Tội phạm tham nhũng thường có người môi giới, tổ chức thực hiện, ăn chia, bao che nhau nên cần có đồng bọn. Vì vậy, việc kéo bè, kéo cánh là chuyện hiển nhiên. Vua Minh Mạng sớm nhận thức điều này nên đã ban hành Luật Hồi tỵ nhằm ngăn chặn những trường hợp vì tình riêng đạp lên phép nước, kéo bè kéo cánh, nhũng nhiễu hà hiếp dân lành để tham ô, vơ vét tiền của mưu cầu lợi ích riêng.
Điều quan trọng trong Luật Hồi tỵ là cấm các quan đứng đầu tỉnh là người địa phương. Những vị quan được bổ nhiệm cai trị một địa phương nào đó phải bảo đảm tính vô tư, khách quan, không được vị thân, vị kỷ. Nếu tự mình thấy có thân nhân ở địa phương do mình quản lý, phải khai báo xin hồi tỵ, nghĩa là xin được sang địa phương khác làm việc. Trong khi thi hành công vụ như: Thanh tra, giám sát, xét xử... vị quan biết được vụ án mình đang thụ lý có người thân trong các bên thì phải xin hồi tỵ ngay để bảo đảm tính khách quan, công bằng.
Luật Hồi tỵ rất nghiêm khắc, chặt chẽ, điều chỉnh ngay cả trong lĩnh vực đời sống sinh hoạt riêng tư của quan lại và cả cung vua, phủ chúa. Luật cấm các quan đầu tỉnh lấy vợ, tư giao với đàn bà, con gái trong hạt, cũng như không được tậu ruộng vườn, nhà cửa trong quản hạt của mình. Khi quan về hưu, luật cấm không được lui tới cửa công, lợi dụng sự quen biết để mưu lợi.
Ngoài ra, luật còn áp dụng cho cả việc học hành, thi cử. Bởi vì, chỉ có việc thực hiện nghiêm túc, công bằng trong thi cử mới lựa chọn được nhân tài xứng đáng gánh vác việc nước. Trong kỳ thi, nếu phát hiện có người thân ứng thi, quan coi thi, chấm thi phải khai báo xin hồi tỵ. Nếu không khai báo sẽ bị trọng tội.
Luật Hồi tỵ ban hành qua quá trình áp dụng, còn những điều chưa hoàn chỉnh nên vào năm 1836, Luật Hồi tỵ được bổ sung “Thông lại không được làm việc ở nguyên quán mà phải đi làm việc ở huyện khác”. Vua Thiệu Trị lên ngôi, tiếp tục quy định bổ sung: “Về sau là các nha môn lớn nhỏ ở trong Kinh và ngoài các tỉnh, nếu trong mỗi nha mà có thân thuộc phải để tang từ 3 tháng trở lên, cùng là những nha có tình thông gia, về bên gái có bố mẹ chồng, về bên trai có bố vợ, cùng là anh chị em vợ, hễ tương đối có tình thân hậu như thế đều cho hồi tỵ”.
Đến những đời vua sau đó: Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Luật Hồi tỵ đều được bổ sung thêm các nội dung nhằm kiểm soát những hành vi tiêu cực, lợi dụng các mối quan hệ để trục lợi, tham nhũng.
Công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta không ngừng được đẩy mạnh và đạt được những kết quả thiết thực, khẳng định quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước. Thiết nghĩ, trong lĩnh vực cải cách hành chính, cũng nên nghiên cứu những mặt tích cực của Luật Hồi tỵ và coi đây là di sản văn hóa độc đáo, có tính sáng tạo và khoa học của triều Nguyễn nói riêng và của dân tộc ta nói chung, đã góp phần hữu hiệu trong việc quản lý nhà nước trong lịch sử.
ĐỖ THÔNG