VQG Vũ Quang cách thành phố Hà Tĩnh 75km về phía tây bắc, có diện tích hơn 55.000ha. Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt khoảng 38.800ha, phân khu phục hồi sinh thái hơn 16.000ha. Phần còn lại là phân khu hành chính, dịch vụ. Từ năm 1992, VQG Vũ Quang đã được thế giới biết đến khi các nhà khoa học của Bộ Lâm nghiệp và Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) phát hiện một loài mới: Sao la. Đây là phát hiện mang nhiều ý nghĩa vì trong suốt 100 năm trước đó, chỉ có 5 loài thú lớn mới được phát hiện. Và loài được phát hiện trước sao la là bò xám ở Campuchia từ năm 1936. Cũng trong năm 1992, đã có tới 5 loài cá mới được khám phá ở VQG Vũ Quang.
|
|
Vườn Quốc gia Vũ Quang sở hữu cảnh quan phong thủy hữu tình. Ảnh: HUY TÙNG |
Chỉ hai năm sau khi sao la được tìm thấy, các nhà khoa học tiếp tục phát hiện một loài mới tại VQG Vũ Quang. Đó là một loài hươu mới có họ hàng gần với loài mang thường. Các nhà khoa học đã đặt tên cho loài hươu mới là “mang lớn”.
Không chỉ ẩn chứa những bí ẩn về thế giới động vật, VQG Vũ Quang sở hữu một hệ thực vật vô cùng phong phú, trong đó có những loài chưa từng được biết đến. Gần đây nhất, các nhà nghiên cứu của VQG Vũ Quang và Trường Đại học Đà Lạt đã liên tiếp phát hiện hai loài thực vật mới chưa từng được mô tả về hình thái trước đó. Hai loài được tìm thấy thuộc chi trà mi thuộc thực vật họ chè. Điều đặc biệt là cả hai loài trà mi được tìm thấy đều là trà mi hoa vàng-loài được các nhà khoa học trên thế giới đặc biệt quan tâm. Hai loài trà mi này được đặt tên là “trà mi Vũ Quang” và “trà mi Hà Tĩnh”. Trên tạp chí quốc tế khoa học chuyên ngành Korean Journal of Plant Taxonomy số 48 (ra ngày 30-6-2018), hai loài trà mi mới của Việt Nam đã được giới thiệu chi tiết.
Trước khi trà mi Vũ Quang và trà mi Hà Tĩnh được phát hiện, năm 2017, trong quá trình hợp tác điều tra đa dạng hệ thực vật giữa VQG Vũ Quang và Trung tâm Bảo tồn sinh thái châu Á (thuộc Đại học Kyushu, Nhật Bản), các chuyên gia đã phát hiện một loài thực vật chưa từng được mô tả. Đó là một loài thuộc họ dẻ. Loài dẻ này đã được đặt tên là “dẻ Vũ Quang” (lithocarpus vuquangensis)...
Một trong những phát hiện độc đáo nhất về hệ thực vật ở VQG Vũ Quang là quần thể cây pơ mu khổng lồ, với cây lớn nhất có đường kính phần gốc đo được lên đến 2,2m, chiều cao gần 30m. Theo các nhà nghiên cứu, cây pơ mu này có niên đại nằm trong khoảng 800-1.000 năm.
|
|
Trà mi Vũ Quang - loài mới được phát hiện gần đây nhất ở Vườn Quốc gia Vũ Quang. Ảnh: VQG VŨ QUANG |
Đến hiện tại, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận 1.612 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 191 họ và 676 chi ở VQG Vũ Quang. Trong đó, có 94 loài thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Đáng chú ý, VQG Vũ Quang có tới 686 loài cây được dùng làm thuốc và 339 loài cây gỗ. Về hệ động vật, vườn có 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá và 316 loài bướm, trong đó, có 26 loài thú, 10 loài chim, 16 loài bò sát quý hiếm cần được bảo vệ.
Vừa sở hữu một hệ động-thực vật phong phú, quý hiếm, lại có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú như: Thác Thang đày, thác Cổng trời, thác Vũ môn, đường mòn tuần tra rừng (vào tận các khu rừng nguyên sinh, có thể tạo nên những tuyến tham quan mạo hiểm xuyên rừng)... hay khu di tích lịch sử ghi dấu những sự kiện lịch sử oai hùng trong cuộc Khởi nghĩa Hương Khê của chí sĩ Phan Đình Phùng trong Phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19, VQG Vũ Quang có tiềm năng rất lớn trong phát triển các hoạt động du lịch sinh thái. Trong những năm qua, VQG Vũ Quang đã có nhiều nỗ lực tìm mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung lực lượng để bảo vệ tốt những cánh rừng nguyên sinh, bảo vệ cảnh quan rừng hiện có. Tuy nhiên, để phát triển hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái ở VQG Vũ Quang đòi hỏi phải có nguồn lực rất lớn về quy hoạch, tài chính kết hợp sự vào cuộc của các cấp, các ngành, từ Nhà nước và các nhà đầu tư. Trong đó, trước hết là phải có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng như đường giao thông, bến đỗ và phương tiện, thiết bị, trung tâm tiếp đón, các điểm, tuyến du lịch phục vụ du khách khi đến với VQG Vũ Quang.
TRẦN HÙNG