Báo Nhân Dân đã sớm gom thu bộ máy cho gọn nhẹ. Mọi người lúc này sẵn sàng làm việc trong tư thế chiến đấu, hạn chế tổn thất có thể xảy ra. Đặc biệt, sau khi tháp phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam tại Mễ Trì bị không quân Mỹ tập kích, khu cư trú của tập thể cán bộ nhà đài ở phố Đại La cũng bị đối phương cố tình đánh sập với hy vọng làm tê liệt “tiếng nói” của nhân dân Việt Nam.

Về thực tế, Báo Nhân Dân với tòa soạn bề thế đặt cạnh gốc đa phố Hàng Trống và nhà in ở phố Tràng Tiền, gần Nhà hát Lớn Hà Nội không thể di chuyển, nhất thiết phải bám trụ trung tâm Thủ đô.

Từ đầu tháng 12-1972, tình hình miền Bắc cực kỳ khẩn trương, cuộc chiến phòng, chống không quân Mỹ ngày càng quyết liệt. Các ban biên tập chỉ để lại Thủ đô một nhóm dăm ba cán bộ lo việc ra báo hằng ngày, mà nội dung lúc này lại dồn vào hai mặt trận chính là cuộc chiến trên hai miền đất nước, phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam và thi đua sản xuất tay cày-tay súng, tay búa-tay súng.

Anh Lê Điền vốn là nhà báo chuyên về nông nghiệp chuyển sang cùng nhà báo Lê Dân làm đồng Trưởng ban Thư ký biên tập (Thư ký tòa soạn), phụ trách ban này, thay phiên nhau trông nom việc ra báo.

Các số Báo Nhân Dân “ra lò” đều đặn những ngày đêm rực lửa ấy thường có lượng thông tin cao, trình bày chăm chút. Số lượng báo phát hành tăng không ngừng, công nhân nhà in cũng căng mình làm việc để ngày ngày tờ báo tung ra khỏi xưởng trước 5 giờ sáng với mong muốn đưa số báo đến tay người đọc các nơi trên miền Bắc ngay trong ngày, trừ một số vùng sâu, vùng xa.

Trong 12 ngày đêm Hà Nội chiến đấu diệt máy bay B-52 của Mỹ, Báo Nhân Dân ra 12 bài xã luận đanh thép và bay bổng của hai cây bút cự phách Hoàng Tùng và Thép Mới. Văn phong Hoàng Tùng đanh sắc. Anh luôn có nhiều ý mới, không lặp lại mình. Văn của Thép Mới thì lúc nào cũng cất cánh. Xã luận anh viết mang chất tùy bút, khó lẫn với bài của ai. Ngày 26-12, ngay sau đêm Giáng sinh, Báo Nhân Dân đăng xã luận do Thép Mới chấp bút: “Hà Nội-Thủ đô của phẩm giá con người”. Bài viết thuật lại chuyện một vị khách nước ngoài, tác giả không nêu đích danh nhưng vị khách ấy là nữ diễn viên điện ảnh Mỹ nức tiếng thế giới Jane Fonda lúc này đang thăm Việt Nam, trú tại khách sạn Thống Nhất (nay là Sofitel Legend Metropole Hanoi) ở phố Ngô Quyền, Hà Nội. Nữ nghệ sĩ Mỹ tình cờ hỏi chị dân quân Việt Nam túc trực trước sảnh khách sạn, trong khi mọi khách trú đều dồn xuống tầng trệt sẵn sàng chui vào ẩn tại hai căn hầm sâu khi nghe vang tiếng còi báo động: “(Nhỡ) bom B-52 ném trúng Hà Nội thì sẽ thế nào?”. Chị đáp: “Nhà có thể sập, nhưng có một thứ không thể nào sập được, đó là con người”. Thép Mới bình: “Con người Hà Nội không sập được. Đó là lập trường sống, là cung cách chiến đấu tự nhiên của người Hà Nội. Hà Nội trở thành Thủ đô của phẩm giá con người”.

Bài xã luận cuối năm 1972 do Tổng biên tập Hoàng Tùng chấp bút lại mang hơi hướng sơ kết bước đầu chiến dịch phòng không của ta, khi đối phương chính thức bày tỏ ý sẵn sàng hạ bút ký hiệp định lập lại hòa bình ở Việt Nam: “... Dân tộc Việt Nam anh hùng đã chấp nhận cuộc thử thách (của Mỹ) và đã trả lời đích đáng. Thử hỏi, nếu chẳng may ta có một vài biểu hiện của sự yếu đuối và lùi bước, thì sẽ ra sao? Kẻ thù hung hãn sẽ lấn tới ở nước ta và các nơi khác. Chúng sẽ thị uy sức mạnh khắp chốn khắp nơi. May thay, thời đại đã tạo nên sức mạnh Việt Nam, một sức mạnh thần kỳ có thể chấp nhận mọi thách thức của bọn hung nô man rợ”.

leftcenterrightdel
Một cảnh trong bộ phim truyện "Hà Nội 12 ngày đêm". 

Các bài, tin và ảnh về cuộc chiến đấu ở Thủ đô hằng ngày thường chiếm tới 3/4 số báo. Phần còn lại dành phản ánh dư luận thế giới và đăng bài của các cộng tác viên gắn bó với tờ báo Đảng. “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, loạt bút ký đậm chất tùy bút của nhà văn Nguyễn Tuân đăng trên Báo Nhân Dân những ngày khói lửa ấy được đông đảo bạn đọc nhiệt liệt hoan nghênh. Trang văn hóa Báo Nhân Dân thời gian này chủ yếu dành in thơ, văn của bạn đọc với chủ đề đánh thắng giặc Mỹ. Nhiều bài thơ của những nhà báo không chuyên, nay đọc lại vẫn làm ta rơi nước mắt. Ông Đặng Văn Miệu sống tại phố Cầu Chui, huyện Gia Lâm (nay là quận Long Biên), có 3 con nhỏ bị bom Mỹ giết hại cùng một lúc. Cháu lớn là Đặng Thị Hà, 16 tuổi, lúc này đang học trung học và thích làm thơ. Mơ ước của cháu là lớn lên ít nữa sẽ làm một cô giáo hoặc “cô Giải phóng” (nữ chiến sĩ Giải phóng quân). Báo Nhân Dân trích đăng mấy bài của cháu, đặt cạnh bài thơ người cha khóc con “Sao nó lại giết con?”. Câu hỏi bật ra từ đáy lòng người cha cùng một lúc mất 3 con không chỉ là nỗi khắc khoải ông Đặng Văn Miệu đặt ra với mình mà thực chất là lời chất vấn lũ giặc xâm lăng.

Tòa soạn báo nhận được nhiều thư bạn đọc nhờ chuyển lời thăm hỏi đến gia đình các nạn nhân và bày tỏ sự đồng cảm. Trong bức thư tay gửi ông Đặng Văn Miệu, nhà thơ Tố Hữu bày tỏ: “Ba cháu Hà, Lan, Hưng bị giặc Mỹ giết hại là nỗi đau thương xé lòng của anh chị, cũng là của mọi người cha, người mẹ chúng ta. Bài thơ của anh đang thúc đẩy sự nổi dậy của lương tâm con người nước ta và người nước ngoài. Tình yêu anh dành cho con gái làm tất cả chúng ta càng tự hào về con em của mình, những đóa hoa của chế độ mới”.

Giáo sư Trần Hữu Tước, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, một trong những nhà trí thức lớn đã tự nguyện rời cuộc sống êm ấm tại châu Âu, lên tàu theo Bác Hồ về nước tham gia chống thực dân Pháp từ năm 1946, với tư cách một bạn đọc gửi đến tòa soạn báo bức thư: “... Tờ báo đã nói lên được rất tinh tế những gì chúng tôi cảm xúc lúc này. Báo đã vẽ cho chúng tôi thấy cảnh những con chim sẻ bị bom B-52 vùi lấp sà vào bàn tay con người Thủ đô để được cứu sống và đã được chúng ta cứu sống. Đó là một nét rất thật nói lên lòng tin của nhân dân vào cuộc sống, vào tương lai...”.

Suốt 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, Báo Nhân Dân hầu như chẳng còn chỗ nào trên mặt báo dành cho bài, tin về kinh tế, sản xuất. Phan Quang lúc này đang phụ trách Ban Kinh tế của báo xin được tạm gác công việc của mình, chui xuống tầng hầm ngôi biệt thự nhìn ra Hồ Gươm, nơi trước đây được các ông tướng Pháp dùng lưu trữ rượu vang cho các bữa tiệc cuối tuần, góp sức với các anh Lê Dân, Lê Điền vào việc biên tập. Mấy anh em cùng nhau đọc lại các tin, bài hầu hết được viết tại chỗ, dàn các trang rồi cho người mang sang phố Tràng Tiền đúng giờ hẹn để in số báo ra sáng hôm sau. 13 năm sau những ngày đêm rực lửa ấy, nhà báo Lê Điền kể lại: “Trưa 21-12, máy bay Mỹ ném bom làm sập khu nhà tập thể của cán bộ, phóng viên Báo Nhân Dân nằm sâu trong một ngõ phố Lý Thường Kiệt. May không có ai bị thương nhờ khu nhà có các hầm trú ẩn tốt, trong khi các cháu nhỏ đã được sơ tán xa. Lê Điền đang nấp trong cái hầm cá nhân làm cạnh chân cầu thang ngôi nhà. Nhà trúng bom, gạch ngói đổ xuống vùi lấp hết. Ngay đêm hôm ấy, dù người chưa hết chấn động nhưng tôi vẫn từ phố Lý Thường Kiệt sang phố Hàng Trống cùng anh Phan Quang lo việc làm số báo ra sáng hôm sau...”.

Vẫn lời Lê Điền kể tiếp: “Đêm nào cũng vậy, chưa đến 23 giờ, Đài Tiếng nói Việt Nam đã cử người đến tòa soạn báo Đảng chờ sẵn, để có thể yên tâm có trong tay một bản sao bài xã luận vừa được tổng biên tập ký duyệt, mang về Phòng Bá âm của Đài, sẵn sàng phát lên sóng bài xã luận vào chương trình thời sự 5 giờ 30 phút sáng hôm sau, phòng chẳng may đến giờ Đài phát sóng mà số báo gặp trục trặc gì đó chưa kịp ra khỏi xưởng...”.

Nhà báo PHAN QUANG