nhà bệnh nhân.
Hồi tôi sang châu Âu, vào một bệnh viện ở đó, có ca bị tai nạn chảy máu rất nhiều. Một người nhà bệnh nhân vào mắng các bác sĩ, dọa giết. Thế là tất cả nhân viên y tế sợ, bỏ đi, trơ lại bệnh nhân ở phòng bệnh. 5 phút sau cảnh sát đến còng tay người kia đi, ông ta rối rít xin lỗi, giải thích rằng chỉ dọa thôi. Cảnh sát trả lời: Việc thanh minh là ở tòa. Sau đó, nhân viên tiếp tục cấp cứu tiếp bệnh nhân đó. Một bác sĩ nhún vai nói với tôi, nếu chẳng may bệnh nhân đó chết, các y sĩ, bác sĩ cũng không vấn đề gì vì khi bị đe dọa, họ sợ hãi không làm được việc. Luật bên họ rất rõ ràng như thế chứ không phải thích diễn giải theo kiểu gì cũng được. Thế nên, điều cần thiết bây giờ cho các nhân viên y tế là cứu chữa người bệnh hết mình nhưng hãy tự bảo vệ mình!
DUY LINH (ghi)
Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:
Giảm tải ở phòng cấp cứu
Theo tôi, để phòng, chống nạn bạo hành thì ngoài việc hoàn thiện các hành lang pháp lý nhằm bảo vệ những người hành nghề y-được coi là cao quý trong xã hội, các bệnh viện cần chủ động những biện pháp kịp thời như: Có phòng cách ly để tạo môi trường không bạo lực trong quá trình khám, chữa bệnh, đặc biệt là các phòng khám cấp cứu. Cần có chính sách ưu đãi đối với các bác sĩ xứng đáng với sức lực, chất xám họ bỏ ra để các bác sĩ gắn bó làm việc ở bệnh viện công. Bởi vì khi bác sĩ ra làm tại bệnh viện tư, hệ lụy là áp lực về số lượng bệnh nhân tăng lên, không đủ nhân lực để giải quyết, dẫn đến quá tải, gây nôn nóng cho người bệnh, người nhà người bệnh và tình trạng kiệt sức cho bác sĩ. Từ đó gây mất an toàn và tai biến y khoa xảy ra không phải là điều không thể.
Hiện nay, các bệnh viện ngoài công lập thường chỉ khám chứ không cấp cứu, dẫn đến mọi ca cấp cứu đều dồn ứ cho bệnh viện công, quá tải là điều khó tránh khỏi. Trong trường hợp bệnh nhân bị tai biến y khoa do nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan từ phía bác sĩ, lại không hề có một tổ chức trung gian nào đứng ra hòa giải hoặc thương lượng để bảo đảm quyền lợi cho bác sĩ và bệnh nhân, dẫn tới phía bệnh nhân thiệt thòi khi có tai biến và phía bác sĩ bị bạo hành sau tai biến y khoa. Do đó, Bộ Y tế cần phải khẩn trương giải quyết vấn đề này. Bên cạnh đó, cần có các chương trình đào tạo cho bác sĩ đối với việc xử lý tình huống ngăn chặn và tự bảo vệ khi có bạo hành, khi có nguy cơ bạo hành hoặc bạo hành xảy ra, họ không thể tự thoát hiểm và bảo vệ mình trước khi có các biện pháp bảo vệ khác.
NGUYỄN PHONG (ghi)
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế:
Cần thực hiện các biện pháp đồng bộ!
Ở nước ta, hành lang pháp lý để bảo vệ thầy thuốc, nhân viên y tế trong khi đang thực hiện nhiệm vụ của mình đã có khá đầy đủ, thể hiện qua các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ luật Hình sự, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Luật Dân sự. Ngoài ra, các hội nghề nghiệp của ngành y tế cũng có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho các hội viên. Vì vậy, vấn đề cơ bản là việc thực thi pháp luật có nghiêm minh không? Bởi pháp luật nghiêm đến mấy nhưng nếu người ta cứ vi phạm và không được xử lý nghiêm minh, can thiệp kịp thời thì sẽ thành tiền lệ xấu.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang.
Mới đây, Quốc hội đồng ý bổ sung vào Điều 134, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự về tình tiết tăng nặng khi hành hung người “đang chăm sóc sức khỏe cho mình”. Qua đây, chúng ta có thêm một công cụ của Nhà nước để thực hiện giáo dục, thuyết phục, răn đe, đồng thời cũng thể hiện được tính nghiêm minh của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, khi đánh giá về nguyên nhân của các vụ việc bạo lực y tế, trước hết, chúng ta phải xem tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế đã đạt đúng quy định về mặt chuyên môn, bảo đảm được các yếu tố về mặt y đức chưa? Đó là một vấn đề mà Bộ Y tế cũng có chủ trương phải nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh bằng tinh thần, thái độ phục vụ tốt hơn và nếu các cơ sở y tế đều làm tốt việc đó thì đây sẽ là công cụ hữu hiệu bảo vệ mình đầu tiên. Khi đó, nếu vẫn có hành vi xâm hại nhân viên y tế thì chúng ta đã có những cơ chế về mặt pháp lý để xử lý. Bộ Y tế cũng đưa các biện pháp để tổ chức thực hiện, rồi các quy chế liên tịch giữa Bộ Y tế với Bộ Công an, giữa các bệnh viện với công an sở tại.
Trong một số trường hợp hành hung nhân viên y tế xảy ra vừa rồi thì chính các nhân viên y tế khác cũng không can thiệp để bảo vệ kịp thời, các nhân viên bảo vệ cũng không có kỹ năng để nhận diện và có biện pháp xử lý kịp thời. Bởi ngay lúc đó, không thể có lực lượng chức năng ngay mà những người ở đó phải có sự can thiệp đầu tiên… Khi có sự cố nhân viên y tế bị hành hung thì các cơ quan, tổ chức phải lên tiếng đồng loạt để lên án. Nếu thực hiện được các biện pháp đồng bộ và có sự vào cuộc của cả xã hội thì vấn nạn bạo lực y tế sẽ sớm được đẩy lùi.
DƯƠNG THỊNH (ghi)