QĐND - Mưa xuân bay lất phất, ta lại xuôi về trẩy hội Lim. Bất chợt, người tôi gặp đầu tiên lại không phải là người quan họ: Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, sau bao năm bôn ba chiến trường trở về với cuộc sống đời thường, hội Lim nào ông cũng về Kinh Bắc để được đắm mình vào những làn điệu quan họ ông yêu, rời xa những ồn ào nơi phố thị.

Hát quan họ trên thuyền rồng.

Người Lim với tôi thân thuộc lắm. Cũng bởi nỗi yêu thương dành cho quan họ. Thứ dân ca đằm thắm tình người, tình đời như men say thấm đẫm da diết trong từng thớ não mỗi lần Tết đến, Xuân về...

Đã mười năm trảy hội, mười năm nghe hát canh đôi khi tôi vẫn tự kiêu mà cho mình là người hiểu quan họ. Người ta có thể nói nhiều về “quan họ đoàn”, “quan họ karaoke”, “quan họ dịch vụ” mà phê phán. Người ta có thể bóc tách quan họ cổ với quan họ mới, về không gian diễn xướng bị đổi thay, về mục đích thương mại lệch lạc... Song khi người ta đã hiểu, đã yêu, người ta sẽ biết quan họ sinh ra từ lối sống và truyền thống văn hóa của người dân Kinh Bắc. Và quan họ sẽ vẫn là quan họ không thể khác được.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu hòa cùng nhịp người trẩy hội.

Người Lim, Nội Duệ và rộng hơn là cả vùng Kinh Bắc có lòng hiếu khách đến kỳ lạ. Đặc biệt là những dịp Tết. Có một năm tôi chiêm nghiệm điều đó bằng cách đi chơi hội Lim bằng xe buýt, không ghé vào nhà người quen nhờ giới thiệu như những năm trước đó. Tôi lang thang trên đường làng, ghé đại vào một nhà xem ra như đang chuẩn bị cho một hội hát canh. Lập tức, tôi được đón tiếp với tất cả sự nhiệt tình. Chủ nhà vồn vã mời tôi vào ăn bữa tối. Cỗ bàn đã dọn ra, có hương vị ngày Tết và cả đặc sản “mộc tồn” rất riêng của làng Lim trong những dịp Tết. Nhà có khoảng 10 mâm, mâm tôi có 6 người, hỏi ra mới biết toàn khách vãng lai. Chủ nhà đến từng mâm mời rượu, nói câu “tứ hải giao tình”, “tương phùng tương ngộ” rất tao nhã. Bữa đó tàn canh, tôi về nhà người quen là cựu chiến binh Nguyễn Năng Dụ, hỏi một câu mà như khoe với người quen rằng: “Sao người làng Lim hiếu khách thế?”.

Hằng năm, hàng nghìn du khách về Hội Lim.

Vì hiếu khách đâm ra lời ăn tiếng nói của người trong làng cũng rất tao nhã. Vì lời ăn tiếng nói tao nhã đâm ra lối sống họ lịch sự. Tao nhã mà giản dị mộc mạc. Lịch sự mà gần gũi, không khách sáo. Lời ăn tiếng nói của họ lấy ra từ câu ca quan họ hay câu ca quan họ được hình thành từ lời ăn tiếng nói của họ? Có lẽ cũng không phân biệt.

Tục hát canh có từ xa xưa lắm, như hương ước của mấy làng quanh vùng Nội Duệ, Tiên Du này. Hát canh là sinh hoạt văn hóa mừng ngày khao thọ của người già lên lão. Nhà giàu thì thết khách từ chiều. Nhà nghèo chỉ cần nấu một nồi cháo ngon phục vụ liền anh, liền chị sau canh tàn. Vậy là có một đêm văn nghệ vui vẻ. Mà thuở xưa, mỗi làng đôi khi có mấy bọn quan họ. Đông bọn vậy bởi người làng Lim hiếu học lắm. Những nhà không đủ tiền cho con học chữ (chữ Nôm, chữ Hán) gửi con mình đến nhà người hay chữ. Người hay chữ ấy thường dùng lời ca quan họ dạy chữ cho đám trẻ. Dịp Tết, đám thiếu nhi, đồng ấu đấy ngủ lại nhà thầy, đấy là ngủ bọn.

... để nghe những làn điệu quan họ làm say đắm lòng người.   Các liền chị mời trầu du khách. 

Bọn quan họ ăn ngủ học hành với nhau từ bé hình thành với nhau thành những quy ước lề lối mà đối đáp trong những dịp Tết nhất hội hè. Đâm ra có nhiều cách đối mà đến giờ vẫn còn được theo. Ví như liền chị hát: “Trên rừng ba mươi sáu thứ chim”, liền anh đối lại “Ăn ở trong rừng”; liền chị hát “La rằng”, liền anh hát “Trúc xinh”... chẳng cứ phải đối nhau chan chát “Ngồi tựa song đào” với “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Tuấn Khanh” với “Hạnh Nguyên”...

Mấy năm qua, nhiều người thích nghe câu quan họ cũng tìm về Lim. Nhiều canh quan họ “biến chất” cũng đã hình thành. Đặc trưng của những đám hát này là hát thiếu lề lối, khách thích nghe bài nào là chiều bài đó. Quan họ lề lối không được vậy. Đòi nghe câu giã bạn lúc đang hát mời nước mời trầu sẽ bị coi là khiếm nhã. Những người khách vô tình hay hữu ý hoặc ỷ có tiền mà coi liền anh, liền chị như những người phục vụ đều bị gọi là “kẻ phá canh”. Tôi đã từng chứng kiến gia chủ phải nói nặng lời với một ông khách phá canh như vậy. Nóng giận thực là điều tối kỵ với đêm vui.

Các liền chị mời trầu du khách. Ảnh: Lệ Ninh và Hải Lý

Để có một canh hát hay phải biết coi mọi người là bạn. Nếu mình không đủ vốn quan họ thì đừng tham gia. Nếu mình chưa hiểu lề lối thì đừng đòi hỏi. Và nếu có đặt tiền “thướng” cho liền anh, liền chị chớ bao giờ nghĩ mình đang bố thí ban ơn. Đó là cách chơi quan họ một cách có văn hóa. Tiếc thay khách chơi thì lắm, người thiếu hiểu biết cũng nhiều.

Những người chơi quan họ loáng thoáng, lõm bõm thì nên ra đồi Lim, ra những tụ điểm hát quan họ trong ngày hội. Nếu thích có thể yêu cầu liền chị liền anh hát những bài mình muốn và hãy tránh xa hội hát canh.

Có liền anh dốc lòng tâm sự: “Mấy năm gần đây khách về nhiều, họ thưởng thức quan họ theo cách của họ, tan hội rồi về nhà phán một câu xanh rờn: Quan họ méo mó, quan họ biến dạng, quan họ không còn như xưa... Phán vậy thử hỏi họ đã hiểu mấy phần về quan họ. Khách đến “xùy” ra đồng tiền theo cái cách người ban phát rồi về lại nói rằng quan họ moi tiền khách. Nói vậy thì chẳng những không tôn trọng người quan họ mà còn không tôn trọng bản thân mình”.

Đến hội Lim có rất nhiều trò, nào là đu tiên, nào là đập niêu, nhảy ngựa... nếu thích vui nhộn thì ra xem đám rước linh vị thành hoàng các làng Nội Duệ lên chùa Lim. Tôi gặp anh Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Tiên Du, thành viên Ban tổ chức Hội Lim, anh nói: “Khách đến Hội Lim có vẻ ít hơn năm trước. Nhưng do không gian hội rộng ra. Các hàng quán không được bày bán ở khu vực trung tâm hội. Số lán quan họ đã giảm xuống còn 4 thay vì 6 như những năm trước. Các thiết bị âm thanh cũng bị khống chế về âm lượng. Đâm ra nhìn thoáng thấy không đông, nhưng tôi đoán lượng người không ít hơn các năm trước”. Tôi thì lại nghĩ, hội Lim là hội quý, kén khách chơi, “quý hồ tinh bất quý hồ đa” chất lượng quan trọng hơn số lượng. Năm nay được nghe hát canh, được nghe quan họ lán, quan họ thuyền, quan họ cửa chùa, cửa đình... Với tôi, vậy là đủ!

Bài, ảnh: ĐÔNG HÀ - HẢI LÝ