QĐND - Đầu tháng 8-1988, khi đơn vị cuối cùng của Binh đoàn Tây Nguyên từ Việt Bắc vào tới Tây Nguyên cũng là lúc tôi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp Lớp đào tạo phóng viên khóa 3 tại Trường Sĩ quan Chính trị. Tôi háo hức được trở về Báo Binh đoàn Tây Nguyên, nơi tôi từng tham gia chiến đấu trong những năm chống Mỹ. Lúc đó tòa soạn đang ở tạm trong khu căn cứ cũ của Mỹ gần sân bay Plei-cu. Tôi được cấp trên bổ nhiệm Phó tổng biên tập, thay anh Đắc Sinh vừa chuyển ngành.
Lúc đó, Tổng biên tập do Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn kiêm nhiệm, chủ yếu lãnh đạo về chủ trương và duyệt bài cuối cùng. Còn toàn bộ công việc “bếp núc” của tòa soạn đều do Phó tổng biên tập đảm nhiệm. Được anh em phóng viên đều là những người có nghề và say mê làm báo như: Xuân Đán, Hồng Sơn, Hồng Thanh Quang, Lê Hồng Đức… đồng tình ủng hộ nên tôi nhanh chóng đảm nhiệm được chức trách. Báo ra mỗi tháng hai kỳ, phát đến cấp trung đội và tương đương. Ở Tây Nguyên lúc này chưa bắt được sóng VTV, các báo thì ít và thường chậm vài ngày. Do vậy, cùng với các báo, đài địa phương, tờ Binh đoàn Tây Nguyên tuy khuôn khổ có hạn nhưng lại phản ánh sinh động kịp thời các hoạt động, công tác, đời sống của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Tây Nguyên nên nó luôn là món ăn tinh thần hấp dẫn của bộ đội. Trước yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền của báo và đòi hỏi ngày càng cao của bạn đọc, Ban biên tập đã nghiên cứu phân công phóng viên phụ trách từng mặt chuyên sâu, tổ chức bồi dưỡng phát triển đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở, đồng thời chủ động phối hợp tuyên truyền với báo, đài các địa phương trên địa bàn.
Tôi cũng sắp xếp công việc tranh thủ đi cơ sở viết bài. Lúc này, hàng chục đội công tác của các đơn vị đang ở các buôn làng xa xôi hẻo lánh của Tây Nguyên. Đội công tác của đoàn B20 ở làng Book Rẫy (Gia Lai) - một cơ sở khó khăn về kinh tế-văn hóa và là điểm nóng về hoạt động phá hoại của bọn Fulrô-anh em đã có nhiều việc làm giúp dân ổn định tình hình và tuyên truyền cảm hóa được 3 người trong hàng ngũ Fulrô trở về với gia đình. Tôi liền theo đoàn kiểm tra của cấp trên đến Book Rẫy. Qua tìm hiểu sự việc, gặp gỡ các nhân chứng, tôi đã viết bài Book Rẫy-cuộc sống hôm nay đã đổi thay. Song song với các hoạt động giúp dân, Binh đoàn tập trung chỉ đạo các đơn vị khẩn trương xây dựng doanh trại, tổ chức tăng gia sản xuất, nhanh chóng ổn định đời sống bộ đội. Trung đoàn 64 là một đơn vị khá điển hình trong nhiệm vụ này. Được trực tiếp chứng kiến tinh thần lao động hăng say và thành quả lao động của cán bộ chiến sĩ trong đơn vị, tôi đã có ghi chép Điểm sáng dưới chân đèo Che Sê. Trung đoàn Công binh 7 được tiếp nhận doanh trại của đơn vị bạn dưới chân đèo Măng Zang nhưng đều là nhà tạm và không phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ của đơn vị, đặc biệt khu doanh trại lại nằm trong vùng phát quang của địch trước đây nên đất đai cằn cỗi, cây xanh không có, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và đời sống bộ đội. Bằng tinh thần tự lực, sáng tạo của mình, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã quy hoạch xây dựng lại doanh trại, tổ chức trồng rau, trồng cây xanh, cây ăn quả, chăn nuôi, đào ao thả cá cải thiện đời sống, biến vùng đất cằn cỗi nơi “cửa trời” (Măng Zang, tiếng Ba Na có nghĩa là cửa trời) thành vùng đất trù phú một màu xanh cây trái. Có mặt tại đơn vị những ngày cao điểm của phong trào “Trồng cây phủ xanh doanh trại”, tôi đã có bài Phủ xanh “cửa trời”…
Đầu năm 1989, do bất cập của nền kinh tế, ở khu vực Tây Nguyên, tiền mặt thiếu trầm trọng gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Lợi dụng tình hình đó, một số người làm ăn bất chính, trong đó có tổ chức mang danh tập thể như Hợp tác xã tín dụng Hội Thương tổ chức vay và cho vay nặng lãi. Khi hợp tác xã này đổ bể, nạn giật hụi bỏ trốn tràn lan… đã làm hàng trăm gia đình ở Plei-cu và một số nơi lâm vào cảnh khốn đốn. Phóng viên Hồng Sơn đã đi điều tra, gặp các nạn nhân và nhân chứng viết bài Hụi-cơn lốc đen ở Tây Nguyên, kịp thời cảnh báo tệ nạn đang tràn lên Tây Nguyên…
Làm báo những ngày đầu trở lại Tây Nguyên tuy có nhiều trở ngại khó khăn, nhưng các phóng viên của Báo Binh đoàn Tây Nguyên đều đã vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đóng góp xứng đáng vào việc triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Binh đoàn trên địa bàn chiến lược. Hôm nay, phần lớn số phóng viên của báo hồi đó đã trưởng thành, phát triển trên mặt trận công tác tư tưởng của Đảng. Riêng với tôi, những ngày làm báo đó đã đọng lại nhiều kỷ niệm sâu sắc về tình đồng đội, tình quân dân và giúp tôi rất nhiều trong việc rèn luyện nâng cao bản lĩnh, nghề nghiệp của người làm báo.
Nhà báo Nguyễn Hùng Tấn