Một trong những điểm mới của Quốc hội khóa XII là sự ra đời Ủy ban Tài chính và Ngân sách. Người được bầu làm chủ nhiệm ủy ban quan trọng này là TS.Phùng Quốc Hiển, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, 49 tuổi-một trong hai ủy viên thường vụ Quốc hội có tuổi đời trẻ nhất. Ông rất ít đăng đàn trên báo chí. May mắn, trong một chuyến công tác tại miền núi mới đây, phóng viên báo Quân đội nhân dân đã ghi được những điều tâm huyết nơi ông về câu chuyện “đồng tiền bát gạo” của quốc gia...
 |
TS.Phùng Quốc Hiển |
Lần đầu tôi được biết TS.Phùng Quốc Hiển là tại cuộc đua xe đạp “
Về Trường Sơn 2007” tranh cúp báo Quân đội nhân dân. Nhà báo Trịnh Việt Đông ở chuyên đề An ninh thế giới của báo Công an nhân dân đã gọi điện khắp nơi để “
thiết kế” một cuộc phỏng vấn ông. Được biết, báo bạn đang mở chuyên đề về xe công và chi tiết mà họ rất muốn “
khai thác” là việc Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái thường đi xe máy về quê mỗi thứ bảy, chủ nhật và “
vi hành” lên các huyện vùng cao. Thế nhưng, Việt Đông đã không thực hiện được cuộc phỏng vấn vì Bí thư Phùng Quốc Hiển cho rằng: đó chỉ là chuyện nhỏ, không nên đưa trên báo chí, ông sẵn sàng trả lời nhà báo những vấn đề cần hơn cho Yên Bái!
Thế rồi, tôi lại có dịp gặp gỡ và trò chuyện với TS.Phùng Quốc Hiển trong một chuyến công tác tại Yên Bái. Hôm ấy, biết có đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đi tiếp xúc cử tri tại một số xã vùng cao, tôi xin được “bám theo”.
400 + 100 không phải bằng... 500
PV: Nhà thơ Tố Hữu từng có câu thơ rằng: “Nghề bí thư đâu có bí… thơ”. Trên cương vị Bí thư tỉnh ủy, ông đã từng bao giờ rơi vào thế “bí”?
TS.Phùng Quốc Hiển: Nhiều lúc rơi vào thế bí lắm chứ! Làm cán bộ lãnh đạo là nghề của những chủ trương, đường lối. Cuộc sống luôn đặt lên vai người cán bộ những bài toán và anh phải giải nó sao cho nhanh nhất, hiệu quả nhất. Thời bình, nhiệm vụ số một của Đảng là lãnh đạo phát triển kinh tế, làm cho dân giàu, nước mạnh. Người bí thư mà không xung kích trên mặt trận kinh tế có lẽ khó hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi may mắn vốn là một cán bộ tài chính, gắn bó với Yên Bái hàng chục năm qua nên khi làm bí thư cũng có được một ít “vốn liếng” để vào cuộc.
Xin kể anh nghe chuyện vì sao Yên Bái trồng và giữ được rừng tương đối tốt. Có người bảo vì Yên Bái nhiều… mưa! Song đâu phải vậy. Hồi làm Bí thư huyện ủy Lục Yên, tôi rất ngạc nhiên khi thấy hỗ trợ 500 đồng một cây giống mà dân vẫn không chịu trồng. Thì ra vấn đề ở chỗ chưa gắn quyền lợi và trách nhiệm. Bỏ cả 500 đồng mua cây giống nhưng dân không mặn mà vì “cây của xã cho ấy mà”. Nhưng khi chúng tôi chỉ hỗ trợ 400 đồng, còn dân bỏ 100 đồng để mua cây thì lại thành công. Dân mình nghèo, họ không bao giờ lãng phí đồng tiền bát gạo của mình, dù chỉ là 100 đồng nhỏ bé. Cho con cá không bằng cho cái cần câu là vậy đấy!
- Như vậy chìa khóa thành công là “Nhà nước và nhân dân cùng làm?”.
- Tôi nghĩ đây còn là một triết lý tuyệt vời về huy động sức dân. Tôi rất mê và rất phục người nghĩ ra câu khẩu hiệu này. Một khẩu hiệu không chỉ thôi thúc bao người dân mà còn đúc kết phương thức huy động tiền của. Trong chiến tranh, người dân có thể hiến đến bát gạo cuối cùng cho “hũ gạo kháng chiến”, có thể dỡ ngôi nhà mình đang ở cho xe qua vì “độc lập hay là chết”. Nhưng trong hòa bình, chức năng của Nhà nước là tổ chức và xây dựng cuộc sống mới cho dân. Dân chưa giàu, Nhà nước cũng còn khó khăn thì rõ ràng phải là “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhưng trong huy động sức dân, chuyện đồng tiền bát gạo càng phải chi tiết, phân minh. Nhà nước và nhân dân cùng làm thì đã rõ, nhưng còn “ai làm bao nhiêu” nữa chứ? Nhà nước làm gì? Dân làm gì? Nhà nước làm bao nhiêu? Dân làm bao nhiêu?
Cũng tại huyện Lục Yên, ngày trước, từ huyện đi về các xã, bản phải mất cả ngày trời. Nghe nói ở Thái Bình mươi năm trước đã có “điện, đường, trường, trạm” đồng bộ, chúng tôi quyết định phải đầu tư làm đường cho dân. Nhưng nhiều người vẫn quen ý nghĩ “xin Trung ương” cho tiền. Có người nghĩ Yên Bái là tỉnh miền núi nghèo, sao làm được đường như Thái Bình. Tôi lại nghĩ khác: Yên Bái nghèo, nhưng làm đường… dễ hơn Thái Bình! Ở Thái Bình, muốn làm đường phải mua đá, cát, xi măng… từ A đến Z. Còn ở Yên Bái, đá, cát đầy đồi, tại sao không làm được? Nghe tôi phân tích thế, một già bản ở Lục Yên quả quyết: “Nếu Nhà nước giúp những thứ bản “không có”: xi măng, mìn đánh đá, “vẽ cái đường” (thiết kế thi công) thì làm được!”. Giờ đây, Yên Bái đã “đúc kết” được những “công thức” huy động sức dân khi làm đường: đường nhựa = 6+4 (nhân dân đóng góp 4 phần, Nhà nước 6 phần); đường bê-tông = 7+3 (nhân dân góp 7 phần, Nhà nước 3 phần); đường đá = 9+1 (do chỉ phải lo phần đá là chính nên nhân dân đóng góp 9 phần, Nhà nước chỉ phải hỗ trợ 1 phần…). Sức dân là vô tận, làm đường ở miền núi không khó vì ngăn sông cách núi mà chỉ sợ lòng người ngại núi e sông!
Trăn trở “chiếc bánh ngân sách”
PV: Chuyện Bí thư tỉnh ủy Phùng Quốc Hiển dùng xe máy khi tranh thủ về quê nghỉ cuối tuần có phải là một thái độ của ông đối với vấn đề xe công?
TS.Phùng Quốc Hiển: Chuyện đi đâu, dùng xe gì đơn giản là tiện cho công việc và bảo đảm tính hiệu quả thôi. Như chuyện chúng tôi lên xã Làng Nhì của huyện Trạm Tấu mới đây, không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải huy động một lực lượng xe máy gầm cao dã chiến. Dĩ nhiên chuyện lạm dụng xe công vào việc tư là đáng lên án và phải chấm dứt. Còn nói về vấn đề xe công, tôi nghĩ, rồi đây nước mình hoàn toàn có thể bỏ xe công, chỉ áp dụng cho không nhiều những vị trí công tác quan trọng. Còn lại, ta hoàn toàn có thể tính toán để đưa tất cả vào tiền lương cho cán bộ theo một mức “trần” hợp lý. Có người lo ngại nếu tính chi phí xe công vào tiền lương cho cán bộ thì “chiếc bánh ngân sách” sẽ không “kham” nổi. Nhưng theo tính toán của tôi, nếu thực hiện vẫn bảo đảm tốt, thậm chí có thể tiết kiệm cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Không chỉ riêng xe công mà nhiều lĩnh vực khác chúng ta còn có thể thực hiện khoán kinh phí để vừa tiết kiệm, vừa tăng hiệu quả hoạt động.
- Tài chính xét cho cùng chỉ có hai mặt: thu và chi. Từng làm công tác thuế (ông Hiển từng là Cục trưởng Cục thuế Yên Bái-PV), ông suy nghĩ như thế nào về mối quan hệ giữa “thu” và “chiếc bánh ngân sách” của đất nước?
- Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhưng chiếc bánh ngân sách có tới 40% là thu từ dầu thô. Dầu đến một lúc nào đó cũng hết, phải tăng nguồn thu từ sản xuất và dịch vụ. Nhưng để tăng thu, trước hết vẫn phải giải quyết một vấn đề muôn thuở là nhận thức. Nhà sử học Dương Trung Quốc rất đúng khi nói rằng: Không nên dùng chữ “đánh” khi nói về thuế khiến người dân nghĩ về thuế rất nặng nề, không coi đó là nghĩa vụ tất yếu của công dân. Thời tôi làm Cục trưởng Cục thuế Yên Bái, trong một hội nghị của ngành, chính tôi đã từng đề xuất nên sớm thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân. Vậy mà có đồng chí đã gay gắt cho rằng đó là tư tưởng “bóc lột”. Bây giờ thì xã hội đã nhận thức đúng đắn hơn về thuế. Tôi rất tâm đắc với một câu chuyện mang tính “kinh điển” về thuế. Những ngày đầu của chính quyền Xô-viết non trẻ, có một dân ủy đến đề nghị Lê-nin nên bỏ thuế gián thu vì thuế này gắn với bóc lột của giai cấp tư sản. Lê-nin đã hỏi lại đồng chí dân ủy rằng:
Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhưng chiếc bánh ngân sách có tới 40% là thu từ dầu thô. Dầu đến một lúc nào đó cũng hết, phải tăng nguồn thu từ sản xuất và dịch vụ. Nhưng để tăng thu, trước hết vẫn phải giải quyết một vấn đề muôn thuở là nhận thức. Nhà sử học Dương Trung Quốc rất đúng khi nói rằng: Không nên dùng chữ “đánh” khi nói về thuế khiến người dân nghĩ về thuế rất nặng nề, không coi đó là nghĩa vụ tất yếu của công dân. |
Vũ khí có nguy hiểm không? Nguy hiểm. Nhưng vũ khí nằm trong tay ai mới là quan trọng. Thuế gián thu nằm trong tay giai cấp vô sản là phục vụ giai cấp vô sản. Lê-nin cũng nói một câu rất hay rằng, “
thuế phải làm sao đơn giản đến mức bà nội trợ cũng hiểu”. Có đơn giản đến mức như thế thì người dân mới biết mà nộp đúng, nộp đủ và cán bộ thuế cũng không thể nhũng nhiễu, bớt xén. Các anh cứ xem phim nước ngoài mà xem, tội trốn thuế nặng nề như tội phản quốc. Có lần tôi rất ấn tượng với cảnh cảnh sát còng tay một tên tội phạm về thuế, nói: Vậy là 5 năm tù nhé! Y cười chua chát: Không! 10 năm! Vì tôi tái phạm lần thứ hai. Đấy! Luật phải cụ thể đến tên tội phạm cũng hiểu như thế mới đi vào cuộc sống thật nhanh chóng…
Chuyện về “đồng tiền bát gạo” quốc gia
PV: Xin được trở lại chuyện ông được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội. Vì sao trong bối cảnh Chính phủ đang tinh gọn bộ máy, Quốc hội lại tách Ủy ban Kinh tế và Ngân sách thành hai ủy ban?
TS.Phùng Quốc Hiển: Mấu chốt là do nhiệm vụ kinh tế-ngân sách của Quốc hội quá lớn, quá rộng. Đất nước càng phát triển bao nhiêu thì nhu cầu thu – chi càng lớn bấy nhiêu nên đòi hỏi phải có một ủy ban tài chính – ngân sách độc lập mới có thể giúp Quốc hội làm tốt chức năng giám sát trên lĩnh vực này. Đó cũng là quy luật chung trong xây dựng quốc hội ở nhiều nước trên thế giới. Như ở Pháp, khi mới xây dựng Quốc hội thì ủy ban lập pháp chiếm tỷ lệ công việc nhiều nhất, khoảng 90%. Nhưng khi hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh rồi thì công việc của ủy ban này chỉ còn khoảng 4%, công việc chính dồn lên “vai” ủy ban tài chính – ngân sách. Với một nền kinh tế non trẻ như nước ta thì nhiệm vụ của Ủy ban Tài chính và Ngân sách càng nặng nề, ngoài tiếp tục hệ thống luật về tài chính còn chưa đồng bộ phải làm tốt việc giám sát tối cao về tài chính – ngân sách, nói nôm na là giúp giám sát chi tiêu, quản lý “đồng tiền, bát gạo” của đất nước sao cho đúng, cho hiệu quả. Đất nước còn nghèo thì chi một đồng, thu một đồng cũng phải tính toán chứ không đơn giản. Xin lấy ví dụ chuyện thu thủy lợi phí và một số loại phí khác. Có người nói rằng: Ôi dào! Vài chục tỷ đồng đáng bao nhiêu, “cho” dân cả rồi lấy thêm “vài cục” dầu thô là xong! Nhưng vấn đề đâu đơn giản thế. Để người nông dân “suy nghĩ bên luống cày” của mình tốt hơn là “cày cho họ” chứ? Tôi đồng ý rằng gánh nặng thuế phí với người nông dân nghèo cần “giảm tải” nhưng không phải cứ miễn, bỏ toàn bộ mới là “khoan sức dân”. Trong nhiều trường hợp miễn bỏ thuế, phí dẫn đến tâm lý ỷ lại, thụ động, công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp không ai bảo vệ, tu sửa cả vì “cha chung không ai khóc”…
- “Tách” rồi nhưng có thể nói lĩnh vực quản lý của Ủy ban Tài chính và Ngân sách vẫn “mênh mông bể sở”. Vậy trước mắt, ông xác định đâu là “những việc cần làm ngay” trong “lịch công tác” của mình?
- Nhiều việc phải làm nhưng tôi đã xác định có hai mảng việc chính. Đầu tiên là phải tiếp tục xây dựng, sửa đổi một số luật về tài chính – ngân sách cho kịp đòi hỏi của nền kinh tế khi hội nhập WTO. Vấn đề thứ hai là thực hiện tốt chức năng giám sát tối cao mà trước hết là giám sát lĩnh vực tài chính công. Vấn đề thị trường bất động sản, quản lý đất đai, kiểm soát và tăng hiệu quả thu, chi… cũng phải quan tâm. Sau đó, phải chú trọng giám sát việc chấp hành pháp luật. Đây là một điểm rất mấu chốt. Nhà nước pháp quyền là phải nói và làm theo pháp luật. Ví dụ như theo Luật Ngân sách, các tỉnh, thành phố có thể vay nợ cho phát triển nhưng không để số nợ quá 30% tổng quỹ đầu tư của một năm. Nhưng hiện nay, vẫn có tỉnh nợ tới hàng nghìn tỷ sẽ không bảo đảm an ninh tài chính và gánh nặng không ai khác người dân phải gánh chịu. Mỗi đồng tiền ngân sách đều là mồ hôi, nước mắt của nhân dân, phải giám sát tốt để nó sinh sôi nảy nở có lợi cho dân, cho nước. Hôm qua xem một bộ phim truyền hình nước ngoài, tôi thấy họ có một triết lý rất hay: “Sử dụng ngân sách không hiệu quả là… khinh dân!”.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Văn Minh thực hiện