Những tín hiệu đáng mừng
Với 11 nhóm nghề chính trên khắp các vùng miền cả nước, các thế hệ nghệ nhân đã bằng óc sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo của mình tạo nên một phần quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là các nhóm nghề thủ công mỹ nghệ. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngoài đáp ứng công năng sử dụng thực tiễn còn dùng để trang trí. Vì vậy, ngoài việc chú trọng chất lượng sản phẩm thì yếu tố mẫu mã, hình thức cũng được các nghệ nhân quan tâm trau chuốt sao cho bắt mắt, có tính thẩm mỹ cao. Và không thể phủ nhận rằng, trong khi thị trường ngày càng khó tính về cả chất lượng lẫn hình thức sản phẩm thì ở nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ nước ta đã có những tín hiệu đáng mừng…
|
|
Sản phẩm của sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp |
Bát Tràng là một làng nghề nổi tiếng ở Hà Nội đã khoảng 700 năm với các sản phẩm gốm sứ có mặt khắp mọi miền Tổ quốc và xuất khẩu ra cả nước ngoài. Có một thời, nghề gốm sứ ở Bát Tràng đứng trước nguy cơ mai một khi chỉ còn vài lò gốm hoạt động. Đến nay, trong khi nhiều làng nghề đứng trước nguy cơ thất truyền thì Bát Tràng đang là một trong số những làng nghề truyền thống sống tốt được bằng nghề với lượng hàng bán ra thị trường hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đó là kết quả của sự đoàn kết, tâm huyết với nghề của người Bát Tràng. Đặc biệt, bằng đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của mình, những nghệ nhân nơi đây đã “sai khiến” được đất và lửa tạo ra những sản phẩm có mẫu mã không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng mà còn đưa các tác phẩm lên tầm nghệ thuật.
Giống như gốm sứ Bát Tràng, gốm Nhung-một thương hiệu xuất hiện từ năm 2001, sự kế thừa của gốm Phù Lãng (Bắc Ninh)-cũng là một ví dụ sinh động cho hiệu quả từ sự thay đổi mẫu mã sản phẩm, kiến thức mỹ thuật.
Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, về hình thức, kiểu dáng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ nước ta đã khác trước khá nhiều do thị hiếu thẩm mỹ của khách hàng thay đổi. Chẳng hạn như xưa bát phải tròn thì nay được biến tấu hình ô van, cách điệu ở miệng hay đáy bát… Nhiều làng nghề đã ý thức được rằng, trong bối cảnh hiện nay, mẫu mã sản phẩm rất quan trọng và nó do thị trường, khách hàng quyết định. Bởi vậy, thay vì làm theo các mẫu cũ mòn truyền thống thì nay nhờ vào mạng internet, người thợ có thể chủ động tìm hiểu, tham khảo các mẫu mới; hoặc làm theo đơn đặt hàng của khách (cách này đang khá phổ biến). Bên cạnh đó, chất liệu, cách trang trí của các sản phẩm cũng được quan tâm đổi mới theo xu hướng hiện đại, chú ý hơn đến thị hiếu người tiêu dùng.
Mừng nhưng… chưa đủ!
Thời gian gần đây, khi thị trường ngày càng bão hòa và yêu cầu cần có mẫu mã mới để thỏa mãn khách hàng, tạo được sức cạnh tranh thì hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam được cho là chưa tạo được kiểu dáng mẫu mã độc đáo. Trong khi đó, dưới sức ép cạnh tranh đến từ các thị trường láng giềng đang tràn vào Việt Nam như Trung Quốc, Ấn Độ… hàng thủ công mỹ nghệ của ta còn có nguy cơ thua ngay trên sân nhà. Theo TS Tôn Gia Hóa, Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, thì nhiều làng nghề còn quá lệ thuộc vào các mẫu truyền thống, chưa quan tâm đến việc cải tiến mẫu mã, chưa bắt kịp nhu cầu tiêu dùng, thị hiếu thẩm mỹ hiện đại.
Làng nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên (Nam Định) có truyền thống hàng nghìn năm với khoảng hơn 1.000 cơ sở sản xuất. Cách đây chừng 5 năm, thu nhập của làng khoảng 1.500 tỷ đồng/năm nhưng gần đây, tình hình tiêu thụ chững lại khiến doanh thu giảm sút. Nguyên nhân được nghệ nhân Nguyễn Văn Đức, Hội Làng nghề gỗ La Xuyên, nhận định là do mẫu mã ít, lại không được cải tiến, thay đổi để phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Ông Đức cũng cho biết, hiện làng nghề có tới 90% thợ không biết vẽ, sáng tạo mẫu mã mới, số còn lại chỉ có thể cải tiến hoặc thay đổi một số họa tiết trên sản phẩm.
Ở làng nghề mỹ nghệ điêu khắc, sơn son thếp vàng, bạc truyền thống Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội), các thợ làm nghề cũng không được đào tạo qua trường lớp mà chỉ do lớp trước truyền lớp sau. Ngoài sự khổ luyện, đam mê với nghề, muốn tạo ra tác phẩm có giá trị văn hóa, thẩm mỹ cao, người thợ phải có sự tìm hiểu sâu những kiến thức về tôn giáo, lịch sử… để có nhận thức sâu sắc về nghề, thổi được hồn vào sản phẩm. Thế nhưng nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh, Chủ tịch Hội Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, đã chia sẻ rằng: Trong khi có nhiều đơn hàng trùng tu các di tích xuống cấp thì đa số thợ trong làng chỉ được đào tạo theo quy trình làm mới từ đầu…
|
|
Sản phẩm mây tre đan của làng nghề Phú Vinh (Hà Nội) và Bao La (Thừa Thiên-Huế) |
Thực tế, số lượng nghệ nhân, thợ tay nghề giỏi, được đào tạo bài bản tại các làng nghề còn rất thiếu. Lâu nay, cách thức truyền nghề, học nghề ở các làng nghề truyền thống hầu hết là “cầm tay chỉ việc” mang tính kinh nghiệm, người học thông thường phải mất vài năm để vững nghề. Cách dạy nghề này có ưu điểm dễ học, dễ dạy, ít kinh phí nhưng ít chuẩn xác, người học khó phát triển được tư duy độc lập, bao quát vấn đề tổng thể của nghề. Vậy nên mới thường thấy các làng nghề có nhiều thợ tầm tầm bậc trung, ít thợ giỏi có khả năng sáng tác mẫu mới, đẹp.
Hạn chế về mẫu mã làm cho sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu thị trường, đầu ra khó, thu nhập thấp khiến con em nghệ nhân không muốn theo nghề, dẫn đến một số nghề thậm chí có nguy cơ bị thất truyền do việc truyền nghề bị gián đoạn. Đó là một trong những nguyên nhân khiến các làng nghề truyền thống ở nước ta đang đứng trước thách thức để tồn tại và phát triển.
Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng
Gốm Nhung giúp người dân Phù Lãng làm giàu được trên chính quê hương mình là bởi người dân nhận thấy cần phải có người thiết kế mẫu và đã cho con em họ tìm đến học các ngành gốm, điêu khắc… ở các cơ sở đào tạo. Từ những kiến thức được đào tạo, họ đã cùng sức trẻ, sáng tạo giúp làng nghề phát triển. Nhưng Phù Lãng chỉ là số ít làng nghề sớm làm được điều đó.
Tại Hội thảo khoa học “Mỹ thuật ứng dụng với thiết kế mẫu sản phẩm trong làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam” do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phối hợp cùng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tổ chức hồi giữa năm 2018, đại diện nhiều làng nghề trên cả nước đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất về việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và thiết kế mẫu mới. Theo đó, cần có các lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn cho lao động các làng nghề; tổ chức các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm cho làng nghề… Bên cạnh đó, ngoài tạo những chính sách để phát triển làng nghề, Nhà nước cần có chính sách để tạo đầu ra cho sinh viên các chuyên ngành mỹ thuật công nghiệp.
Với chủ trương gắn kết đào tạo với các làng nghề, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp hiện được coi là địa chỉ lý tưởng để đáp ứng nguồn nhân lực đó. Hiện sinh viên đang theo học tại trường đến từ các làng nghề rất ít. Để đáp ứng nhu cầu thực tế, trường đã xây dựng thử nghiệm mô hình đào tạo “nhà trường-làng nghề” với hình thức vừa học vừa làm hệ đại học: Lớp học đặt tại làng nghề, nhà trường cung cấp kiến thức, làng nghề cung cấp cơ sở vật chất, người học tiếp thu kiến thức và ứng dụng ngay trong công việc thường ngày. Với sự chung tay của cả xã hội và nỗ lực từ các làng nghề, sự kết hợp này sẽ sớm mang lại những kết quả tích cực cho diện mạo làng nghề thủ công mỹ nghệ nước ta thời gian tới.
Theo kết quả điều tra về làng nghề nông thôn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến năm 2017, cả nước có 5.407 làng nghề đang hoạt động, trong đó có 1.748 làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ. Các làng nghề thu hút hơn 10 triệu lao động (thời điểm cao nhất khoảng 13 triệu) và mang lại giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 1,7 tỷ USD/năm. |
Bài và ảnh: DƯƠNG THU