Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hiệp định thương mại tự do giữa 11 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 30-12-2018.
Ngày 12-2-2020, Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU)-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA). Dự kiến tại kỳ họp tháng 5-2020, Quốc hội Việt Nam sẽ phê chuẩn hai hiệp định này. Do đó, EVFTA và EVIPA sẽ có hiệu lực từ tháng 7 năm nay.
Tác động sâu rộng
Khác với việc tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do khác, Việt Nam là một trong các nước đồng sáng lập CPTPP, do đó chủ động trong các vòng đàm phán để bảo vệ lợi ích quốc gia trong quan hệ với các nước thành viên. Với tư cách là nước có thu nhập trung bình (thấp), Việt Nam được hưởng một số ưu đãi riêng của CPTPP.
CPTPP và EVFTA là những hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư có mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện, bao quát các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và các vấn đề phát triển bền vững, có quan hệ hữu cơ với nhau, chất lượng cao, cân bằng lợi ích giữa Việt Nam với các đối tác, phù hợp với quy định của WTO.
|
|
Sản xuất, chế biến cá tra tại TP Cần Thơ |
CPTPP và EVFTA bao gồm thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý, thể chế.
Việt Nam và các đối tác cam kết về thương mại dịch vụ, đầu tư nhằm tạo ra môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên, thống nhất các nội dung tương đương với Hiệp định mua sắm Chính phủ (GPA) của WTO. Với một số nghĩa vụ như đấu thầu qua mạng, thiết lập cổng thông tin điện tử để đăng tải thông tin đấu thầu Việt Nam có lộ trình để thực hiện.
Các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý về cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
CPTPP tạo ra cơ hội mới cho doanh nghiệp nước ta mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, có điều kiện lựa chọn nhà đầu tư tiềm năng và tìm kiếm dự án đầu tư tại các nước thành viên do gỡ bỏ 95% sắc thuế hải quan của thị trường khoảng 500 triệu người, chiếm 12,9% GDP toàn cầu và 14,9% giao dịch thương mại thế giới.
Khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của Việt Nam sang EU; sau 7 năm sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% KNXK của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% KNXK còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Thời gian cắt giảm thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam từ EU chậm hơn; Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% KNXK; sau 7 năm sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu với 91,8% số dòng thuế, tương đương 97,1% KNXK từ EU; sau 10 năm sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu khoảng 98,3% số dòng thuế, tương đương 99,8% KNXK. Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
EVIPA ngoài những nội dung như các hiệp định bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các nước khác, khẳng định nguyên tắc phát triển bền vững được quy định, như: Thu hút đầu tư bảo đảm duy trì mức độ bảo vệ môi trường, cam kết chống biến đổi khí hậu, bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên rừng, nguồn tài nguyên sinh vật biển, khuyến khích thương mại và đầu tư hướng tới phát triển bền vững.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2019, xuất khẩu sang một số thị trường CPTPP đạt mức tăng trưởng khá, như: Canada đạt 3,86 tỷ USD, tăng 28,2%; Mexico đạt 2,84 tỷ USD, tăng 26,8%; Chile đạt gần 1 tỷ USD, tăng 20,5%; Peru đạt 350 triệu USD, tăng 40%. Một số thị trường tăng không đáng kể, như: Singapore đạt 3,231 tỷ USD, tăng 1,1%; một số thị trường giảm, như:
Australia đạt 3,523 tỷ USD, giảm 12%; Malaysia đạt 3,376 tỷ USD, giảm 3%.
Xuất siêu của Việt Nam sang tất cả thị trường trong năm 2019 đạt 11,2 tỷ USD, trong đó xuất siêu sang các nước CPTPP đã đạt gần 4 tỷ USD...
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để thì EVFTA và EVIPA làm cho GDP tăng thêm bình quân 2,18-3,25%/năm (2020-2023), 4,57-5,30%/năm (2024-2028) và 7,07-7,72%/năm (2029-2033); KNXK của Việt Nam vào EU tăng thêm trung bình 5,21-8,17%/năm (2020-2023), 11,12-15,27%/năm (2024-2028) và 17,98-21,95%/năm (2029-2033).
EVFTA tác động không đều đối với các nhóm hàng xuất khẩu sang EU. Nông sản, lâm sản, hàng dệt may, da giày, dịch vụ vận tải, tài chính sẽ có tốc độ tăng trưởng khá cao; trong khi sản phẩm gỗ, giấy, khoáng sản sẽ giảm. Nhóm hàng được dự báo tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị; điện thoại và linh kiện điện tử, thực phẩm chế biến, đồ uống, thuốc lá và hóa chất.
Dự báo KNXK của Việt Nam sang EU tăng nhanh hơn KNXK từ EU, nên EVFTA tiếp tục làm gia tăng thặng dư thương mại của Việt Nam với EU.
CPTPP, EVFTA và EVIPA với những cam kết mở cửa thị trường, mua sắm của chính phủ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những nhà đầu tư các nước này tranh thủ cơ hội mới tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân với thu nhập gia tăng, có vài chục triệu người thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có, để khởi động nhiều dự án quy mô lớn công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo, robot, xây dựng thành phố thông minh, điện gió, điện mặt trời, điện tái tạo.
CPTPP, EVFTA và EVIPA tác động đến thu hút FDI từ các quốc gia khác nhờ mở rộng không gian kinh tế của Việt Nam, giảm thuế quan xuống 0% và dỡ bỏ hàng rào phi thuế quan; xu hướng dịch chuyển ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI tại Trung Quốc sang Việt Nam dự báo sẽ gia tăng.
Thách thức cần vượt qua
CPTPP, EVFTA và EVIPA đặt ra những vấn đề mới, nếu không có giải pháp đúng đắn sẽ trở thành thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam.
1. Thị trường nội địa: Do không phải chịu thuế nhập khẩu nên hàng hóa của các đối tác vừa có chất lượng tốt, vừa có giá cả cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp Việt Nam; doanh nghiệp nào đổi mới công nghệ, sáng tạo mẫu mã mới, nâng cao chất lượng thì sức ép trở thành động lực; ngược lại sẽ chịu thua lỗ, thậm chí phá sản.
2. Thương mại: Quy định khá nghiêm ngặt đối với hàng nhập khẩu, áp dụng rào cản kỹ thuật (EU đã sử dụng “thẻ vàng” đối với hàng thủy sản của nước ta), luật chống bán phá giá để hạn chế tốc độ tăng trưởng hàng nhập khẩu từ các đối tác, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện nghiêm túc quy định về xuất xứ sản phẩm để được hưởng thuế ưu đãi; đây là vấn đề đã từng xảy ra đối với một số sản phẩm, như thép, hàng may mặc Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam nếu không theo dõi, cập nhật thông tin về thị trường quốc tế để ứng phó kịp thời và có hiệu quả sẽ chịu thiệt hại lớn khi các đối tác áp dụng những biện pháp trên đây.
3. Đầu tư: Khi nhiều tập đoàn kinh tế lớn (TNC) đầu tư vào Việt Nam tạo ra áp lực đối với việc thực thi thể chế, luật pháp, nhất là chống tham nhũng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động (tiền lương, bảo hiểm xã hội, chống cưỡng bức lao động, làm thêm giờ...) là những vấn đề Việt Nam đang tiến hành nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của công ty xuyên quốc gia (TNCs). Hoạt động M&A sẽ được gia tăng vừa tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư của Việt Nam, đồng thời tạo ra cuộc cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước, nếu không nâng cao tiềm lực và mở rộng quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp theo chuỗi cung ứng từng sản phẩm thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua trên sân nhà.
Những vấn đề cần lưu ý
Từ thực tế của năm đầu tiên thực hiện CPTPP cần lưu ý một số vấn đề chủ yếu để CPTPP, EVFTA và EVIPA góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội của nước ta.
Một là, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực tiếp cận thị trường xuất khẩu thông qua việc nắm bắt các luật chơi mới, tìm hiểu quy định của luật pháp thương mại và đầu tư, tập quán kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp của các thành viên CPTPP và EU. Do đó, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước thì bản thân doanh nghiệp phải thay đổi tư duy kinh doanh thích nghi với bối cảnh mới, tích cực tìm hiểu, nắm bắt thông tin và linh hoạt trong việc tiếp cận, tận dụng cơ hội; đầu tư xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao-yếu tố quyết định trong hành trang tiến vào thị trường đầy tiềm năng này. Doanh nghiệp cũng cần lưu ý một số vấn đề mới của CPTPP và EVFTA như lao động, môi trường, hoạt động mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước, cho phép người lao động thành lập tổ chức công đoàn độc lập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Hai là, quy tắc xuất xứ hàng hóa. Để được hưởng lợi, nhiều khi tham gia CPTPP và EVFTA, như da giày, dệt may thì phải xây dựng quy hoạch phát triển nguyên vật liệu thay thế hàng nhập khẩu với chính sách của Nhà nước, khuyến khích đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài để nhanh chóng hình thành các khu công nghiệp chuyên biệt từng sản phẩm. Hiệp hội ngành nghề đóng vai trò quan trọng trong việc lập quy hoạch, kiến nghị với Chính phủ chính sách ưu đãi và tổ chức thực hiện quy hoạch khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Ba là, hợp tác có hiệu quả hơn giữa doanh nghiệp với ngân hàng trong việc hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm. Bà Nguyễn Hương Giang, Giám đốc khối ngân hàng giao dịch của Techcombank nhận xét: Lâu nay, trong giao dịch ngân hàng, doanh nghiệp thường chỉ tập trung nhiều vào việc thương thảo mức lãi suất vay thấp hoặc giảm chi phí thanh toán trên giao dịch. Các vấn đề về giải pháp giảm chi phí từ rủi ro ngoại hối, rủi ro gian lận thương mại, rủi ro thanh khoản chưa được chú trọng. Để khắc phục khiếm khuyết đó, doanh nghiệp cần coi trọng việc quản lý dòng tiền hiệu quả, bảo đảm thu tiền đúng hạn, thanh toán tập trung theo kỳ để tối ưu hóa vốn tự có, giảm nhu cầu vay vốn, từ đó giảm chi phí vốn. Các cơ quan nhà nước cần hỗ trợ về thông tin, thể chế; ngân hàng sẵn sàng cấp vốn, hỗ trợ trong thanh toán.
Bốn là, nghiên cứu thị trường. Đây là khâu yếu nhất của doanh nghiệp Việt Nam cũng như của cơ quan quản lý nhà nước. Tình trạng phổ biến là doanh nghiệp ít quan tâm, không đầu tư nhân lực, tài chính để nghiên cứu thị trường, đối tác thương mại và đầu tư, chỉ nắm bắt thông tin từ tiếp xúc trực tiếp, từ báo chí. Một số viện nghiên cứu thị trường, thương mại, đầu tư của nước ta cũng mới chỉ dừng ở nghiên cứu vĩ mô, ít có các nghiên cứu vi mô theo hướng tiếp cận từng dự án, từng doanh nghiệp. Để thực hiện có hiệu quả CPTPP và EVFTA thì Chính phủ cần chủ trương và hỗ trợ tài chính, nhân lực cho doanh nghiệp, các bộ, viện để tập trung nghiên cứu một số thị trường lớn đầy tiềm năng.
Năm là, tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư. Tuy những năm gần đây, hoạt động này được doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các bộ coi trọng, nhưng tình trạng phổ biến vẫn tiến hành theo phương thức sẵn có: Hội thảo trong nước, hội thảo quốc tế, tham gia hội chợ để quảng bá hàng hóa, chưa được tổ chức và quản lý thống nhất trong phạm vi toàn quốc, gây ra lãng phí về thời gian và tiền của, đem lại kết quả hạn chế. Chính phủ đã chủ trương đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư nhưng vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Đã đến lúc cần trên cơ sở chiến lược chung, đầu tư nhân lực và tài chính tập trung xúc tiến thương mại và đầu tư có trọng điểm tại những thị trường và đối tác chính là thành viên CPTPP và EU để tạo chuyển biến rõ rệt trong quan hệ hợp tác với từng đối tác.
GS, TSKH NGUYỄN MẠI