Tôi đi cùng vợ chồng một người bạn, Lê Nguyên Tùng và Melina Le, từ Bỉ về, cả hai bé trai của họ. Tùng là đại diện của Quỹ “Water for all”-quỹ từ thiện có phạm vi đầu tư trên toàn thế giới, tập trung vào việc cung cấp nguồn nước sạch cho những khu vực khó khăn. Có một dự án đầu tư nước sạch tại Trường Tiểu học Nam Sơn thuộc xã Nam Sơn của Hoàng Su Phì, đã ba năm. Lần này, anh lên để xem hiệu quả của dự án và dự kiến đầu tư tiếp dự án thứ hai, tại xã Ngàm Đăng Vài, cũng của huyện Hoàng Su Phì. Vợ Tùng là chuyên gia thẩm định các dự án đường sông của Bỉ, vì vậy, cô rất am hiểu các dòng sông. Melina cũng là người quan tâm đặc biệt tới môi trường và có kiến thức rất rộng về lĩnh vực này, với các vấn đề mang tính toàn cầu cũng như cụ thể ở từng quốc gia. Sở dĩ tôi nhận lời đi cùng với Tùng là bởi vì tôi cũng đang tham gia một nhóm trí thức, nhà khoa học muốn xây dựng một hệ thống tủ sách cho vùng cao, biên giới. Một công đôi việc, đi cùng bạn và khảo sát thực tế luôn.
Nước sinh hoạt luôn là một trong những vấn đề hàng đầu của nhiều tỉnh miền núi, trong đó có Hà Giang. Trừ các huyện, thị xã vùng thấp, gần sông suối, còn hầu như tất cả huyện vùng cao đều rơi vào tình trạng khan hiếm nước. Trường Tiểu học Ngàm Đăng Vài nằm chênh vênh trên lưng một ngọn núi, như rất nhiều trụ sở, trường học cấp xã ở huyện vùng cao. Để dẫn nước về, toàn bộ khu vực trung tâm xã, bao gồm các trường THCS, tiểu học, mẫu giáo, UBND xã, trạm y tế… đều chỉ trông vào một đường ống bằng… nhựa, với đường kính chừng 3cm, dẫn từ một ngọn núi cách trường khoảng 4km. Gần đây, xã kết hợp với trường, tiết kiệm kinh phí xây được một bể chứa chừng 10m3. Thật khó có thể hình dung hàng nghìn con người ở trung tâm xã chỉ trông vào cái đường ống bé tẹo ấy, chưa kể nó thường xuyên bị trâu, bò, dê thả rông giẫm đạp, đứt mối nối, vỡ ống.
Tại Trường Tiểu học Ngàm Đăng Vài, cô Lương, Phó hiệu trưởng nhà trường nói rằng, chúng tôi có một cái thùng 200 lít, học sinh khi rửa tay phải hứng vào đấy, để dành nước tưới cây. Trường có 180/220 học sinh ở nội trú, cuối tuần mới về nhà. Bên cạnh việc thiếu nước sinh hoạt trầm trọng là việc các em phải đi vệ sinh ở… trên rừng. Đào hố, dùng tro đổ lên. Nam nữ dùng chung khu vệ sinh. Thực tế thì cho dù có nhà vệ sinh tự hoại thì các em cũng không sử dụng được, vì làm gì có nước.
Trong khu nhà tập thể của giáo viên Trường THCS Ngàm Đăng Vài, có một cái máy giặt để trên hè. Cái máy giặt cắm điện hẳn hoi nhưng không hề có… đường nước vào. Hóa ra nó chỉ dùng để… vắt khô quần áo sau khi giặt bằng tay. Nước thiếu khiến mọi sinh hoạt thường nhật đều trở nên khó khăn gấp nhiều lần. Theo thầy Thân Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THCS
Ngàm Đăng Vài, đã có 7 năm làm việc tại trường: Mùa khô thì thiếu nước, còn mùa mưa nước lại đục ngầu. Vì nước lấy trực tiếp từ khe núi, hoàn toàn không có bể lọc. Bùn đất, lá cây… cứ tự nhiên theo dòng nước về tận nơi sinh hoạt. Trường THCS có hơn 160 học sinh ở nội trú nên cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nước sinh hoạt.
Ở miền xuôi, học sinh tiểu học, THCS phải ở nội trú gần như không có. Nhưng ở những vùng núi cao, đấy là giải pháp tối ưu để học sinh không phải bỏ học. Theo quy định của ngành giáo dục, học sinh cứ ở cách trường từ 4km trở lên thì sẽ bố trí cho các em ở nội trú, nhưng thực tế thì với học sinh tiểu học, dưới 4km cũng đã là đoạn đường quá dài khi còn phải trèo đèo lội suối. Vì vậy, các trường đều linh động, dưới 4km cũng cho các em ở nội trú.
|
|
Học sinh nội trú Trường Tiểu học Ngàm Đăng Vài, xã Ngàm Đăng Vài (Hoàng Su Phì, Hà Giang) tự trồng rau xanh |
Trở lại với chuyến đi của vợ chồng Tùng và hai cậu con trai, một lên sáu, một lên bốn. Trong nhà, Tùng người Việt, vợ người Đức, hai cậu con trai nói chuyện với bố bằng tiếng Việt, nói với mẹ bằng tiếng Đức, đến trường nói tiếng Hà Lan và khi cả nhà giao tiếp chung thì bằng tiếng Anh. Tùng đưa các con đến các trường tiểu học để hai cậu bé hiểu được rằng, trên Trái Đất này, không phải trẻ em ở đâu cũng có cuộc sống giống nhau. Khi Tùng leo lên cái bể nước, mở nắp ra để nhìn vào xem có nước hay không thì hai cậu bé cũng leo lên theo. Tùng lần lượt cho từng bé cúi sát vào trong bể để quan sát. Khi đi dọc con đường đất trước cổng trường tiểu học, hai cậu bé lẳng lặng cặm cụi nhặt túi nilon rơi vãi dọc đường, gom vào bãi rác, hoàn toàn là một hành vi tự nhiên, không hề có hướng dẫn hay chỉ bảo của bố mẹ. Tùng bảo, công ty của cậu đặc biệt quan tâm tới hai vấn đề: Nước sạch và rác thải. Hơn 2 triệu người ở 25 quốc gia đã được hưởng nguồn nước sạch từ dự án của “Water for all”. Ở Việt Nam, quốc gia thứ 26, “Water for all” chọn Hoàng Su Phì là điểm đầu tiên thực hiện dự án.
Tôi sẽ nói thêm về Hoàng Su Phì. Khác với vùng cực Bắc, phía Tây Hà Giang có đặc điểm địa lý là núi đất pha cát. Chính vì thế, sạt lở, lũ quét, lũ ống vào mùa mưa luôn là những thảm họa thường trực. Những con đường ngược lên núi, càng dốc thì càng bền, bởi vì dốc thì ít đọng nước và đường giảm bớt lở lói. Mùa mưa, đi vào miền tây thì cứ chuẩn bị sẵn tinh thần để… quay ra quốc lộ, bởi vì những ta-luy cao vút hoàn toàn sẵn sàng đổ sạt tràn ra đường. Thế nhưng, ngoài mùa mưa kéo dài chừng 3-4 tháng thì Hoàng Su Phì, Xín Mần đều rơi vào tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng. Ở xã Bản Díu của Xín Mần, các thầy giáo, cô giáo phải mua nước sạch dưới vùng thấp rồi dùng xe máy chở lên để dùng. Tính ra mỗi người phải chi ít nhất 200.000 đồng tiền nước trong một tháng. Nhà có 4 người là mất đứt 800.000 đồng tiền nước.
Tùng nói với tôi, cậu đặc biệt quan tâm tới hiệu quả của dự án. Tức là, không chỉ đầu tư ban đầu, mà đòi hỏi dự án đó phải có hiệu quả lâu dài. Và muốn như vậy, họ chọn đầu tư vào các trường THCS vì ở đó có… giáo viên nam. Đường nước dài vài ki-lô-mét, mỗi khi hỏng hóc mà các cô giáo phải xắn quần đi sửa thì cực kỳ vất vả.
Chúng tôi ăn với các cô giáo một bữa cơm trưa ở trung tâm xã Nam Sơn, nơi dự án nước sạch đã đi vào hoạt động 3 năm nay. Tôi đã có nhiều năm đi miền núi và chuyến đi nào cũng có mặt ở các trường học, chuyến đi nào cũng có những lưu luyến, những bận tâm, những thương, những buồn, trĩu nặng. Tôi thực lòng muốn bằng cách nào đó, kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp đóng góp để có thể xây cho các em một nhà vệ sinh, khi mà có nguồn nước sạch từ dự án Tùng đang triển khai. Một khu vệ sinh sạch sẽ, nghe thì không có gì to tát, nhưng thực sự nó là điều mà tôi không có cách nào gạt ra khỏi đầu sau những chuyến lên miền tây.
Bút ký của THANH AM