Kế thừa truyền thống yêu nước của dân tộc

Trải qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam thường xuyên phải tiến hành các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Qua các cuộc binh lửa, cha ông ta đã hun đúc nên một truyền thống văn hóa quân sự độc đáo, mang bản sắc riêng của Việt Nam. Truyền thống đó được các thế hệ người Việt trao truyền và phát huy cao độ trong 30 năm kháng chiến (1945-1975).

Đại thắng mùa xuân 1975 chính là sự tiếp nối truyền thống văn hóa quân sự trong lịch sử được khởi nguồn từ lòng yêu nước, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất; là sự kế thừa truyền thống sử dụng lực lượng quân sự để giành lại độc lập, tự chủ và thống nhất, theo ước nguyện cháy bỏng hàng đầu của toàn dân tộc. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Nhìn từ quá khứ đến nay, mặc dù Việt Nam “đất không rộng, người không đông” song đã đánh bại nhiều kẻ thù hung bạo, viết nên những trang lịch sử vẻ vang từ thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Những chiến thắng hào hùng của dân tộc được bắt nguồn từ lòng yêu nước, tính cố kết cộng đồng trong chống giặc ngoại xâm. Truyền thống đó được nhân lên gấp bội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, cả dân tộc đã tập trung nhân tài, vật lực, với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” chi viện sức người, sức của cho miền Nam đánh Mỹ và niềm tin sắt son: “Dân tộc ta là một, nước Việt Nam là một. Nhân dân ta nhất định sẽ vượt tất cả mọi khó khăn và thực hiện kỳ được “thống nhất đất nước, Nam Bắc một nhà”...

Kết tinh giá trị văn hóa của nghệ thuật quân sự độc đáo

Đại thắng mùa xuân 1975 chính là sự kết tinh giá trị văn hóa của nghệ thuật quân sự độc đáo trong tạo thế, tạo lực, chớp thời cơ, giành thắng lợi quyết định. Mặc dù Việt Nam phải đối mặt với một kẻ thù hùng mạnh bậc nhất lúc bấy giờ, song với bản lĩnh dám đánh Mỹ và quyết tâm tìm ra cách đánh Mỹ, quân và dân hai miền Nam-Bắc đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của Mỹ và tay sai: Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh... Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 được mở màn bằng Chiến dịch Tây Nguyên, cho thấy nghệ thuật quân sự độc đáo của Quân đội ta như: Chớp thời cơ, nghi binh lừa địch, tạo thế và giữ vững quyền chủ động tiến công của ta.

Chiến dịch Hồ Chí Minh là đỉnh cao về sự chỉ đạo và vận dụng nghệ thuật quân sự Việt Nam. Một trong những nội dung đặc sắc, độc đáo về nghệ thuật quân sự đó là, sự kết hợp giữa tiến công và nổi dậy; phối hợp tác chiến của 3 thứ quân, lấy đòn đánh của binh đoàn chủ lực làm trung tâm... Như Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng từng đánh giá thì trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, ta tiến hành các chiến dịch lớn với 3 đòn chiến lược. Ba đòn chiến lược đó thể hiện được phương thức nghệ thuật tác chiến chiến lược của ta. Xuất hiện từ đường lối chiến tranh nhân dân toàn diện, với hai lực lượng, 3 thứ quân, tác chiến cài xen kẽ với địch không phân tuyến của ta, làm cho địch bị phân tán, chia cắt, bị động; còn ta thì chủ động tập trung, cơ động linh hoạt. Trên cơ sở của đường lối chiến tranh đó, nghệ thuật tác chiến chiến lược của ta là nghệ thuật của chiến tranh nhân dân, là sự kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, giữa quân sự với chính trị; tiến hành tác chiến trên toàn bộ chiến trường; đánh địch trên toàn bộ chiến tuyến, đánh cả ở phía trước mặt địch và đằng sau lưng địch, trên cả 3 vùng chiến lược...

leftcenterrightdel

Phòng họp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tại Di tích cách mạng Nhà D67 (Hà Nội) hiện nay. Nơi đây Bộ Chính trị đã họp mở rộng từ ngày 18-12-1974 đến ngày 8-1-1975, thông qua kế hoạch giải phóng miền Nam. Ảnh: THANH MINH

 

Hội tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc và quốc tế

Đại thắng mùa xuân 1975 thể hiện sự hội tụ của văn hóa quân sự phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Đó là thành quả vĩ đại của đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng; của sự phát huy sức mạnh tổng hợp khối đoàn kết toàn dân. Ở miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tập hợp được các tổ chức chính trị, xã hội, tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo chung sức đồng lòng chống giặc dưới ngọn cờ đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Còn ở miền Bắc, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, từ hậu phương lớn miền Bắc, lớp lớp thanh niên trong đội hình của những đoàn quân nối tiếp nhau “vượt Trường Sơn” ra chiến trường và khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" đã trở thành một cao trào lôi cuốn hàng triệu người tham gia. Sức mạnh của tinh thần đoàn kết đã tạo ra và nhân lên sức mạnh vô địch của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ mạnh mẽ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, tiêu biểu là Liên Xô, Trung Quốc, Cuba... Từ khi cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam có bước leo thang mới, đã có rất nhiều sự kiện đầy ý nghĩa của nhân dân các nước đoàn kết ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Có nhiều vụ tự thiêu, các cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng triệu người liên tục diễn ra tại Mỹ và các nước khác để phản đối chiến tranh. Sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và ngay trong lòng nước Mỹ đã góp phần tạo động lực cho quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tỏa sáng những giá trị văn hóa nhân văn, nhân đạo

Từ buổi đầu dựng nước đến nay, cội nguồn làm nên chiến thắng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta chính là sức mạnh của nền văn hóa mà văn hóa quân sự với truyền thống nhân văn, nhân đạo cao cả là một trong những giá trị cốt lõi, cơ bản.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, ta chủ trương phối hợp sức mạnh quân sự của những “quả đấm chủ lực” cùng với các mũi binh địch vận, nổi dậy của quần chúng nhằm hạn chế tối đa tổn thất, hy sinh xương máu. Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, Sài Gòn và các thành phố lớn hầu như còn nguyên vẹn, các vấn đề xã hội được Ủy ban quân quản và chính quyền cách mạng giải quyết ổn thỏa, cuộc sống lao động, sản xuất của nhân dân trở lại bình thường trong niềm vui toàn thắng. Tù hàng binh địch đều được đối xử khoan hồng, phần lớn sĩ quan, binh lính ngụy ra trình diện đều được trở lại địa phương làm ăn, sinh sống...

Có thể nói, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 toàn thắng 50 năm trước là thành quả tất yếu của đường lối quân sự của Đảng, cùng sự đồng lòng chung sức của toàn dân tộc và được sự ủng hộ quý báu của bạn bè quốc tế. Có thể khẳng định, Đại thắng mùa xuân 1975 là một mốc son rực rỡ trong lịch sử của dân tộc; đồng thời, cho thấy những giá trị cốt lõi của văn hóa quân sự Việt Nam đã được gìn giữ, tiếp nối, phát huy mạnh mẽ trong thời đại Hồ Chí Minh. Như Đảng ta đã khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (12-1976): “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc”.

Thượng tá NGUYỄN HÀ HẢI (Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam)