Cầu đối với rất nhiều loại hàng hóa tăng cao trong dịp Tết chính là động lực hết sức quan trọng để phát triển kinh tế. Cứ Tết đến, nhà nhà đều mua sắm rất nhiều thịt cá, bánh kẹo, hoa quả và quần áo... Đây là những thứ hàng hóa vẫn được mua sắm quanh năm. Thế nhưng chỉ trong những ngày Tết, người ta mới mua sắm nhiều đến như vậy. Ngoài ra, theo truyền thống, các gia đình người Việt đều tìm cách mua sắm các vật dụng cần thiết để trang trí lại ngôi nhà của mình vào dịp Tết. Ngày nay, không ít người còn mua cả xe máy, ô tô để đi chơi Tết. Chính vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất, buôn bán từ to đến nhỏ đều tìm cách khai thác cơ hội có một không hai này trong năm để làm ăn.

Ở nước ta, không ít người chỉ sống nhờ mấy ngày Tết. Và hình như cầu đối với hàng hóa của họ cũng chỉ xuất hiện chủ yếu trong mấy ngày Tết. Hết Tết là hết cầu. Nhiều thứ hàng hóa như vậy sau Tết, cho không chưa chắc nhiều người muốn lấy. Đặc trưng nhất cho những người sống nhờ 3 ngày Tết là những nông dân trồng quất, trồng đào, trồng mai... Nhìn những vườn quất, vườn đào, vườn mai bát ngát của họ, ít ai tin rằng chúng có thể được bán hết vèo trong vòng dăm bảy ngày trước Tết.

Cứ tính sơ sơ mỗi gia đình sắm một cây đào hoặc một cây quất để chơi Tết thì hàng chục triệu gia đình trên đất nước này sẽ tiêu thụ hết bao nhiêu cây? Đó là chưa kể đến việc nhiều gia đình sẽ mua cả đào, cả quất và cả mai để chơi Tết. Đây chính là lý do tại sao hàng nghìn nông dân quanh năm chỉ tập trung trồng quất, trồng đào, trồng mai mà ít khi làm thêm một nghề gì khác. Truyền thống chơi quất, chơi đào, chơi mai trong những ngày Tết quả thực đã cung cấp việc làm và thu nhập khá ổn định cho họ.

Làm gì cũng phải thạo nghề mới có thể thành công. Trồng đào, trồng mai nở đúng dịp Tết hay trồng quất chín vàng vào đúng dịp này là điều không dễ. Người nông dân phải biết không chỉ chăm sóc cây đúng cách mà còn dự đoán cho đúng thời tiết để có những điều chỉnh kịp thời. Ví dụ, thời tiết nắng ấm thì đào có thể nở trước Tết, vì vậy phải tìm cách hãm. Ngược lại, nếu thời tiết quá giá rét, đào có thể nở sau Tết thì lại phải tìm cách thúc.

Ngoài rủi ro về thời tiết, rủi ro về thị trường cũng rất lớn. Một cây quất không chịu bán với giá 1 triệu đồng vào chiều 29 Tết, có thể sẽ phải bán với giá 50.000 đồng vào chiều Ba mươi Tết. Thậm chí, khi bị đòi giá cao, nhiều người tiêu dùng còn chủ động trả giá thật thấp để không mua ngay mà chờ giá xuống. Vì cho là bị ép giá, vẫn xảy ra tình cảnh đến chiều Ba mươi Tết, nhiều người bán quất, bán đào kiên quyết đập bỏ các cây cảnh của mình để không ai còn chơi được nữa. Cây cảnh bị đập bỏ lắm khi nằm ngổn ngang bên hè phố hoặc trên các bãi đất trống.

Quản trị khách hàng là điều rất quan trọng ở đây. Tuy nhiên, công việc này còn khá xa lạ đối với những người nông dân trồng hoa Tết. Họ thường bán xong hoa, xong quất là không còn biết khách hàng của mình là ai nữa. Nếu những người nông dân trồng hoa Tết biết dùng mạng xã hội để không chỉ bán hàng mà còn quản trị khách hàng của mình thì mọi việc sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều. Khi khách hàng đặt mua cây cảnh chơi Tết qua mạng, Zalo, Viber... thì những người trồng cây cảnh hoàn toàn có thể ghi nhận thông tin liên lạc và xác lập được quan hệ với họ.

Quản trị mối quan hệ này là rất cần thiết để có được những khách hàng trung thành, nhờ đó, hiệu quả kinh tế của việc kinh doanh cây cảnh sẽ luôn luôn được bảo đảm. Tất nhiên, khi đã có những khách hàng trung thành thì những khách hàng này cũng cần phải được đối đãi tốt hơn. Cây cảnh họ mua phải đẹp hơn, giá cả đối với họ cũng phải hợp lý hơn. Ngoài ra, hoàn toàn có thể triển khai một mô hình kinh doanh: Năm đầu tiên bán cây cảnh, năm thứ hai trở đi bán dịch vụ chăm sóc các cây này. Khi hết Tết, các chủ vườn có thể đến từng nhà khách hàng chở cây cảnh về lại vườn của mình để chăm sóc và chuẩn bị cho Tết tiếp theo. Tết năm sau, họ lại chở những cây cảnh này trở lại cho các khách hàng của mình.

leftcenterrightdel
   Hoa đào Tây Bắc.  Ảnh: HUY ĐĂNG 

Quả thực, được sở hữu một cây đào, cây quất đẹp có thể rất hấp dẫn đối với nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình sống ở thành phố. Chủ vườn có thể thường xuyên cập nhật thông tin về những cây cảnh này cho gia chủ, thậm chí gửi video clip hoặc gọi facetime để khách hàng có thể ngắm cây cảnh của mình.

Nếu biết cách, còn có thể tạo điều kiện cho khách hàng thỉnh thoảng đến chăm sóc cây cảnh của mình. Ngoài việc hướng dẫn cho khách hàng cách thức chăm sóc cây, hoàn toàn có thể bố trí để khách hàng “check-in” và đưa ảnh của mình với cây cảnh lên mạng xã hội. Các giá trị gia tăng này dần dần sẽ lớn lên và lợi ích kinh tế mà chúng mang lại có thể lớn hơn cả việc kinh doanh cây cảnh Tết.

Lợi ích của mô hình kinh doanh này là rất lớn. Trước hết, nó kết nối một cách mật thiết giữa cung với cầu. Hình ảnh hàng đống cây cảnh bị vứt bỏ vì cung vượt cầu sẽ không còn. Mà như vậy thì lãng phí và thiệt hại kinh tế cũng sẽ giảm. Ngoài ra, tình trạng hụt cung và giá cả tăng cao cũng sẽ được khắc phục.

Thứ hai, đây cũng là cách giảm rác thải và bảo vệ môi trường. Cứ tưởng tượng mà xem, mỗi năm, hàng triệu cây quất, cây đào bị vứt bỏ thì sẽ có bao nhiêu rác thải được xả ra môi trường? Cho dù đây là rác thải hữu cơ thì tác động của chúng đối với môi trường trong quá trình phân hủy hoặc bị đốt cháy cũng sẽ rất lớn.

Thứ ba, mô hình kinh doanh này là rất sáng tạo. Nó vừa áp dụng công nghệ số, vừa gắn kết giữa những người kinh doanh với khách hàng, vừa cung cấp bổ sung nhiều trải nghiệm thú vị, hữu ích cho khách hàng.

Chuyển đổi kinh doanh cây cảnh từ việc cung ứng hàng hóa sang việc cung ứng dịch vụ là xu hướng của một nền kinh tế ngày càng hiện đại. Và Tết mỗi năm lại đến là một sự bảo đảm chắc chắn cho sự thành công của quá trình chuyển đổi này.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG