Đến xã Vân Canh, chúng tôi không quá khó khăn khi hỏi thăm địa chỉ gia đình cô Nguyễn Thị Tuyến làm đèn lồng Trung thu ở thôn Hậu Ái. Bởi căn nhà khá rộng rãi đối diện đình làng từ bao năm nay đã nổi tiếng với nghề này. Ngoài sân thì chất đầy nan tre nứa, trong nhà bày la liệt giấy màu, hồ dán, ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy và đủ các loại đèn ông sao, con thỏ, kéo quân, tôm, cá… Hằng ngày, giữa muôn vàn sắc màu ấy, cô Tuyến say sưa cắt cắt, dán dán từ sáng đến khuya mới nghỉ.
Cô Tuyến sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm đèn thủ công từ bốn đời trước để lại. Lên 6, lên 7, cô đã biết cắt dán giấy màu vào từng chiếc đèn. Từ đó đến nay, năm nào gia đình cô cũng làm đèn Trung thu truyền thống. Để có hàng nghìn chiếc đèn theo đặt hàng của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và các trường học, cô thường phải bắt tay vào làm từ cuối tháng Sáu âm lịch cho đến gần rằm tháng Tám mới nghỉ.
Cô Nguyễn Thị Tuyến làm đèn lồng hình con cá.
Trước đây, phong trào làm đèn lồng ở làng Hậu Ái phát triển rầm rộ nên dịp Tết Trung thu trở thành ngày hội của cả người già lẫn trẻ em. Thế nhưng, khoảng những năm 80-90 của thế kỷ trước, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, sau đó thì đồ chơi nhập ngoại tràn vào khiến cho đèn lồng truyền thống không tiêu thụ được. Hầu hết thợ thủ công trong làng đã bỏ nghề, chỉ còn cô Tuyến vẫn quyết tâm giữ nghề gia truyền. Cô kể: “Cũng lần làm đèn rất kỳ công, mất nhiều thời gian nhưng hàng không bán được, thu nhập chẳng được bao nhiêu, tôi cũng cảm thấy buồn và muốn bỏ nghề. Nhưng rồi vào dịp Trung thu, ra đường thấy họ bán đồ chơi, tôi nhớ nghề lắm, nghĩ đến ông bà, bố mẹ năm xưa tôi lại đi mua tre, mua giấy về làm”.
Thực tế thì nghề làm đèn lồng không quá nặng nhọc, cũng không cần nhiều vốn, nhưng lại đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ, cẩn thận, khéo léo, tỉ mỉ của người thợ. Theo kinh nghiệm của các cụ thì phải chọn tre nứa tốt, loại bánh tẻ, dẻo dai, chặt thành từng khúc thật đều rồi chẻ nan để làm khung. Việc chẻ nan cũng phải rất đều thì đèn mới đẹp. Tất cả nan sau khi chẻ xong phải ngâm qua nước vôi để chống mối mọt. Mỗi loại đèn được đan sẵn các khung nan rồi buộc bằng dây thép rất chắc chắn. Ở giữa lồng đèn còn có chỗ đặt nến. Đó là bí quyết làm cho đèn lồng thủ công bền hơn hẳn các đèn thương mại ngoài chợ. Tuy nhiên, mỗi sản phẩm có một yêu cầu riêng nên người làm nghề cần phải có con mắt thẩm mỹ và sự tâm huyết để thổi hồn vào từng sản phẩm sao cho cân đối, đẹp mắt. Ví dụ: Với ông tiến sĩ giấy thì phải dán giấy, phối màu trên khuôn mặt làm sao cho ra dáng ông tiến sĩ. Để có những chiếc đèn ông sao đẹp mắt thì phải có khung đẹp, sau đó mới đến kỹ thuật sắp xếp giấy màu. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào sự khéo léo của người thợ.
Vì sao nhiều người chuyển nghề khác để có thêm thu nhập nhưng cô Tuyến vẫn một lòng theo nghề của ông cha để lại? Trò chuyện với cô, chúng tôi cảm thấy sự yêu nghề như thấm vào tâm can người phụ nữ này. Hơn nữa, sự quan tâm trở lại của một số cơ quan, tổ chức và người dân như tiếp thêm động lực cho cô. Hơn 15 năm qua, năm nào cô cũng được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời đến trình diễn, hướng dẫn thực hành nghề làm đèn lồng cho trẻ em. Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội 10 năm nay cũng đều đặn tổ chức giới thiệu kỹ thuật làm đèn thủ công truyền thống cho các học sinh nội thành Hà Nội học tập vào dịp Trung thu. Nhiều trường học trên địa bàn và bạn bè gần xa còn đưa học sinh đến nhà cô Tuyến để xem và thực hành nghề. Cứ mỗi dịp như thế, cô Tuyến cảm thấy rưng rưng trong lòng.
Việc làm đồ chơi truyền thống với cô Tuyến giờ đây không chỉ là nghề mang lại thu nhập mà quan trọng hơn là góp phần gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của người Hà Nội. “Mong sao các cơ quan chức năng quan tâm tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, tôn vinh đồ chơi dân gian, qua đó động viên, khích lệ đội ngũ thợ thủ công say mê, gắn bó với nghề để bản sắc văn hóa của dân tộc không bị mai một trước đồ chơi hiện đại”-cô Nguyễn Thị Tuyến bày tỏ.
Bài và ảnh: MINH THÀNH