Bài học về kỷ cương, phép nước thời phong kiến

Văn hóa pháp luật là một bộ phận, một lĩnh vực của văn hóa xã hội, mang những đặc trưng chung của văn hóa và có mối quan hệ với các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Văn hóa pháp luật giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và tinh thần thượng tôn pháp luật. Ở thời nào cũng vậy, xây dựng văn hóa pháp luật trong hệ thống cơ quan nhà nước là việc rất quan trọng, là yếu tố cơ bản bảo đảm kỷ cương, phép nước và do đó, ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của quốc gia, dân tộc.

Nhìn lại lịch sử phong kiến Việt Nam, có thể nhận thấy văn hóa pháp luật trong hệ thống tổ chức từ chính quyền trung ương xuống cơ sở rất được coi trọng. Việc thực thi pháp luật được thực hiện nghiêm cả trong tuyển dụng, thực thi công việc và bổ nhiệm, bãi miễn đối với người làm việc trong bộ máy nhà nước.

Quan lại thời phong kiến không chỉ dựa vào bằng cấp, khoa cử mà phải được kiểm nghiệm bằng thực tế, lấy kết quả công việc để đánh giá và sử dụng tài năng. Đó là những người mang cốt cách chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Họ phải là người có tài "dựng nước lấy học làm đầu, cần trị lấy nhân làm gốc". Một trong những biểu hiện lớn nhất để đạt được mục đích đó là việc chấp hành nghiêm minh pháp luật của các quan thời phong kiến.

Theo sử sách ghi lại, có nhiều người là hoàng thân quốc thích nhưng không có tài thì chỉ được nhà vua phong hàm, phong tước để hưởng bổng lộc của triều đình nhưng không được giao quyền để giải quyết, điều hành các công việc. Trong bài “Tuyển dụng, sử dụng quan lại thời phong kiến Việt Nam và một số gợi mở”, GS, TS Phạm Hồng Thái, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: “Chế độ quan lại thời phong kiến còn đặc biệt chú trọng tới trách nhiệm của các quan lại trong thừa hành công vụ”. Ông dẫn: Năm 1487, nhằm tránh sự ỷ lại hay đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm, Vua Lê Thánh Tông ra chỉ, khi nhận chỉ dụ của vua, quan lại các cấp phải đưa ra bàn bạc thật kỹ, không được hùa theo hay nín lặng không nói gì, khi cần có thể tâu lên vua. Thời Vua Minh Mạng có quy định tương tự: "Tuần phủ khi có chính sự lớn lao về hưng lợi, trừ tệ thì cùng với tổng đốc bàn bạc rồi cùng ký tâu chung một giấy. Nếu có ý kiến khác nhau cho làm tờ tấu riêng".

leftcenterrightdel

Lan tỏa giá trị tốt đẹp của văn hóa pháp luật. Minh họa: Hòa An

Quốc triều Hình luật có nhiều quy định mang tính chất trừng trị nghiêm khắc như: Phạt do để chậm trễ chiếu chỉ công văn giấy tờ (Điều 23); quan do vô tình dùng dằng để lỡ mất việc, nếu việc nhỏ (công việc hằng ngày) xử tội biếm, việc thường (công việc hằng tháng) xử tội đồ, việc lớn (công việc hằng năm) xử tội lưu (Điều 136). Bên cạnh đó còn có những quy định khác như: Đối với quan tại chức, không đến nơi làm việc mà không có lý do thì bị xử phạt biếm hoặc bãi chức (Điều 4), nếu ở sở làm mà ngồi không đúng phép sẽ bị xử tội biếm hoặc phạt tiền (Điều 33). Những quy định này khá mẫu mực để thiết lập một trật tự kỷ cương, chế độ phục vụ. GS, TS Phạm Hồng Thái dẫn: Năm 1838, Vua Minh Mạng đã cách chức Thượng thư Bộ Lễ của Phan Huy Thực về lỗi không kiểm tra, đôn đốc người dưới quyền trông nom, bảo quản đồ thờ trong Thế Miếu, để bọn Giám thủ đánh tráo từ vàng thật thành vàng giả.

Trong bài viết: “Nguyễn Công Trứ-vị quan triều Nguyễn nổi tiếng ở những nơi địa đầu Tổ quốc”, PGS, TS Phạm Quốc Sử, giảng viên cao cấp Trường Đại học Sư phạm nhận định: “Nguyễn Công Trứ là trường hợp điển hình của hoạn lộ thăng giáng”. Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), liên quan đến việc đánh dẹp ở Quảng Yên, Nguyễn Công Trứ bị giáng xuống Hữu Tham tri bộ binh. Đến năm đầu niên hiệu Thiệu Trị (1841), Nguyễn Công Trứ được sung chức Tham tán Đại thần Trấn Tây rồi bị giáng xuống làm Lang trung bộ binh, quyền lĩnh chức Tuần phủ tỉnh An Giang. Ít lâu sau, nhân có công đánh dẹp ở Sâm Đô, phủ Lạc Hóa, ông được khởi phục làm Thị lang bộ binh rồi lại được thăng Tham tri bộ binh vào năm Thiệu Trị thứ ba (1843), vẫn lĩnh Tuần phủ An Giang. 

Cán bộ công chức vi phạm pháp luật ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng

Ngày nay, trong điều kiện dân trí được nâng cao, văn hóa pháp luật ngày càng lan rộng, thấm sâu. Sống và làm việc theo pháp luật đã là lẽ sống của mọi công dân. Tuy nhiên, bên cạnh những CBCC chấp hành tốt pháp luật vẫn còn không ít đối tượng coi thường pháp luật. Việc CBCC chấp hành pháp luật kém đang ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Đảng. Mới đây, tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã công bố, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 có hơn 20.300 đảng viên, công chức, viên chức bị các cấp và cơ quan chức năng xử lý kỷ luật, có trường hợp xử lý hình sự.

Lâu nay, cơ quan chức năng phần lớn mới quan tâm phát hiện, xử lý CBCC vi phạm pháp luật trong lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ nhưng chưa chú trọng đến hiện tượng CBCC vi phạm pháp luật ngoài thực thi công vụ. Nguyên nhân cơ bản của hiện tượng này là do chủ thể vi phạm tìm mọi cách để che giấu hoặc được người khác bao che... nên cơ quan chức năng khó phát hiện, xử lý. Các hiện tượng vi phạm pháp luật của CBCC ngoài thực thi công vụ rất đa dạng, phức tạp, trong đó phần nhiều là hiện tượng rượu, bia quá mức, gây rối trật tự công cộng, sử dụng bằng giả, quan hệ bất chính, đánh bạc... xuất hiện ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước. Xin nêu hai ví dụ điển hình. Tháng 10-2022, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Nguyễn Xuân Anh Dũng (nguyên cán bộ Công an thành phố Huế) để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vụ việc thứ hai là Ban Bí thư thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Lê Hùng Sơn, nguyên Bí thư Huyện ủy Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh vì quan hệ bất chính với nhân viên dưới quyền, vi phạm tiêu chuẩn đảng viên và tiêu chuẩn cấp ủy viên. Đây là sự việc gây bức xúc trong dư luận cả nước.

Phát triển văn hóa pháp luật nhằm tạo động lực nâng cao tri thức pháp luật, luôn hướng tới ứng xử, quan hệ với pháp luật một cách văn minh, phù hợp với giá trị chân-thiện-mỹ; góp phần khơi dậy, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa pháp luật trong cộng đồng xã hội.

Để tăng cường văn hóa pháp luật cho CBCC làm việc trong lĩnh vực công thì cần các giải pháp căn cơ. Ở tầm vĩ mô, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và các thiết chế thực thi pháp luật phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương thức giáo dục văn hóa pháp luật cho CBCC. Việc giáo dục cần tập trung hướng vào xây dựng tình cảm, hành vi, lối sống theo Hiến pháp và pháp luật của CBCC. Tăng hàm lượng thực tiễn pháp luật trong nội dung giáo dục, gắn lý luận pháp luật với thực tiễn đời sống xã hội; bổ sung phát triển, làm phong phú thêm cả phương diện lý luận và thực tiễn hệ thống các chủ đề phổ biến, giáo dục pháp luật; điều chỉnh những nội dung giáo dục pháp luật theo yêu cầu thực tiễn đặt ra, đặc biệt là gắn với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chương trình và nội dung giáo dục pháp luật phải thường xuyên được đổi mới, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với sự vận động, phát triển của thực tiễn; đồng thời vận dụng tổng hợp các hình thức, phương pháp giáo dục theo hướng mở nhằm đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra và phù hợp với điều kiện, đặc điểm của CBCC gắn với mỗi tổ chức, đơn vị công tác.

Trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập sâu rộng với thế giới, việc cải cách lập pháp để hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách nền hành chính nhà nước và xây dựng nền tư pháp có chất lượng, trong sạch và hiệu quả là những điều kiện tiên quyết để thực hiện tối đa hóa lợi ích quốc gia, dân tộc.

Trước yêu cầu đó, mỗi CBCC phải tự giác trong giáo dục, tự rèn luyện để nâng cao văn hóa pháp luật thông qua việc không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện tri thức pháp luật, hình thành tình cảm, hành vi và lối sống theo pháp luật. Mỗi cá nhân cần tự tổ chức các hoạt động của mình trên cơ sở quy định của pháp luật để trở thành thói quen hằng ngày; tích lũy kinh nghiệm, cách ứng xử đúng đắn, tự mình nâng cao tri thức pháp luật, hình thành tình cảm, hành vi, lối sống tốt, phù hợp pháp luật. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có cơ chế, chính sách để khơi dậy, làm lan tỏa những gương sáng về tự tu dưỡng, tự rèn luyện văn hóa pháp luật của CBCC, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Phát triển văn hóa pháp luật nhằm tạo động lực nâng cao tri thức pháp luật, hướng tới ứng xử, quan hệ với pháp luật một cách văn minh là góp phần khơi dậy, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa pháp luật trong cộng đồng xã hội. Với tinh thần nêu gương, CBCC trong lĩnh vực công cần đi đầu trong chấp hành, thực thi pháp luật, làm chuẩn để xã hội noi theo. Đó là cách để tinh thần thượng tôn pháp luật lan tỏa, thấm sâu.

PGS, TS LÊ VĂN CHIẾN

Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công