"Ẩm thực nhà sàn"
Mường Lò nằm gọn trong thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Trời phú cho nơi đây một vẻ đẹp thiên nhiên thuần khiết, hoang sơ, với bầu không khí trong lành, mát mẻ quanh năm. Ở Mường Lò có tới 12 dân tộc anh em, nhưng người Thái là đông nhất. Bởi lẽ ấy, văn hóa của Mường Lò mang đậm chất văn hóa Thái. Và may mắn, cái văn hóa ấy, qua ngàn đời, vẫn đậm chất truyền thống, để hôm nay, nó trở thành thứ tài sản quý giá đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình người Thái.
Chị Lường Thị Chung ở bản Chao Hạ I, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, không nhớ chính xác lắm cái ngày một đoàn du khách nước ngoài đến xin được ở cùng gia đình chị, chỉ mang máng là cũng lâu lâu rồi. Còn bây giờ, nhà chị Chung đã trở thành một điểm đến có tiếng trong cộng đồng làm du lịch địa phương.
Số là, vốn là người nhanh nhạy, sau khi tiếp đoàn khách đầu tiên, nắm bắt nhu cầu của khách du lịch lên Tây Bắc là khám phá bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào vùng cao, chị Chung nảy ra ý tưởng tổ chức làm du lịch cộng đồng. Và hơn thế, chị còn nghĩ hẳn ra tên tour của riêng mình. Đó là tour du lịch cộng đồng “Ẩm thực nhà sàn”. Chị Chung tự tay lên “thực đơn” cho tour này với toàn những món ăn truyền thống của dân tộc Thái như: Pa pỉnh tộp (cá nướng), thịt trâu sấy, các món thịt nướng, rau dớn, rau ban, xôi ngũ sắc... Hơn thế, để hấp dẫn du khách, chị Chung thiết kế cho họ được tham gia vào đầy đủ quy trình thực hiện các món ăn. Vừa làm, chị vừa tự giới thiệu cho du khách văn hóa ẩm thực của người Thái. Chưa hết thích thú với việc chế biến các món ăn độc đáo, trong lúc thưởng thức, du khách lại được chị Chung ngồi kể những “truyền thuyết” văn hóa đầy triết lý nhân sinh ẩn chứa trong từng món ăn.
Người Thái ở Mường Lò giữ gìn và phát huy hiệu quả truyền thống văn hóa.
Với sự tận tâm của chị Lường Thị Chung, tour “Ẩm thực nhà sàn” rất thành công. Mỗi năm, gia đình chị đón hơn 400 lượt khách du lịch, cả trong và ngoài nước.
Ở thị xã Nghĩa Lộ giờ có chừng 15 gia đình làm du lịch cộng đồng chuyên nghiệp. Ngoài chị Lường Thị Chung, gia đình chị Hoàng Thị Phượng cũng khá nổi tiếng. Chị Phượng đã mạnh tay đầu tư cải tạo lại ngôi nhà sàn của mình theo cách... truyền thống. Chị không biến ngôi nhà thành những phòng nghỉ khép kín mà đơn giản chỉ là sửa lại sàn nhà rồi mua chăn đệm, trải ngay xuống sàn để khách nghỉ. Chị bảo, khách du lịch thích trải nghiệm kiểu đó cho gần gũi với đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân địa phương.
Dự án giảm nghèo bằng du lịch
Ngày qua ngày, du lịch cộng đồng ngày càng phát triển ở Mường Lò. Người Thái ở đây đã xây dựng dự án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới”. Để được tham gia dự án, các hộ gia đình phải đáp ứng những tiêu chuẩn khá khắt khe. Thứ nhất, phải giữ nguyên vẹn được bản sắc văn hóa trong đời sống sinh hoạt và kiến trúc của dân tộc Thái Nghĩa Lộ-Mường Lò, có kiến thức làm du lịch và mong muốn được làm du lịch. Thứ hai, về các điều kiện cụ thể, các hộ phải có nhà sàn với diện tích sử dụng từ 70-150m2, có khuôn viên thoáng, rộng, có vườn cây, ao cá... Chưa hết, muốn tham gia dự án, các hộ phải khôi phục phát triển ngành nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm, mây tre đan, chế tác nhạc cụ dân tộc...
Dù phải đầu tư lớn nhưng dự án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới” đã được đông đảo người Thái ở Mường Lò hưởng ứng. Gia đình chị Điêu Thị Thái ở bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi mạnh dạn đầu tư 30 triệu đồng tu sửa lại ngôi nhà sàn của gia đình theo đúng nguyên mẫu ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái. Gia đình chị Hoàng Kim Phượng ở bản Đêu 3, xã Nghĩa An đầu tư cho ngôi nhà sàn của mình đầy đủ tiện nghi như: Ti vi, tủ lạnh, internet. Chị Hà Thị Thanh ở bản Đêu 2 đã vận động một số chị em trong bản thành lập tổ chuyên dệt, thêu các sản phẩm thổ cẩm với mẫu mã, hoa văn đa dạng để bán cho khách du lịch như: Khăn piêu, khăn 7 màu, váy, áo...
Mường Lò hôm nay đã trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch vùng Tây Bắc. Đến Mường Lò, du khách được hòa mình vào đời sống của người Thái, được khám phá một nền ẩm thực mang nhiều triết lý nhân sinh, được thăm thú những thắng cảnh đẹp như truyền thuyết.... Và hơn cả là được hòa mình vào những điệu xòe, cùng nắm tay nhau nhảy múa nhịp nhàng, uyển chuyển theo tiếng cồng chiêng, tiếng khèn. Ít người thì vòng nhỏ, nhiều người thì vòng lớn. Tất cả cộng hưởng, thăng hoa, đem lại cho du khách những phút giây sảng khoái. Để khi ra về, điều còn đọng lại ở mỗi du khách khi đến với Mường Lò là hình ảnh những người phụ nữ Thái đảm đang, tự tin, sáng tạo trong cách làm du lịch cộng đồng, vừa làm giàu cho gia đình, quê hương, vừa gìn giữ những nét văn hóa truyền thống dân tộc Thái ở Mường Lò.
Bài và ảnh: HOÀNG NGỌC SƠN