Công bằng mà nói, nhà nước theo mô hình nào thì bộ máy theo mô hình đó. Nhà nước điều chỉnh theo mô hình Anh-Mỹ sẽ có bộ máy rất nhỏ. Nhà nước phúc lợi theo mô hình các nước Bắc Âu sẽ có bộ máy rất lớn. Thật khó có thể khái quát hóa một cách chung chung là mô hình nào tốt hơn mô hình nào. Mỗi mô hình đều chỉ tốt nếu được người dân ủng hộ và đều chỉ tốt trong những bối cảnh lịch sử, văn hóa nhất định.
Ngoài hai mô hình nói trên, còn có mô hình Xô-viết. Trong mô hình này, đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội; bộ máy nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc song trùng trực thuộc. Đây là mô hình có bộ máy cũng rất lớn. Ngân sách không chỉ nuôi bộ máy nhà nước mà nuôi cả bộ máy của hệ thống chính trị. Thực chất, đây là mô hình chúng ta đang có. Và nó đã tồn tại ở miền Bắc từ những năm 1959-1960, ở miền Nam từ năm 1975 đến nay.
Đất nước ta đang trong quá trình cải cách và chuyển đổi. Mô hình nhà nước đang được nói tới nhiều hơn cả hiện nay là nhà nước kiến tạo phát triển. Quả thực, ở nước ta, đây là mô hình chưa có được một khuôn khổ khái niệm tương đối rõ ràng, mạch lạc. Theo những gì mà Chính phủ đang thúc đẩy, thì quan niệm của chúng ta về nhà nước kiến tạo phát triển rất gần với mô hình nhà nước điều chỉnh. Theo đó, “Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển”; “Nhà nước không làm thay thị trường”; “Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi”... Điều thú vị là những gì mà chúng ta đang theo đuổi lại không nằm trong khuôn khổ của khái niệm “developmental state” vẫn được nhiều người dịch sang tiếng Việt là “nhà nước kiến tạo phát triển”. Mô hình “developmental state” nằm giữa mô hình nhà nước điều chỉnh và nhà nước kế hoạch hóa tập trung (Xô-viết). Trong mô hình này, nhà nước không phủ nhận thị trường nhưng tích cực can thiệp vào thị trường để thúc đẩy các chương trình phát triển kinh tế-xã hội đã được đề ra, đặc biệt là chương trình phát triển công nghiệp. Với một khuôn khổ khái niệm như vậy thì thực ra, kể từ khi đổi mới năm 1986 cho đến những năm gần đây, mô hình mà chúng ta đã theo đuổi chính là nhà nước kiến tạo phát triển-“developmental state”.
Tuy nhiên, với những gì chúng ta quan niệm hiện nay thì lại có vẻ đang có sự chuyển dần từ mô hình nhà nước kiến tạo phát triển-“developmental state” sang mô hình nhà nước điều chỉnh.
Như đã nói ở trên, nếu chúng ta quan niệm nhà nước kiến tạo phát triển chính là nhà nước điều chỉnh thì quả thực bộ máy nhà nước có thể được tinh giản rất nhiều. Nhà nước chỉ tạo ra luật chơi, chứ không tham gia “đá bóng”. “Đá bóng” là các lực lượng kinh tế và xã hội. Mà như vậy thì nhà nước chủ yếu chỉ là vài ba ông trọng tài, chứ không phải là cả hai đội bóng.
Vấn đề đặt ra là nói lý thuyết thì dễ, nhưng chuyển đổi một hệ thống trùng trùng điệp điệp từ mô hình Xô-viết sang mô hình nhà nước điều chỉnh như thế nào mới khó. Thực tế, mâm cỗ đều đã được sắp xếp và mọi người đều đã ngồi xung quanh. Đưa người này hay người kia ra ngoài là hoàn toàn không dễ.
Để vượt qua khó khăn này, quan trọng là mâm cỗ phải được bày đặt nhiều hơn nữa ở cả bên ngoài chứ không chỉ trong bộ máy nhà nước. Nghĩa là cần phải tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân, cho các tổ chức xã hội phát triển để cơ hội được mở ra nhiều hơn cho tất cả mọi người, trong đó có cả những người phải rời khỏi bộ máy hành chính-công vụ và bộ máy chính trị. Tinh giản không có nghĩa là đuổi những người này ra ngoài đường. Tinh giản phải là sự sắp xếp, chuyển đổi theo hướng tạo điều kiện để cho tất cả mọi người đều phát huy được đúng năng lực và sở trường của mình.
Để tinh giản bộ máy thì nhất thể hóa một số cơ quan đảng và nhà nước là quan trọng nhất. Ngoại trừ mô hình Xô-viết, trong tất cả các mô hình khác, đảng cầm quyền đều hóa thân vào nhà nước để cầm quyền. Đảng đứng ngoài nhà nước để cầm quyền vừa dễ dẫn tới sự chồng chéo, trùng lặp, vừa làm cho quy trình ban hành chính sách, pháp luật trở nên rắc rối, phức tạp, chi phí thủ tục và chi phí cơ hội tăng cao. Việc mới đây Tổng Bí thư của Đảng ta đã được bầu giữ chức Chủ tịch nước, nhiều bí thư tỉnh ủy đã kiêm nhiệm chức chủ tịch HĐND, nhiều bí thư huyện ủy kiêm nhiệm chức chủ tịch UBND cho thấy xu hướng nhất thể hóa đang được thể nghiệm ngày càng chủ động và tích cực hơn.
Thứ hai, để tinh giản bộ máy, phi hành chính hóa các đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị-xã hội cũng rất quan trọng. Các tổ chức xã hội thì phải do xã hội nuôi là chính. Nhà nước chỉ cung cấp kinh phí khi các tổ chức này được giao nhiệm vụ triển khai một số công việc theo yêu cầu của Nhà nước. Đây không chỉ là một đòi hỏi của sự công bằng, mà còn là một nguyên tắc để vận hành thể chế. Lý do là vì ăn lương nhà nước thì hiệu ứng “Ăn cơm chúa múa tối ngày” sẽ bị kích hoạt. Mà như vậy thì khả năng phản biện chính sách, pháp luật của Nhà nước để bảo vệ các thành viên của các tổ chức xã hội là rất hạn chế. Đó là chưa nói tới động lực vận động chính sách cũng không có nhiều. Hệ quả tiếp theo là phản ứng chính sách trước nhu cầu của quần chúng nhân dân rất dễ bị chậm trễ và bất cập. Mà như vậy thì căng thẳng xã hội và bất ổn xã hội sẽ rất dễ xảy ra.
Thứ ba, để tinh giản bộ máy thì có thể sáp nhập các cơ quan lại với nhau. Theo xu hướng này, gần đây Bộ Nội vụ đã kiến nghị hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng với Bộ Giao thông vận tải. Nếu kiến nghị này được chấp nhận thì trong nhiệm kỳ mới, các cơ quan cấp bộ và ngang bộ của Chính phủ sẽ giảm từ 22 xuống còn 20. Tuy nhiên, so với một số nước, như: Mỹ có 15 bộ, Nhật Bản có 12 bộ, thì cơ quan cấp bộ của nước ta vẫn nhiều hơn rất đáng kể. Mà như vậy thì vẫn còn có thể hợp nhất thêm một số bộ và cơ quan ngang bộ khác nữa. Thực ra, việc hợp nhất các bộ có thể làm cho các bộ trưởng bị quá tải và ảnh hưởng đến nguyên tắc song trùng trực thuộc. Đã hợp nhất thì cũng phải phân định rõ chức năng của bộ trưởng là làm chính sách chứ không phải điều hành. Đồng thời cũng phải phân quyền nhiều hơn nữa cho các địa phương.
Thứ tư, để tinh giản bộ máy thì cán bộ, công chức phải có trình độ và năng lực. Nếu một người có thể làm việc bằng 5, bằng 10 người thì chắc chắn có thể cắt giảm nhân sự trong bộ máy. Mà như vậy thì lựa chọn đúng những người thực tài là rất quan trọng. Muốn làm được điều này thì tranh cử trong Đảng để lựa chọn các chính khách, thi tuyển quốc gia để lựa chọn công chức là những cách thức cần được tham khảo. Ngoài ra, trong thời đại công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, có rất nhiều việc máy có thể làm thay người. Ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo trong công việc, chắc chắn có thể tinh giản được bộ máy.
Cuối cùng, tinh giản bộ máy đang là đòi hỏi nóng bỏng của đất nước. Song song với ý chí chính trị, một khuôn khổ khái niệm chuẩn xác về việc thiết kế hệ thống cũng rất cần thiết để những cố gắng cải cách có thể thành công.
TS NGUYỄN SĨ DŨNG