QĐND - Hơn hai thập kỷ qua, cư dân bản địa đã làm thay đổi bộ mặt Nam Du, biến một quần đảo hoang vu trở thành một quần đảo sung túc, giàu đẹp và ngày càng thu hút du khách. Đến Nam Du, mới thấy hết nỗi gian truân vất vả của những con người nơi "đầu sóng ngọn gió", suốt đời phải đối đầu với “mặt biển chân mây”, nhưng tâm hồn lúc nào cũng phóng khoáng, chân chất, hiền hòa và giàu lòng hiếu khách.

Bến tàu hòn Lớn nhìn từ ngọn hải đăng.

 

Từ cầu tàu Rạch Giá, Kiên Giang, du khách ngồi tàu cao tốc khoảng 3 tiếng đồng hồ là tới hòn Củ Tron, cách bờ 90km. Tàu vừa cặp bến, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của một cụm đảo xanh rì giống như một thế trận vững vàng giữa trùng khơi sóng gió. Đó chính là quần đảo Nam Du với 21 đảo lớn nhỏ, trong đó Củ Tron là hòn lớn nhất, xa xa là hòn Dầu, hòn Ông, hòn Ngang, hòn Mấu… tạo thành một vùng non nước hữu tình. Chẳng thế mà nhiều du khách đã gọi nơi đây là "Hạ Long phương Nam".

Người dân Nam Du có một bài vè để giới thiệu về những hòn đảo ở quê hương mình: Hòn Mấu đâm thấu Đô Nai/ Đô Nai quay sang Bờ Đập/ Bờ Đập tấp lại hòn Lò/ hòn Lò mò đến hòn Ngang/ hòn Ngang tạt sang hòn Đụng/ hòn Đụng cụng vào hòn Dầu/ hòn Dầu nằm chầu Bỏ Áo/ Bỏ Áo tháo ngược hòn Ông/ hòn Ông dông đến hòn Dâm/ hòn Dâm đâm thẳng hòn Tre/ hòn Tre te đến hòn Mốc/ hòn Mốc xốc lại hòn Nhàn/ hòn Nhàn tràn thẳng hòn Hàn/ hòn Hàn quàng cổ ba hòn Nồm/ hòn Nồm chồm đại lên hòn Khô/ hòn Khô vô bãi Chệt/ bãi Chệt lết lên hòn Lớn...

Có người cho rằng, tên Nam Du có từ thời Gia Long. Có người thì nói Nam Du là do người Pháp ghi từ chữ Nam Dự (đảo phía Nam). Còn theo bản đồ người Pháp ghi là Puolo Dama. 21 đảo thuộc quần đảo Nam Du được tạo hóa xếp đặt khéo léo. Từng khối thể lớn nhỏ, cao thấp của từng hòn nằm đan xen nhau tạo thành một thế trận vững chắc giữa đại dương. Ở Nam Du, hòn Củ Tron (hay còn gọi là hòn Lớn) là rộng nhất với 9km2, hòn nhỏ nhất là hòn Lò (200m2), dân cư sống tập trung ở Củ Tron, hòn Mấu và hòn Bờ Đập. Theo sách "Nam du ký" về truyền tích của hòn Củ Tron: “Vào năm 1870, sau khi thất thủ thành Gia Định lần thứ hai, chúa Nguyễn Ánh cùng một đám tàn quân bị Tây Sơn truy đuổi ráo riết, phải tấp vào cụm hòn này lẩn trốn. Thiếu nước uống, chúa bảo binh sĩ đào ao lấy nước ngọt. Hiện nay “giếng ngự”, “bãi ngự” vẫn hiện hữu phía tây bắc hòn Lớn. Thiếu lương thực, người dân hướng dẫn binh sĩ đi đào củ nầng có dáng hình tròn tròn về nấu ăn đỡ đói. Đến khi chúa lên ngôi hoàng đế, chạnh nhớ đến những nơi nhiều kỷ niệm sâu sắc của mình thời bôn ba tẩu quốc, ông sắc tứ cho hòn này một cái tên, gọi là “Củ Tròn”. Vị quan hành khiển vốn người Ngũ Quảng, mang chiếu chỉ đến đây, tập hợp dân lại đọc theo giọng Quảng của vị quân hành khiển, hai tiếng “Củ Tròn” thành “Củ Tron” dân nghe chiếu dụ bảo “tron” thì phải gọi theo là “tron” đâu ai dám kháng chỉ”.

Chợ cá trên hòn Lớn. Ảnh: Ngọc Quyên

 

Cuộc sống ở Nam Du lúc nào cũng sôi động với nghề truyền thống là câu mực. Ban đêm, nơi biển cả bao la hàng trăm chiếc thuyền câu mực giăng đèn chiếu sáng mặt nước đại dương, tạo thành một bức tranh di động huyền diệu trên biển cả. Người dân nơi đây luôn sẵn sàng làm hướng dẫn viên nhiệt tình cho du khách. Không chỉ thế, du khách còn được cảm nhận cuộc sống thân thiện của ngư dân bằng cách ở trọ ngay chính tại gia đình họ, không phòng ốc cao tầng, không máy lạnh, bồn tắm hay nhiều tiện nghi như thường thấy ở các khách sạn mà chỉ là các phòng trọ đơn giản, phù hợp với các bạn trẻ thích du lịch bụi.

Đặc điểm chung của quần đảo thuộc Nam Du là bãi cát trắng và nước biển xanh ngắt, nhưng ở mỗi nơi đều có nét đẹp riêng. Hòn Lớn tấp nập tàu bè, cư dân đông đúc. Hòn Mấu yên bình hơn, nhà cửa liền kề nhau ngay sát bờ biển. Đặc biệt, ở nơi đây có những viên đá đen bóng và nhẵn lấp lánh trên biển như những viên ngọc quý. Nếu đã thỏa thích với nắng vàng, biển xanh thì du khách có thể đi bộ ngắm khung cảnh hồ nước ngọt thuộc bãi Nhum của hòn Lớn, hoặc mạo hiểm hơn nữa là men theo bãi đá ở bến tàu đi chinh phục mỏm đá hình đầu rồng.

Mỗi địa danh ở Nam Du đều mang một dáng vẻ riêng, nhưng có lẽ hấp dẫn nhất là ở hòn Đụng, hòn Ông, hòn Nốm Giữa… Tuy mỗi đảo chỉ có một, hai gia đình sinh sống nhưng nếu có dịp ghé thăm và ngủ đêm trên đảo, du khách mới tận hưởng cái cảm giác êm đềm, sâu lắng giữa biển khơi.

Đến với Nam Du, du khách còn có dịp thưởng thức nhiều món ngon vật lạ, mỗi món ăn đều có những hương vị đặc trưng vùng biển đảo, nhất là sò, ốc, mực... Du khách có thể tự ra bãi biển chọn mua rồi nhờ các quán ăn chế biến theo sở thích của mình. Sau mỗi chuyến đi trở về vẫn còn vương mãi cái dư vị ngọt ngào của Nam Du.

HOÀNG HÙNG LÊ