Đã nhiều lần dẫn các đoàn cựu chiến binh đến thăm quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở vùng quê lúa Lệ Thủy, cũng đã nhiều lần đứng ngắm ngôi nhà mộc mạc của ông ở gần bờ sông Kiến Giang, nhưng hôm nay tôi mới biết rõ thêm về lịch sử của ngôi nhà bình dị này. Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá, xã Lộc Thủy đã được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia và là điểm đến hấp dẫn trong các tour du lịch của khách đến thăm Quảng Bình.
    |
 |
Ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá, Lệ Thủy |
Lần nào cũng vậy, cứ bước qua cái cổng gỗ vào sân nhà Đại tướng, chúng tôi có cảm giác thư thái và ấm áp. Hầu như lúc nào cũng gặp ông già cao gầy và quắc thước, nụ cười thường trực, đầy thân thiện với bất cứ đoàn khách nào đến thăm. Đó là ông Võ Đại Hàm, cháu gọi Đại tướng bằng ông thúc bá, năm nay đã 74 tuổi, người vinh dự được Đại tướng nhờ trông coi ngôi nhà này từ năm 1978. 40 năm trải qua bao thăng trầm lịch sử, chống chọi với bao mùa bão lũ khắc nghiệt ở miền Trung, ông vẫn bảo quản chu đáo ngôi nhà và từng kỷ vật của gia đình. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu lịch sử ngôi nhà, ông rót ấm trà nóng mời khách rồi nhẩn nha kể:
Năm 1947, giặc Pháp càn vào làng An Xá, chúng bắt ông Võ Quang Nghiêm, người chí sĩ cách mạng, thân sinh của Đại tướng và nhiều người khác trong làng, rồi đốt cháy trụi ngôi nhà cổ kính hơn 100 tuổi của gia đình ông Nghiêm. Chúng tống giam ông ở Đồng Hới, tra tấn dã man nhưng không khai thác được gì, lại chuyển vào Huế và ông qua đời ở nhà lao Thừa Phủ, nhiều năm sau mới tìm được hài cốt…
Đại tướng đi hoạt động cách mạng, hai cuộc chiến tranh kéo dài, gia đình ly tán mỗi người một nơi, đất nước thống nhất ông vẫn chưa có dịp về thăm quê. Huyện ủy Lệ Thủy sau mấy lần xin phép và được sự đồng ý, năm 1977 ngôi nhà của Đại tướng mới được địa phương làm lại. Khuôn viên nhà cũ bỏ hoang đã lâu, láng giềng tranh thủ trồng khoai trồng đậu. Cây khế ngọt cổ thụ là “cột mốc” để các bậc cao niên xác định chính xác vị trí nền nhà. Chuyện phục dựng lại ngôi nhà tưởng chẳng khó khăn gì, bởi nhà cũ của ông cũng bình dị như bao ngôi nhà khác ở vùng quê lúa, đó là nếp nhà gỗ 3 gian, 2 chái, ngói vảy truyền thống vậy nhưng cũng phải qua “mấy keo” mới hợp ý mọi người.
Bằng tấm lòng tri ân sâu sắc với Đại tướng, để làm ngôi nhà đúng nguyên mẫu và đẹp, huyện ủy đã tìm và chọn tốp thợ mộc giỏi nhất vùng. Đó là các bác phó mộc ở làng Quảng Cư, do ông Đặng Đại Múng, được xem là nghệ nhân, làm tổ trưởng. Nay ông Múng đã mất, chúng tôi dò hỏi mãi mới tìm được ông Đỗ Trung Tuân, nguyên Trưởng ban chỉ đạo tu sửa, trùng tu nhà Đại tướng, nay ở thị trấn Kiến Giang. Ông tâm sự: Khi làm nhà phải theo lời kể của gia đình để làm bản vẽ mới trúng. Vừa xin ý kiến Đại tướng, vừa tham khảo ý của ông Võ Thuần Nho (em ruột của Đại tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ông Nho mô tả: Có gì đâu, nhà làm 3 gian 2 chái 5 lòng theo kiểu “thượng chua hạ gõ”, đừng bày vẽ cầu kỳ… Ông Võ Giáo Sư là người được huyện giao nhiệm vụ thiết kế, vẽ theo hướng dẫn của ông Võ Thuần Nho. Ông kể: “Vẽ xong, chọn được gỗ tốt, ngày đẹp, khởi công làm nhà. Tốp thợ mộc hì hục đục gõ cả ngày đêm, thanh niên kéo cưa phụ giúp, các mẹ, các chị bưng khoai lang, chè xanh đến động viên, nhiều đêm trăng sáng còn hát hò khoan đối đáp tận khuya. Ngày lợp ngói vui như ngày hội đua thuyền trên sông Kiến Giang, ai cũng muốn được trao một chiếc ngói lên mái nhà của Đại tướng. Từ xưa đến giờ chưa có ngôi nhà nào thi công vui vẻ như vậy, nếu bữa nay thì gọi là “Nhà đại đoàn kết” rồi hè”.
Nhà chính làm xong, tường xây, nền lát gạch, phía dưới mái nhà làm thêm một chái tranh để chống lên che mưa nắng, phía trái là nhà bếp, sân trước nhà lát gạch. Bên phải có cây vú sữa tỏa bóng mát, sau vườn có cây khế ngọt trăm tuổi, trước cửa là vườn hoa, hàng rào dâm bụt và cây xanh luôn được cắt tỉa. Trong nhà, gian chính giữa là ban thờ tổ tiên, phía trên là di ảnh hai cụ thân sinh của Đại tướng: Ông Võ Quang Nghiêm và bà Trần Thị Kiên. Phía dưới cạnh chân dung Đại tướng là di ảnh bà Nguyễn Thị Quang Thái, phu nhân đầu của Đại tướng. Trong nhà treo nhiều tranh ảnh của Đại tướng chụp chung với Bác Hồ và các đồng chí của mình khi còn hoạt động. Các loại nông cụ được sắp đặt gọn gàng ở khu nhà bếp.
Bận nhiều công việc nên năm 1983 Đại tướng mới về thăm quê, thăm nhà. Sau khi dạo quanh ngắm khuôn viên, nhà cửa, ông cảm ơn lãnh đạo huyện, xã và bà con đã quan tâm làm nhà, sửa vườn. Rồi ông nói: “Nhà tôi ngày xưa không to và tốt bằng ngôi nhà này vì chẳng giàu có chi, cửa ngõ cũng không bề thế rứa…”. Mấy năm sau, nhân dịp ra Hà Nội họp, huyện kết hợp xin ý kiến Đại tướng cho sửa lại ngôi nhà. Đại tướng ân cần bảo: “Làm được ngôi nhà như thế, là tấm lòng của bà con, dù không giống lắm nhưng mọi người đã xem đó là nhà của Đại tướng rồi. Huyện nhà đang nghèo, không nhất thiết phải làm lại cho tốn kém, nhiều nhà dân còn tạm bợ lắm…”.
Năm 1999, Đại tướng về thăm quê, huyện lại đề nghị và được ông đồng ý, liền triển khai sửa chữa, trùng tu. Tường xây bỏ đi, đóng lại bằng gỗ giản dị như ngôi nhà cũ. Năm 2004, tuổi đã cao nhưng nhớ nhà, ông lại cùng gia đình về quê bằng tàu hỏa. Sau khi lên nghĩa trang liệt sĩ huyện thắp hương cho cha và các anh hùng liệt sĩ như mấy lần trước, ông vòng quanh khu vườn, hái chùm khế ngọt cho con trẻ, rồi đứng ngắm thật lâu ngôi nhà đầy kỷ niệm. Đây là nơi ông đã cất tiếng chào đời hơn 90 năm trước và đó cũng là chuyến về quê lần cuối cùng của Vị tướng nhân dân.
Bài và ảnh: XUÂN VUI