Chuyện kể rằng, khi Vương Chính Đức muốn xây một dinh thự bề thế, mà lại bảo đảm được yếu tố công-thủ toàn diện, ông đã cho vời nhiều thầy địa lý đến xem nhưng trong bụng không ưng. Một bận, có viên Bách trưởng (chỉ huy 100 lính) dưới trướng họ Cư tên Lù mạnh dạn tham mưu cho Vương Chính Đức về việc xây dinh thự. Ban đầu Vương Chính Đức không để tâm lắm nhưng càng nghe càng thấy thuyết phục. Họ Cư cho rằng “thủ lĩnh nên thay đổi nơi ở, bởi hiện tại nơi đang ở ngay chân núi cao, cạnh hẻm núi không hợp tuổi, cũng như không lợi cho hậu thế”. Cũng theo viên Bách trưởng Cư Lù giới thiệu, Vương Chính Đức cho mời thầy phong thủy về xem. Vương Chính Đức thoạt thấy thầy phong thủy chọn khu đất trồng chè, chăn nuôi lợn, gà làm biệt phủ thì băn khoăn lắm. Sau thầy lý giải nơi đây - TSùa Phình (tiếng Mông có nghĩa bãi trồng chè) - có vượng khí của bậc đế vương. Xây dinh lũy ở đây bảo đảm công-thủ toàn diện. Những ngọn núi xung quanh chỉ có con đường nhỏ độc đạo sẽ ngăn quân thù giáp công nhiều mặt. Khi chủ động tấn công, kẻ địch khó thoát khỏi nghĩa binh người Mông thông thạo đường ngang ngõ tắt trên triền núi. Dinh thự trên lưng thần Kim quy là biểu tượng của sự vĩnh cửu. Hai ngọn núi phía Bắc nhô lên như hai mâm xôi là sự đầy đặn, no đủ. Thế núi bao quanh là sự vững chãi, sâu rễ, bền gốc mãi về sau… thì họ Vương ưng ngay.
|
|
Phù điêu đá gắn được chạm trổ tinh xảo, thể hiện sự phồn thịnh, quyền quý của gia chủ. Ảnh: HÀ LINH |
Chuyện liên quan đến dinh thự họ Vương kể hoài khó hết. Trong bài viết này, chúng tôi không đi sâu về chi tiết. Nhưng có mấy điểm muốn nói cho rõ hơn. Có người cho rằng, dinh thự nhà họ Vương được xây vào năm 1914 và kéo dài tới 8 năm. Về mốc thời gian này, chúng tôi đã hỏi cụ Vương Quỳnh Sơn, người nhà họ Vương thì được lý giải: “Cuộc chiến Pháp-Mèo 1909-1913 dẫn đến ký hiệp ước đình chiến vào tháng 10-1913. Bấy nhiêu năm lúc ở rừng sâu, đánh nhau liên miên, lo cái ăn, cái mặc còn khó, thì lấy đâu ra tiền mà xây dựng khi cuộc chiến vừa mới ngưng. Ban đầu, cụ Vương Chính Đức chỉ làm một ngôi nhà trình tường chắc chắn, đủ chỗ ở cho gia quyến và người giúp việc. Đó chính là nhà cấp 2 ở giữa (trung dinh). Sau nhà cấp 1 phía trước, và trước nhà cấp 3 cao nhất là nơi cụ Đức ở. Từ cơ sở dãy nhà 2 tầng có sẵn ở giữa, cụ Vương cho phát triển ra phía trước và phía sau tạo thành 3 cấp nhà khép kín. Xây thành bằng đá bao quanh và các phòng chức năng khác nhau trong dinh thự. Dinh thự được Vương Chính Đức cho xây và hoàn thiện trong 4 năm, từ 1923 đến 1926”. Cũng theo cụ Vương Quỳnh Sơn, toàn bộ dinh thự xây tốn tầm 15.000 đồng bạc trắng (nhiều bài viết nói 15.000 đồng bạc Đông Dương-tiền Đông Dương). Riêng bể chứa nước mưa tốn 800 đồng (rộng tới 300m3, cứ hứng được nước mưa là đủ dùng quanh năm), tường đá vây quanh dinh thự tốn gần 1.000 đồng, 2 lô cốt phía sau chi phí 700 đồng…
BẰNG LĂNG