Sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa nhưng chị Lương Thanh Hạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Hanhsilk, Chủ nhiệm Hợp tác xã Lụa đũi Nam Cao, lại chọn nghề dệt lụa truyền thống của làng Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình để khởi nghiệp. Từ một chuyến đi về xã Nam Cao đã đưa ra cho chị nhiều trăn trở, suy tư. Sau đó chị cùng bà con nhân dân thành lập Hợp tác xã Lụa đũi Nam Cao. Dệt lụa Nam Cao đã tồn tại từ bao đời nay, là làng nghề có hơn 400 tuổi. Tơ lụa Nam Cao cũng nổi tiếng và được xuất khẩu đi nhiều nước. Nhưng rồi vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà làng nghề này dần bị mai một.

Ban đầu, hợp tác xã do chị Hạnh thành lập chỉ có 9 người, sau đó lên 30 người và hiện tại có hơn 200 thành viên tham gia. Sau hơn 10 năm, chị Hạnh và các đồng nghiệp đã khôi phục lại làng nghề Nam Cao, tạo ra một vùng trồng dâu hơn 700ha, hình thành tuyến du lịch văn hóa làng nghề, tạo việc làm cho hàng nghìn người.

Chị Vi Thị Thắm, dân tộc Thái, ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An cũng lựa chọn khởi nghiệp từ những giá trị văn hóa. Chị tập trung vào phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An. Ban đầu chị chủ yếu đầu tư vào du lịch ở Con Cuông, tập trung ở điểm du lịch Phà Lài với nhiều sản phẩm du lịch khác nhau. Sau đó chị thành lập Trung tâm Điều phối du lịch miền Tây xứ Nghệ (TNT-Tây Nghệ Tourist) để phát triển du lịch văn hóa. Các sản phẩm du lịch mà chị Thắm xây dựng đều gắn với các giá trị văn hóa truyền thống. Nhờ chị Thắm mà nhiều sản phẩm văn hóa được tham gia vào thị trường du lịch hơn, qua đó tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người.

leftcenterrightdel

Trình diễn bộ sưu tập "Minh châu Hà thành" của nhà thiết kế Vũ Thảo Giang. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Cùng nguồn cảm hứng đó, anh Nguyễn Tiến Cường lại lựa chọn tiếp nối tiền nhân phát triển thương hiệu dép lốp Việt Nam. Đôi dép cao su vốn nổi tiếng trong những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược thế kỷ trước, cũng gắn liền với hình ảnh đôi dép Bác Hồ. Nhưng nhiều năm nó gặp khó khăn vì không phát triển trên thị trường được, dù nghệ nhân Phạm Quang Xuân rất tâm huyết. Khi về làm rể ông Xuân, anh Cường đã dành trọn tâm huyết để phát triển thương hiệu này. Trải qua hơn một thập kỷ, hiện nay, dép lốp cao su Việt Nam đã xuất khẩu tới hàng chục quốc gia, tạo nên một thương hiệu độc đáo.

Hay trong một lĩnh vực đặc thù hơn là lĩnh vực thiết kế thời trang, nhà thiết kế trẻ Vũ Thảo Giang, cô gái người Tày, cũng lựa chọn con đường khởi nghiệp từ những giá trị văn hóa dân tộc. Cô đã thành công trong việc lấy cảm hứng từ những hoa văn, họa tiết trên thể cẩm truyền thống của các cộng đồng để thiết kế những bộ sưu tập áo dài truyền thống. Cảm hứng từ giá trị văn hóa dân tộc là động lực thôi thúc Thảo Giang hoàn thành các bộ sưu tập nổi tiếng như: “Minh Châu Hà thành”, “Gốm khảm “Bát nhã”, “Qua miền di sản”, “Việt Nam gấm hoa”, “Phố Làng”, “Hạt ngọc trời”...

Chị Hạnh, chị Thắm, anh Cường hay Thảo Giang... chỉ là những trường hợp cụ thể trong rất nhiều người lựa chọn các giá trị văn hóa dân tộc để khởi nghiệp. Những câu chuyện của họ luôn có những giá trị nhất định đóng góp vào quá trình tìm hiểu để khởi nghiệp từ giá trị văn hóa dân tộc.

Khởi nghiệp từ giá trị văn hóa dân tộc là một lựa chọn gian truân, cần sự đam mê và lòng can đảm. Bởi xét cho cùng, đầu tư phát triển kinh tế từ giá trị văn hóa có một số đặc điểm quan trọng: Trước hết, các giá trị văn hóa rất khó khai thác vào phát triển kinh tế, cần phải đầu tư lớn hơn so với các lĩnh vực khác. Thứ hai, chậm thu hồi vốn bởi cần phải có thời gian để kiểm chứng các sản phẩm văn hóa, kén chọn khách hàng. Thứ ba, khởi nghiệp từ giá trị văn hóa đối diện với nhiều nguy cơ rủi ro. Tỷ lệ thất bại trong lĩnh vực khởi nghiệp từ giá trị văn hóa cao hơn các lĩnh vực khác bởi nó phức tạp, không dự báo như các lĩnh vực kinh tế thông thường. Cuối cùng là khó dự báo, khó tiên liệu được con đường phát triển.

Một vấn đề chung mà hầu hết người lựa chọn khởi nghiệp từ giá trị văn hóa chia sẻ là họ bị người xung quanh gọi là “hâm” khi mang tiền đi đầu tư vào những lĩnh vực mà phải mất rất nhiều thời gian mới có thành quả. Đây là sự lựa chọn các giá trị khác biệt văn hóa để đi vào thị trường nên không phải ai cũng nhận ra và chấp nhận. Đây là một sự lựa chọn con “đường nhỏ, đường lẻ” để đi bên cạnh những “xa lộ”, những dòng chảy lớn của kinh tế thị trường nên trong mắt người khác nó trở nên đặc biệt. Nhưng điều đó cũng thể hiện sự can đảm của người khởi nghiệp.

Khởi nghiệp từ giá trị văn hóa dân tộc gắn với tình yêu, niềm đam mê và sự trân trọng các giá trị truyền thống. Có những người khởi nghiệp từ những giá trị văn hóa của cộng đồng mình, cũng có những người khởi nghiệp từ những giá trị văn hóa của một cộng đồng khác, nhưng điểm chung có niềm đam mê, sự trân trọng các giá trị văn hóa đó. Nếu không có được điều đó, họ không chỉ thất bại trong khởi nghiệp mà còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến các giá trị văn hóa truyền thống. Mục tiêu của họ khi khởi nghiệp là làm sao để hồi sinh những giá trị văn hóa và càng ngày càng làm cho nguồn giá trị văn hóa đó giàu lên, làm cho người dân địa phương giàu lên từ nguồn "của cải" mà cha ông bao thế hệ để lại. Như vậy, không chỉ phát triển kinh tế, khởi nghiệp từ giá trị văn hóa mà còn làm cho các giá trị văn hóa tỏa sáng, khuyến khích việc bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức và tâm lý con người đối với bản sắc văn hóa dân tộc. Và để đạt được mục tiêu đó, họ phải vượt qua một chặng đường dài từ 7 đến 10 năm, vượt qua những khó khăn không chỉ từ kinh tế mà cả từ những định kiến, từ sự vận động xã hội. Nhưng khi vượt qua được những điều đó, họ được cộng đồng ghi nhận, được thị trường chấp nhận và được hưởng những kết quả xứng đáng bởi nhiều người được nhận lợi ích và chia sẻ giá trị của quá trình khởi nghiệp của họ.

Khởi nghiệp từ giá trị văn hóa dân tộc là con đường vinh quang nhưng đầy rẫy chông gai, là một quãng đường dài hơi. Vậy nên để đến đích thì người khởi nghiệp phải can đảm, đủ lòng đam mê khởi nghiệp, đủ tình yêu và trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống, đủ trí tuệ sáng tạo và bản lĩnh để vượt qua những khó khăn. PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định: “Nhà nước đang đẩy mạnh các chính sách phát triển kinh tế di sản, công nghiệp văn hóa để khai thác những giá trị văn hóa dân tộc. Nhưng nó sẽ có nhiều giá trị hơn, đạt hiệu quả cao hơn nếu những người trẻ chủ động hơn trong việc khởi nghiệp từ những giá trị văn hóa dân tộc".

Vậy là, trong bối cảnh hiện tại, để phát huy hơn nữa giá trị văn hóa dân tộc, chúng ta cần phải khuyến khích, hỗ trợ và đồng hành với những người trẻ trong lựa chọn khởi nghiệp từ vốn văn hóa dân tộc để góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

TS BÙI HÀO