TRUNG TƯỚNG, PGS, TS TRẦN VĂN ĐỘ, nguyên Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương: Pháp luật phải trở thành "người mở đường" tiên phong
Đất nước ta đang đứng trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên phát triển mới-nơi đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức và chuyển đổi số trở thành động lực chính của tăng trưởng. Trong bối cảnh ấy, pháp luật phải là “hệ điều hành” thông minh dẫn dắt phát triển. Để đáp ứng yêu cầu đó, công tác xây dựng pháp luật cần chuyển mạnh tư duy pháp luật từ quản lý sang phục vụ và kiến tạo. Pháp luật phải được thiết kế để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được “làm những gì pháp luật không cấm”, chứ không phải để ngăn cản, ràng buộc quá mức. Tinh thần pháp luật cần đặt niềm tin vào năng lực đổi mới và trách nhiệm của xã hội, thay vì cố gắng kiểm soát mọi thứ bằng mệnh lệnh hành chính. Pháp luật đóng vai trò khơi thông thể chế cho các lĩnh vực mới, các mô hình kinh tế mới. Những lĩnh vực như kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ xanh, tài chính phi truyền thống... đang phát triển nhanh hơn pháp luật. Cần chủ động nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp để cho phép thử nghiệm cái mới trong không gian kiểm soát an toàn.
Bảo đảm pháp luật là công cụ thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Hệ thống pháp luật phải góp phần cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh, bảo vệ quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ và giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp. Đây chính là cách để giải phóng sức sản xuất và khơi thông nguồn lực từ khu vực tư nhân-một động lực quan trọng của phát triển trong giai đoạn tới.
Phát triển đội ngũ cán bộ pháp luật có tư duy đổi mới và khả năng phản ứng chính sách nhanh. Không thể có hệ thống pháp luật hiện đại nếu thiếu những con người hiểu thực tiễn, giỏi phân tích chính sách và dám chịu trách nhiệm với cái mới. Cần là trung tâm đào tạo và truyền cảm hứng cho thế hệ cán bộ pháp luật có năng lực kiến tạo tương lai.
Để đồng hành với dân tộc trong chặng đường phát triển mới, pháp luật phải từ bỏ vai trò “người canh cửa” để trở thành “người mở đường” tiên phong.
TS NGUYỄN SĨ DŨNG, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng: Tháo gỡ điểm nghẽn thúc đẩy sự phát triển
Thực tiễn luôn đi trước và đặt ra những đòi hỏi cấp thiết đối với hệ thống pháp luật. Nếu pháp luật không theo kịp, thậm chí bị động trước những biến chuyển nhanh chóng của đời sống kinh tế-xã hội, thì không chỉ gây lãng phí cơ hội phát triển mà còn làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào tính hiệu lực và hiệu quả của Nhà nước pháp quyền.
Chính vì vậy, để pháp luật thực sự trở thành công cụ tháo gỡ điểm nghẽn, dẫn dắt và thúc đẩy sự phát triển cần tập trung thực hiện tốt 3 yêu cầu trọng tâm:
Thứ nhất, bám sát thực tiễn, lắng nghe cuộc sống. Công tác xây dựng pháp luật phải xuất phát từ yêu cầu của đời sống kinh tế-xã hội. Cần đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thiết lập cơ chế thu thập thông tin từ địa phương, từ doanh nghiệp và người dân, để kịp thời phát hiện những khoảng trống, bất cập, và mâu thuẫn trong pháp luật. Chỉ khi nào thực tiễn được “lắng nghe” đầy đủ, pháp luật mới có thể trở thành “tiếng nói đúng lúc” của sự phát triển.
Thứ hai, thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng. Những chủ trương lớn, định hướng mới của Đảng như phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, nâng cao năng suất nội sinh, hay đổi mới sáng tạo-đều cần được cụ thể hóa nhanh chóng bằng hệ thống pháp luật đồng bộ, nhất quán. Bộ Tư pháp phải giữ vai trò chủ công trong việc đề xuất, tham mưu, và thiết kế pháp luật đi trước một bước để dọn đường cho các đột phá chiến lược.
Thứ ba, phát triển năng lực pháp luật theo hướng phản ứng chính sách linh hoạt. Không chỉ xây dựng luật bài bản, ngành tư pháp cần chủ động với các mô hình “thí điểm thể chế”, “sandbox pháp lý”, hay “pháp luật mềm” để có thể phản ứng kịp thời trước các vấn đề phát sinh từ thực tiễn đang biến động nhanh, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), hay kinh tế tuần hoàn.
Nói cách khác, xây dựng pháp luật trong giai đoạn hiện nay không chỉ là công việc kỹ thuật mà là hành động chiến lược. Nếu làm tốt sẽ góp phần biến các yêu cầu phát triển thành hiện thực pháp lý-đưa đất nước bứt phá mạnh mẽ trong kỷ nguyên phát triển mới.
PGS, TS BẾ TRUNG ANH, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội khóa XV: Luật pháp phải là công cụ thiết kế lại nhà nước một cách tinh gọn
Từ một thực tiễn, chúng ta đang sống trong giai đoạn mà khoa học-công nghệ phát triển quá nhanh, thay đổi từng ngày, rất khó để khẳng định chắc chắn rằng luật pháp theo kịp thực tiễn này. Khi luật không theo kịp diễn biến xã hội, đồng nghĩa với việc chúng ta dùng quy định lỗi thời để trừng phạt đổi mới, tức là chúng ta không bảo vệ công lý như một chức năng căn bản vốn có của luật, mà là chúng ta đang kìm hãm sự tiến bộ.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật là kết hợp giữa pháp trị và đức trị, giữa kỷ cương và lòng dân. Theo đó pháp luật phải: “Nghiêm minh nhưng nhân đạo”, “Gần dân, dễ hiểu, dễ thi hành”.
Kết hợp với đặc trưng tư tưởng pháp luật xã hội chủ nghĩa, thì pháp luật là công cụ bảo vệ quyền lợi nhân dân, thúc đẩy công bằng xã hội, kiểm soát quyền lực nhà nước.
Đất nước ta đang thực hiện chuyển đổi hệ thống một cách toàn diện, hướng tới kỷ nguyên phát triển mới. Trong bối cảnh sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy gắn với một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, việc xây dựng hệ thống pháp luật cần một giải pháp toàn diện, chặt chẽ nhưng linh hoạt. Triết lý xây dựng luật cần chuyển từ “luật để quản lý chặt” sang “luật để trao quyền”; “mỗi cấp có luật riêng” sang “luật phân quyền linh hoạt, phân tầng thể chế”. Tức là luật pháp phải là công cụ thiết kế lại nhà nước một cách tinh gọn, lấy hiệu quả và phục vụ người dân làm trung tâm.
Thực tế chứng minh rằng xây dựng luật để phát triển cần hướng tới các giá trị mặc định: Công dân tôn trọng pháp luật không chỉ vì sợ phạt, mà vì tin luật là đúng, là cần. Doanh nghiệp sống bằng luật-không thể phát triển trong môi trường luật pháp thiếu rõ ràng, hay thay đổi, chồng chéo. Báo chí, phản biện xã hội phải bảo vệ tư tưởng pháp luật công bằng. Nhà nước kiến tạo cần dựa trên tư tưởng pháp luật minh bạch, lắng nghe và tiến bộ.
Với quan điểm tư tưởng và triết lý về mục tiêu rõ ràng như vậy, các giải pháp để chúng ta có một hệ thống luật pháp phù hợp với bối cảnh hiện tại là: 1) Mô hình xây dựng luật nên là dạng mô đun (modular law): Một luật trung ương, sẽ gắn kèm với các phụ lục vùng, địa phương (đặc thù nhưng không đặc quyền). Như vậy khi sáp nhập tỉnh hay thay đổi cấp hành chính chỉ cần thay đổi phụ lục, không cần sửa toàn bộ luật. Xây dựng luật theo hướng chức năng-không gian, không phụ thuộc đơn vị địa giới cũ. 2) Đổi mới phương pháp lập pháp để bảo đảm thực thi hiệu quả: Lập pháp dựa trên dữ liệu (Evidence-based-Legislation). Thực hiện đánh giá tác động theo cách mới, khách quan hơn. Trước đây khi bộ, ngành dự thảo luật thì chính cơ quan dự thảo thực hiện báo cáo đánh giá tác động. Điều này dẫn đến tính khách quan thấp và thường là các báo cáo định tính, thiếu các số liệu, chứng cứ định lượng, (cơ quan dự thảo luật sẽ thực hiện đánh giá theo chiều hướng “cần ban hành luật này”). Để tăng tính khách quan cho báo cáo đánh giá tác động cần có một cơ quan độc lập, Quốc hội chọn để thực hiện các báo cáo này.
HẢI ĐĂNG (ghi)