Về nơi “chạm tay vào quá khứ”

Cách Hà Nội hơn 60km, từ xưa, vùng văn hóa tâm linh Ba Vì đã “định vị” trong tâm thức người Việt. “Nhất cao là núi Ba Vì”-đây là vùng đất thiêng, mang cả một kho huyền tích gắn với Đức Thánh Tản Viên, một trong “Tứ bất tử” của người dân Việt Nam. Sự linh thiêng khiến vùng đất Ba Vì trường kỳ mang vẻ yên bình. Ở đây còn có một hệ thống các công trình văn hóa như: Đền thờ Bác Hồ, Khu di tích K9, tháp Báo Thiên; các thắng cảnh như Ao Vua, Khoang Xanh, Suối Tiên ở chân núi. Vườn Quốc gia Ba Vì (được quy hoạch bảo vệ từ năm 1991) là kho báu vô giá được thiên nhiên ban tặng, chứa đựng bề dày lịch sử, văn hóa, tâm linh, là “hòn ngọc xanh” của Thủ đô.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Các công trình kiến trúc được “khoác áo mới” hài hòa trong không gian xanh của Vườn Quốc gia Ba Vì.

Khuất sau những tán lá rậm rạp, ẩn dưới thảm thực vật, rêu phong, trong lòng Vườn Quốc gia Ba Vì còn có gần 200 công trình kiến trúc được xây dựng từ thập niên 1940. Rải rác trên các độ cao 400m, 600m, 700m, 800m, 1.000m, ở đây từng có một thị trấn, những biệt thự nghỉ dưỡng, cả trang trại, đồn điền và căn cứ quân sự được người Pháp quy hoạch và xây dựng khoa học, tỉ mỉ. Mỗi công trình đều ẩn chứa những câu chuyện lịch sử thú vị, tạo nên sức hấp dẫn về một vùng đất đặc biệt.

Cote 600m là vị trí quân sự quan trọng. Ở đây còn dấu tích bãi đậu máy bay dã chiến, có ụ pháo khống chế cả một vùng rộng lớn dưới chân núi nhìn về ngã ba sông Bạch Hạc... Trên cote 700m, tựa lưng vào đỉnh Ngọc Hoa, hướng ra sông Đà và bao quát một phần thị xã Sơn Tây là dấu tích “nhà đại tá” của một viên sĩ quan cao cấp người Pháp. Vẫn còn nhìn thấy lối đi chính và phụ, bờ tường kiên cố dày tới 60cm, nền móng của nhiều căn phòng với sàn nhà lát gạch hoa... có thể mường tượng về sự bề thế, sang trọng của khu dinh thự. Vượt lên một đoạn dốc cao và khúc cua tay áo, tại cote 800m là khu phế tích gồm nhà thờ với kiến trúc cổ điển; khu cô nhi viện với những ô cửa, mái vòm đặc trưng; những biệt thự nghỉ mát chỉ còn lại bức tường và ống khói của khu nhà bếp bị dây leo, rễ cây cổ thụ phủ kín. Qua thời gian và chiến tranh, quần thể kiến trúc do người Pháp xây dựng ở Ba Vì dần chìm vào quá khứ, rơi vào cảnh hoang phế, lụi tàn. Nhưng dù chỉ còn là phế tích, du khách vẫn có thể hình dung được vẻ đẹp của những công trình mang đậm phong cách kiến trúc Pháp giữa thiên nhiên hoang sơ, huyền bí của rừng già Ba Vì, chìm đắm trong không gian, cảnh quan văn hóa đặc trưng của một thời kỳ lịch sử.

Bảo tồn tích cực, phát triển bền vững

Thế giới hiện nay đã không còn quan niệm bảo tồn là “đóng băng”, giữ nguyên di sản. Theo quan điểm hiện đại được UNESCO đưa ra: Bảo tồn di sản văn hóa phải phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững, đáp ứng tốt nhu cầu của con người, theo nguyên tắc bảo đảm tính bền vững và không can thiệp vào tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Xu thế mới hiện nay, di sản cần được bảo tồn tích cực, nghĩa là đưa di sản vào phục vụ cuộc sống; các di sản phải được bảo vệ, tôn tạo và tổ chức giới thiệu rộng rãi cho công chúng biết.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, huyện Ba Vì nằm trong khu vực hành lang xanh, khuyến khích phát triển các hoạt động du lịch, phát triển các mô hình trang trại, nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp... Ba Vì cũng được quy hoạch khoanh vùng bảo vệ và bảo tồn các làng nghề truyền thống, các vùng đa dạng sinh thái, các vùng nông nghiệp năng suất cao. Vườn Quốc gia Ba Vì không chỉ là “lá phổi xanh” của Thủ đô Hà Nội mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa, tâm linh, đặc biệt trong tâm thức mỗi người dân. Bảo tồn, phát huy giá trị của di sản ở Ba Vì, coi di sản phế tích như nguồn tài nguyên vô giá và vô tận phục vụ du lịch là giải pháp cơ bản phát triển bền vững, mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Để có được lời giải cho bài toán hòa hợp giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở Ba Vì, cần có sự phối hợp và đồng thuận của “bộ tứ”: Quản lý-nghiên cứu-khai thác/phát huy và cộng đồng. Bên cạnh đó, các yếu tố khác cũng rất cần thiết, như: Chính sách quản lý, phát triển phù hợp và kịp thời; nhà nghiên cứu khảo sát tổng thể, đánh giá trữ lượng tài nguyên, tìm hiểu những nhân tố tác động tới hiện trạng và tương lai của tài nguyên di sản; nhà đầu tư và nhà quản lý khai thác tài nguyên di sản có tâm, có tầm, chuyên nghiệp, năng lực và trách nhiệm (không lấy lợi nhuận làm mục tiêu trước mắt mà lấy hiệu quả và sự bền vững của dự án làm đích đến); sự đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ của cộng đồng để phát triển bền vững...

Người Pháp đã xây dựng nhiều khu đô thị, nghỉ dưỡng ở Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Bạch Mã (Thừa Thiên-Huế), Đà Lạt (Lâm Đồng). Đến nay, đa phần các công trình này dù bị phong hóa bởi thời gian nhưng đã lần lượt được “đánh thức”. Bài học về bảo tồn và phát triển trên “tài nguyên” phế tích cổ ở Tam Đảo, Sa Pa, Bà Nà, Đà Lạt... cũng đáng để Hà Nội suy ngẫm ở Ba Vì.

Để di sản tiếp tục “sống” và có ích

Những phế tích trên đỉnh Ba Vì là di sản kiến trúc cần được trân trọng, bảo tồn và phát huy giá trị cho các thế hệ mai sau. Tuy nhiên, ứng xử như thế nào với di sản phế tích ở Ba Vì để vừa bảo tồn, vừa có thể phát huy được tiềm năng phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân Thủ đô, du khách trong và ngoài nước đang đặt ra những câu hỏi cần trả lời thấu đáo.

Những phế tích mang giá trị di sản giữa Vườn Quốc gia Ba Vì đã “ngủ quên” một thời gian dài, nay không nên để nguồn di sản đáng quý đó tiếp tục hoang phế và chìm vào quên lãng. Nó có “quyền sống” và có thể “sống” được trong lòng xã hội hiện đại. Tín hiệu đáng mừng là hiện trạng khu vực cảnh quan ở Ba Vì ngày nay vẫn chưa bị tác động nhiều bởi quá trình phát triển, hệ sinh thái cảnh quan tự nhiên được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Đặc biệt, những nền móng phế tích vẫn được bảo tồn và dần “hồi sinh” bởi một số đơn vị đầu tư. Sự ứng xử cẩn trọng với thiên nhiên và di sản phế tích tại Ba Vì đã được nhiều chuyên gia về kiến trúc, bảo tồn di sản đánh giá cao.

leftcenterrightdel
Ba Vì dần trở thành điểm đến hấp dẫn đông đảo du khách.

Dựa trên những nghiên cứu tư liệu lưu trữ về cấu trúc quy hoạch thời Pháp của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, các công trình lưu trú và phục vụ tại đây đã được phục dựng lại theo hướng kiến trúc xanh, một số công trình mới được đặt trên chính nền móng phế tích một cách hài hòa với khung cảnh thiên nhiên. Những phế tích với cây cổ thụ ôm cuốn trên tường được bảo tồn nguyên trạng. Một số công trình bằng vật liệu gỗ được xây dựng mới bên cạnh phế tích tạo hiệu ứng về sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và di sản phế tích chính là nét đặc trưng gây ấn tượng mạnh đối với du khách. Thả bước men theo dấu tích từng biệt thự cổ, được “chạm tay vào quá khứ”, mường tượng về một thời hoàng kim đã quá vãng là những trải nghiệm tuyệt vời, khó quên với bất kỳ ai đến nơi đây.

Những gì đã làm được giữa chính quyền, các cơ quan chuyên môn cùng một số nhà đầu tư tâm huyết thử nghiệm ở Ba Vì thời gian qua có thể minh họa cho mối quan hệ tương hỗ giữa “bảo tồn tích cực” và “thận trọng phát triển”. Các phế tích được tu tạo trên cơ sở tôn trọng quá khứ, bảo vệ môi trường sinh thái, đã từng bước được “hồi sinh” để nói rằng: Di sản có thể được sử dụng như một nguồn lực quan trọng cho việc phát triển du lịch, thu hút du khách đến chiêm ngưỡng những dấu ấn của lịch sử-văn hóa, hưởng thụ và trải nghiệm một không gian nghỉ dưỡng nhân văn, hòa thuận với thiên nhiên.

Tại Hội thảo “Phát huy giá trị phế tích Pháp tại núi Ba Vì” được Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam tổ chức ngày 11-9 vừa qua, KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng, “đánh thức” phế tích trong Vườn Quốc gia Ba Vì để phục vụ cộng đồng đến tham quan, tìm hiểu về một thời kỳ lịch sử là hướng đi cần thiết. Tuy nhiên, ông lưu ý: “Việc đầu tư xây dựng cần cân bằng giữa bảo vệ rừng nguyên sinh và phát triển du lịch. Nếu đầu tư thái quá cũng không đúng, mà để giữ nguyên hiện trạng cũng không đúng”.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH