Nghề quỳ vàng, bạc xuất hiện ở Kiêu Kỵ cách đây hơn 300 năm, dưới thời Hậu Lê. Người có công khai sinh ra nghề dát vàng, bạc quỳ Kiêu Kỵ là ông Nguyễn Quý Trị, một tiến sĩ dưới đời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786). Năm 1763, ông được vua cử đi sứ sang Trung Quốc. Ở đó, ông đã học được nghề làm vàng bạc để sơn thếp lên hoành phi, câu đối… Sau khi về nước, ông đã truyền nghề lại cho dân làng Kiêu Kỵ .

Sự ra đời của kỹ thuật dát vàng, bạc quỳ thủ công ở Kiêu Kỵ không chỉ thỏa mãn những đòi hỏi khắt khe trong việc trang hoàng, tô điểm cho các công trình tâm linh ở một trong những giai đoạn thịnh vượng nhất của nhà Lê mà còn giúp cho người dân làng Kiêu Kỵ có đời sống ấm no, thịnh vượng.

leftcenterrightdel
Búa đánh quỳ.

Nghệ nhân Lê Văn Vòng, một trong những người có tuổi nghề cao nhất làng Kiêu Kỵ cho biết, công việc luyện vàng quỳ truyền thống đòi hỏi sự cầu kỳ và kiên nhẫn cao. Để có được sản phẩm cuối cùng, người thợ phải thực hiện rất nhiều công đoạn, lần lượt là: Chế biến mực, pha giấy dó, lướt mực và đập giấy quỳ giống, pha giấy khấu làm lá quỳ vỡ, lướt mực và đập giấy quỳ vỡ, cán vàng, bạc và trại quỳ thu thành phẩm. Theo nghệ nhân Lê Văn Vòng, để chế biến mực, người ta đem nhựa thông nhào với mùn cưa, rồi viên to bằng ngón chân cái. Sau đó lấy cái chảo gang treo lên cao khoảng 15-20cm trong bếp lò để hứng bồ hóng, rồi lần lượt đốt các viên nhựa thông trộn mùn cưa cho khói đen bốc lên tập trung bám vào đáy chảo. Đốt hết 10kg nhựa thông mới được 1 lạng bồ hóng loại I hay còn gọi là mực cái (đọng ở vùng giữa đáy chảo) và một ít bồ hóng loại II hay còn gọi là mực con (đọng ở xung quanh đáy chảo). Sau đó lấy một bộ da trâu cho vào nồi to, đổ nước ngập da, nấu kỹ thành keo đặc quánh. Việc nấu da trâu cho đến khi thành keo phải kéo dài hàng chục giờ. Bước tiếp theo, người ta đem bồ hóng nhào với keo da trâu cho thật nhuyễn, rồi đem lọc kỹ để loại bỏ cặn hay những cục vón, rồi tiếp tục đun cho cô đặc. Sau đó, lấy keo mực ra giã thật kỹ, thời gian giã kéo dài 6-7 giờ mới xong một cối. Đó chính là quy trình làm mực. Mực này trông giống như mực Tàu dùng để bôi hay phết vào giấy dó làm lá giống để đánh quỳ; hoặc lướt vào lá quỳ vỡ để đánh vỡ làm quỳ ở cung đoạn sau.

leftcenterrightdel
Buộc quỳ vàng.

Cán vàng, bạc cũng phải qua các cung đoạn. Trước hết là pha chế vàng, bạc rồi cho vào nồi nấu trên bếp lò cho chảy ra, sau đó đổ ra rãnh nhỏ bằng nửa chiếc đũa, thành thỏi dài 10cm. Xưa kia, người ta thường làm quỳ vàng bằng vàng nguyên chất nên phải có công thức pha chế là 1 chỉ vàng + 1/10 chỉ bạc thành vàng trên 85% để đánh quỳ mới dẻo không bị vỡ vụn. Còn bạc nguyên chất thì không cần pha chế. Tiếp theo người ta đem thỏi vàng hay bạc để lên đe, rồi lấy búa đập cán dài ra, càng dài càng tốt. Theo kinh nghiệm của các cụ cao niên trong làng, 1 chỉ vàng (hay bạc) cán dài được 2m là vừa đẹp. Sau đó đem cắt sợi vàng (bạc) này ra thành từng đoạn nhỏ bằng chiếc móng tay (khoảng 1cm2) và gọi đó là những miếng diệp.

Đối với trại quỳ thu thành phẩm, trước tiên người ta phải tiến hành pha cắt giấy để trại quỳ bằng loại giấy bản mỏng và nhẵn cả hai mặt, theo kích thước tương ứng với giấy quỳ có quy vuông là 5x5cm. Theo nghề quy định, mỗi quỳ vàng hay quỳ bạc có 500 lá quỳ và được bó lại thành 10 buộc, mỗi buộc có 50 lá quỳ. Và cứ một chỉ vàng hay bạc đánh được 22 buộc.

leftcenterrightdel
Cắt dòng lá vàng, một trong những cung đoạn của khâu cán vàng, bạc.

Tất cả các khâu trong quy trình làm quỳ vàng hay bạc kể trên đều được tiến hành theo trình tự rất nghiêm ngặt, không được phép làm lẫn lộn khâu sau lên khâu trước và không được làm tắt hay bỏ đi một khâu nào. Chỉ có các khâu nấu keo da trâu, giã mực, cán vàng bạc và đánh quỳ là được làm ở chỗ mát thông thoáng. Các khâu còn lại đều phải làm trong nhà che kín gió. Nếu có gió, các lá giấy quỳ nhỏ và các lá quỳ vàng, bạc mỏng dính sẽ bay lung tung không thể làm được. Đặc biệt ở khâu cuối cùng thu hồi sản phẩm, người làm phải xoa phấn rôm vào tay cho khỏi dính quỳ, tránh làm hao hụt nguyên liệu và sản phẩm. Theo các cụ cao niên có nhiều thâm niên trong nghề quỳ vàng, bạc, làm giấy quỳ giống và giấy vỡ là khâu quan trọng nhất, có tính quyết định đến chất lượng của sản phẩm.

Các công trình văn hóa lịch sử lớn và lĩnh vực hội họa đều chịu ảnh hưởng bởi nghề dát vàng quỳ. Có nghĩa, nghề vàng Kiêu Kỵ phù hợp với việc sáng tạo các sản phẩm tạc tượng, khắc hoành phi, câu đối hoặc làm sơn mài. Do vậy các cơ sở sản xuất ở Kiêu Kỵ thường cung cấp sản phẩm cho các làng nghề như Sơn Đông, Vũ Lăng, Hạ Thái, Mai Động, Đồng Quang, Liên Ninh, Cát Đằng, Bảo Hà. Có thể nói sản phẩm quỳ vàng, quỳ bạc của làng Kiêu Kỵ đã góp phần làm đẹp cho đời. Đó chính là cái đẹp tiềm ẩn hay cái hồn trong mỗi pho tượng hay trong bức tranh do người thợ quỳ vàng, bạc tài khéo của làng nghề Kiêu Kỵ góp phần làm ra đã từng nổi tiếng hàng trăm năm nay.

Ông Rofl Jensen, một người bạn Mỹ đam mê với nghề truyền thống của Việt Nam khi được tận mắt chứng kiến làm quỳ vàng, thốt lên rằng: “Tôi đã từng xem các sản phẩm sơn son thếp vàng. Nhưng thật sự tôi không nghĩ lại mất nhiều công đoạn mới có được sản phẩm như vậy. Thật tuyệt vời! Hy vọng rằng các bạn sẽ duy trì được những làng nghề như thế này lâu dài!”.

Bài và ảnh: AN NHI