Kích hoạt tinh thần tự do kinh doanh

Còn nhớ, Luật Doanh nghiệp năm 1999 ra đời đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. “Đó là sự khích lệ lớn đối với tôi khi bước chân vào thương trường, thành lập doanh nghiệp vào tuổi ngũ tuần... Luật Doanh nghiệp giống như bà đỡ đối với những doanh nghiệp sơ sinh”. Những lời này của chủ một doanh nghiệp nhỏ đã nói thay rất nhiều người làm kinh doanh về nhu cầu của xã hội đối với một đạo luật. Việc cụ thể hóa quyền tự do kinh doanh được coi là mục đích tối thượng và được thể hiện trong nhiều quy định của Luật. Đặc biệt, lần đầu tiên có một đạo luật giới hạn rõ ràng, cấm các cơ quan quản lý đòi hỏi giấy tờ không cần thiết, ngoài quy định. Điều này thể hiện tư duy lập pháp: Cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, là bước tiến quan trọng tới pháp quyền.

Đến các lần sửa đổi sau này, Luật Doanh nghiệp tiếp tục được hoàn thiện để hỗ trợ, thúc đẩy hơn nữa tinh thần tự do kinh doanh. Đồng thời, Luật tạo ra sân chơi bình đẳng đối với tất cả loại hình doanh nghiệp; các quy tắc quản trị doanh nghiệp; cơ cấu quản trị doanh nghiệp; bảo vệ nhà đầu tư; công khai thông tin; chế độ kế toán và kiểm toán...

Nhìn rộng hơn, từ khi khởi xướng đổi mới, nhất là từ thập niên 1990, lãnh đạo đất nước đã có những cam kết rõ ràng về vai trò của khu vực tư nhân đối với sự phát triển kinh tế. Những cam kết đó ngày càng được thể hiện rõ hơn trong chính sách, pháp luật liên quan. Nổi bật nhất, tự do kinh doanh được ghi nhận trong các bản Hiến pháp năm 1992, 2001, 2013; được cụ thể hóa trong Luật Doanh nghiệp. Điều này đã tạo nền tảng để hàng triệu doanh nghiệp ra đời, tạo hàng triệu việc làm, tài sản cho cá nhân và xã hội. Luật Doanh nghiệp đã “kích hoạt” tinh thần kinh doanh, sự phát triển của khu vực tư và cả nền kinh tế.

Cốt ở nơi dân

Trong cổ luật Việt Nam đến trước thế kỷ 19, hầu như chỉ có hình luật (pháp luật hình sự). Tiến trình phát triển của dân luật (pháp luật dân sự) vốn manh nha từ Quốc triều hình luật đời Lê, được du nhập thời Pháp thuộc, nhưng rồi bị “đứt gãy” trong vài thập niên thời kỳ kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Dân luật bị xem nhẹ, nhà nước can thiệp nhiều vào đời sống dân sự, không bảo hộ tài sản của người dân, dẫn đến những hệ quả tiêu cực trong đời sống xã hội. Từ sau 1986, quan niệm như vậy dần được thay đổi, nhưng vẫn tồn tại trong thực tiễn pháp lý Việt Nam.

leftcenterrightdel

Một phiên họp tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Trong bối cảnh đó, pháp luật dân sự Việt Nam, mà Bộ luật Dân sự (BLDS) là chủ chốt, đã phần nào cố gắng thể hiện tinh thần “cốt ở nơi dân”. BLDS năm 2015 đã ghi nhận và thể hiện nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự do ý chí, công bằng giữa các chủ thể, quyền tự quyết của các chủ thể trong các quan hệ dân sự; quy định về quyền tài sản vốn rất phức tạp với nhiều định dạng, biến thể khác nhau. Pháp luật dân sự hướng tới việc khơi dòng lợi ích, các nguồn lực trong xã hội như tinh thần của các BLDS điển hình trên thế giới.

Đồng thời, qua BLDS và các đạo luật khác có liên quan, các nhà lập pháp đã chú trọng dành khoảng không gian đủ rộng cho đời sống dân sự diễn ra nhộn nhịp. Bên cạnh các quy định cụ thể, chi tiết bảo đảm sự an toàn pháp lý, có các quy định mang tính “mở” nhiều hơn để thích ứng với những diễn biến, chuyển động không ngừng của cuộc sống. Đặc biệt, BLDS năm 2015 đã bắt buộc các thẩm phán trong trường hợp không có quy định của luật thì phải dựa trên án lệ, tập quán, lẽ công bằng để thụ lý, xét xử. Qua đó, hệ thống pháp luật vận hành và phát triển; nhu cầu tìm kiếm công lý của người dân được đáp ứng.

Hình thành nguyên tắc vận hành của nền lập pháp

Dấu ấn lập pháp không chỉ được thể hiện trong những đạo luật riêng lẻ, mà còn qua những nguyên tắc chung của toàn bộ nền lập pháp, với các công đoạn khác nhau, sự tham gia của nhiều chủ thể. Trước hết, một trong những điểm sáng trong hoạt động lập pháp ở Việt Nam gần đây là đã đưa yêu cầu bắt buộc phải làm rõ chính sách dự định ban hành trước khi soạn thảo, chuyển thành những điều khoản cụ thể. Đó là, nhận biết vấn đề đang phát sinh trong xã hội; tìm nguyên nhân của vấn đề; đề ra giải pháp (nếu cần đến ban hành luật thì mới ban hành); đánh giá tác động của đạo luật dự kiến ban hành; nghiên cứu khả năng tài chính để bảo đảm triển khai.

Để làm rõ chính sách, hay nói cách khác, để “bắt mạch trước khi kê đơn” thì cần lắng nghe cuộc sống đang có vấn đề ở đâu. Chính vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo phải lắng nghe ý kiến nhân dân về những tác động của dự luật đối với quyền, lợi ích của họ. Trong tập hợp các ý kiến, sẽ được lọc ra những vấn đề có tính chất chính sách, liên quan đến những lợi ích điển hình của nhóm, giới hoặc lợi ích chung, từ đó có căn cứ thể hiện thành câu chữ, quy phạm cụ thể.

Quốc hội, với tư cách là cơ quan đại diện cho nhân dân, sẽ xem xét các chính sách pháp luật mà hành pháp đã đề xuất. Một đạo luật sẽ được cơ quan lập pháp thông qua nếu bảo vệ được lợi ích của đất nước, nhân dân, đáp ứng nhu cầu của sự phát triển. Một khi dự luật làm tổn hại những lợi ích và nhu cầu đó, lập pháp phải thể hiện vai trò “chốt chặn” cuối cùng, không cho nó lọt qua cánh cổng nghị trường để vào cuộc sống. Mọi việc đều phải lộ thiên dưới ánh sáng của sự minh bạch để người dân, báo chí, các tổ chức, cả xã hội có thể theo dõi đường đi nước bước của việc xây dựng luật.

Những mục tiêu tối thượng

Những dấu ấn đã được đề cập cho thấy, thực tiễn đòi hỏi toàn bộ nền lập pháp, bao gồm tất cả chủ thể có liên quan như Quốc hội, Chính phủ, đại biểu Quốc hội thực hiện tốt mục tiêu kiến tạo, tạo dựng môi trường cho đất nước phát triển; ghi nhận và bảo hộ quyền sở hữu, tự do hợp đồng, tự do kinh doanh, cạnh tranh; bảo đảm một chính quyền minh bạch, đáng tin cậy, mọi hành vi can thiệp vào nền kinh tế có tính tiên liệu và có khả năng lường trước được.

Nguồn vốn lớn nhất, dồi dào nhất, đáng giá nhất của Việt Nam là con người với lòng nhiệt huyết, khát vọng làm giàu, tri thức, năng lực của mình. Kể từ khi Luật Doanh nghiệp, các đạo luật khác nhau ra đời, nguồn vốn này đã được khơi thông nhiều hơn để sinh lợi cho từng cá nhân, cả xã hội và đất nước. Nhưng vẫn còn đó nhiều “vật thể” không được mong muốn khiến dòng chảy của nguồn vốn con người bị ách tắc. Sứ mệnh của nền lập pháp là vừa tạo dòng chảy cho nguồn vốn bằng cách khuyến khích tinh thần sáng tạo, kinh doanh, vừa dọn những “vật thể” đó mà khơi thông các dòng vốn.

Một nền lập pháp sáng suốt, nhân văn là nền lập pháp coi trọng quyền con người khi cân nhắc ban hành luật. Những quyền này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, được nhấn mạnh trong các văn kiện của Đảng, thừa nhận tại một chương riêng (Chương II), Hiến pháp năm 2013. Luật Doanh nghiệp đã chứng minh, khi chú ý bảo vệ quyền của người dân như quyền tự do kinh doanh, nền lập pháp sẽ tạo ra chất xúc tác khơi thông các nguồn lực, nguồn lợi của xã hội, đất nước.

Đồng thời, động lực sâu xa của thịnh vượng, của sự phát triển xã hội là liên kết lợi ích, tạo ra được sự cân bằng. Chỉ khi mọi thành viên nhận thức được rằng, trong sự phát triển của toàn xã hội có lợi ích của mình, hướng đến lợi ích của xã hội tức là làm lợi cho mình, lúc đó mới thực sự có sự phát triển. Ngược lại, quan tâm đến lợi ích tư của từng cá nhân, coi lợi ích tư là động lực thúc đẩy, đó chính là chìa khóa để phát triển lợi ích chung, lợi ích của toàn xã hội. Nền lập pháp chính là nơi đầu tiên hài hòa và cân bằng hai dạng lợi ích này trong xã hội.

Muốn phát triển hơn nữa, cần tiếp tục đổi mới về quản trị quốc gia, trong đó có đổi mới hoạt động lập pháp. Khi hệ thống pháp luật năng động, phản ứng nhanh nhạy trước đòi hỏi của thời cuộc thì mỗi người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế, cả xã hội được nhờ. Trong cuộc cạnh tranh trên trường quốc tế, mỗi người dân, doanh nghiệp, cả xã hội, đất nước mong muốn sự phản ứng nhanh nhạy về tư duy chính sách của các nhà lập pháp, sức “cạnh tranh” cao của nền lập pháp.

NGUYỄN ĐỨC