Đại từ điển Tiếng Việt (Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, 1999, Nguyễn Như Ý chủ biên) quan niệm: “Gia phong là phong cách, lề thói trong một gia đình”. Còn Tiến sĩ Vũ Thy Huệ (Văn phòng Quốc hội) đưa ra quan niệm cụ thể hơn: “Gia phong là truyền thống tốt đẹp của các gia đình được các thế hệ đi trước phấn đấu xây đắp nên và truyền lại cho các thế hệ sau noi theo, kế thừa và phát triển. Trong đó, truyền thống đạo đức là yếu tố cốt lõi của gia phong, là nền tảng tinh thần của sự tồn tại bền vững của một gia đình”.

Từ xưa, ông cha ta đã rất quan tâm đến việc xây dựng văn hóa gia đình người Việt vững mạnh, với quan niệm “nhà-làng-nước” là ba tâm điểm hợp thành sức mạnh quốc gia, dân tộc. Vua Trần Nhân Tông đã nêu ra 10 điều thiện (Thập thiện) để răn dạy mọi người theo giáo lý nhà Phật: “Không sát sinh; không trộm cắp; không tà dâm; không nói dối; không nói lời ly gián; không nói lời ác; không nói lời tạp uế; không tham lam; không giận dữ; không tà kiến”. Những lời dạy này đã được gia đình hóa trở thành những bài học luân lý cực kỳ thiết thực và bổ ích cho nền nếp gia đình. Nho giáo khi nhập vào Việt Nam đã biết nắm lấy hạt nhân của xã hội là gia đình để thâm nhập. Vấn đề gia phong trong gia đình người Việt khi bắt gặp Nho giáo đã được nâng lên tầm cao mới về chất và có vai trò chủ lực cho việc thực hiện chức năng giáo dục của mọi gia đình trải qua nhiều thế kỷ. Từ nguyên lý của cái lý và cái tình tạo gốc trong Nho giáo, các mệnh đề tu thân và tề gia của Nho giáo đã được thể hiện vào thực tiễn đời sống gia đình một cách cụ thể và có tác động trực diện đến mọi hành vi đạo đức của các thành  viên.

Đến triều Nguyễn, thời kỳ phong kiến suy tàn nhưng theo Nhất Thanh trong sách “Đất lề quê thói” (NXB Phương Đông, 2005) thì đích thân vua Minh Mạng đã ra lệ rằng: “Gia đình nào được 5 đời ở cùng một nhà thì vua thưởng bạc 20 lạng, vải 20 tấm, đoạn một tấm. Trích ở số bạc nói trên ra 10 lạng để quan sở tại dựng một cái phường (nhà vuông nhỏ) chế một cái biển khắc bốn chữ “Dịch diệp diễn tường” (mấy đời liên tiếp hưởng sự tốt lành) treo ngang cao để nêu rõ sự khen thưởng”. Quy định và hình thức tôn vinh gia đình “ngũ đại đồng đường” này của Minh Mạng là những hình thức tôn vinh gia đình có gia phong, nâng cao ý nghĩa và giá trị của văn hóa gia đình.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng với việc Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì gia đình Việt Nam đang biến đổi mạnh mẽ. Gia đình cơ bản với hai thế hệ đang dần trở nên phổ biến. Ở vùng nông thôn, những gia đình truyền thống với 3-4 thế hệ chung sống ngày càng ít. Ở đô thị thì các cặp vợ chồng trẻ tách ra ở riêng đã trở thành xu hướng. Tuy nhiên, ngay cả khi gia đình biến đổi mạnh mẽ thì vấn đề gia phong vẫn là cốt lõi của văn hóa gia đình. Những gia đình đã có gia phong, cần kế thừa bằng việc thường xuyên ôn lại truyền thống, khuyên nhủ, động viên con em phấn đấu theo bước cha anh, tự hào về cha anh và xứng đáng với cha anh như một giá trị làm người. Những gia đình chưa có gia phong thì phải biết tạo dựng gia phong bằng sự phấn đấu của ông bà, cha mẹ trong cuộc sống hôm nay.

Mỗi cố gắng đem lại một thành quả tốt đẹp nào đó là một sự đóng góp nho nhỏ sẽ tạo nên một bề dày truyền thống, qua một hai thế hệ sẽ có một gia phong đáng tự hào. Gần đây, ngày càng có nhiều gia đình, dòng họ tổ chức họp họ, giỗ tổ, viết lại gia phả để tôn vinh tổ tiên, ôn lại truyền thống gia phong nhằm khuyến khích con em noi gương cha ông, thúc đẩy con em trong dòng họ phấn đấu học tập, lao động, công tác với động lực tinh thần cao quý là biết ơn và tự hào về cha ông mình. Truyền thống gia đình không chỉ có tác dụng như một động lực tinh thần thôi thúc người ta phấn đấu mà còn có tác dụng như một cơ chế tự bảo vệ, chống lại sự tha hóa.

Hiện có nhiều gia đình thế gia vọng tộc mới nổi, nhưng nhiều nhà chỉ lo làm giàu, không chú ý giáo dục gia phong đã dẫn đến bi kịch gia đình, thậm chí dẫn đến tan nát gia đình.

Những yếu tố tích cực của gia đình Việt Nam truyền thống cần được chú trọng trong xây dựng gia phong đó là: Sự tôn trọng cuộc sống gia đình, tinh thần hòa thuận, thương yêu, kính trên nhường dưới trong gia đình, tình cảm thủy chung vợ chồng, sự hiếu thảo của con cái đối với ông bà, cha mẹ, nền nếp gia phong trong việc chăm sóc và giáo dục con cái, ứng xử có tôn ti trật tự, ý thức trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Những tập tục, thói quen cũ không còn phù hợp với sự phát triển của gia đình mới, chẳng hạn như: Lấy đồng tiền làm lẽ sống, nếp sống gia trưởng, thói “vinh thân phì gia”, “một người làm quan cả họ được nhờ”, sự coi thường phụ nữ.. .

Điểm đáng chú ý nhất trong xây dựng gia phong cho gia đình Việt Nam là công tác truyền thông. Nếu như thế kỷ trước, người phương Tây gọi ti vi là “ma túy tinh thần” hủy diệt giá trị gia đình truyền thống thì đến nay, sự phát triển của mạng xã hội còn là thứ “ma túy tinh thần” hủy diệt giá trị gia đình với tốc độ khủng khiếp hơn nhiều. Mạng xã hội phơi bày tất cả những mặt xấu của đời sống riêng tư, khiến cho mỗi cá nhân vừa “nghiện” mạng xã hội, vừa thấy cô đơn gấp bội khi tham gia mạng xã hội. Trong khi đó, báo chí-truyền thông chạy theo thị hiếu tầm thường của khán giả, vô tình tiếp tay và trở thành kẻ thù của gia phong. Những tên phim kiểu như “Em là bà nội của anh”, những bài báo mùi mẫn viết về những mối tình lệch chuẩn, những vụ con cái bất hiếu... sẽ biến những giá trị chuẩn mực của gia phong trở nên lạc hậu, giáo điều trong tâm thức giới trẻ. Các nhà tâm lý học Hoa Kỳ đã đưa ra lời khuyên cho các cặp vợ chồng mới cưới là nên từ bỏ mạng xã hội để xây dựng hạnh phúc. Các nghiên cứu của họ chỉ ra rằng, khảo sát hơn 20% dân số sử dụng facebook thì tỷ lệ ly hôn trung bình cao hơn khoảng 2%. Khảo sát các cặp vợ chồng tuổi từ 18-39 thì những người không sử dụng mạng xã hội cảm thấy hạnh phúc trong hôn nhân hơn những người sử dụng là 11,4%. Giá trị của gia phong và văn hóa gia đình không thể có được nếu các cơ quan truyền thông đại chúng không ưu tiên thông tin và tuyên truyền.

TS NGUYỄN HỒNG KIÊN