Được UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận là di tích cấp tỉnh về kiến trúc nghệ thuật (tháng 8-2012), chùa Sro Lôn đã trở thành một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn của tỉnh. Vào mùa cao điểm, mỗi ngày, chùa có thể đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan.
Độc đáo với… chén kiểu
Chùa Sro Lôn được nhiều người biết đến trước hết bởi phong cách trang trí khác lạ, độc đáo, không nơi nào ở Đồng bằng sông Cửu Long có được. Đó là dùng bát, đĩa bằng sứ (người địa phương gọi chung là đồ kiểu, chén kiểu) để ốp lát lên tường tại các khu chánh điện, nhà hội (sala), trai đường, tăng xá hoặc sắp đặt, tạo hình hoa văn hết sức kỳ công trên các cột trụ, diềm mái…
|
|
Bát, đĩa sứ được dùng để ốp lát, trang trí tạo nên phong cách độc đáo của chùa Sro Lôn. |
Có dịp trò chuyện với ông Chim Chót, Trưởng ban quản trị chùa Sro Lôn, chúng tôi được biết thêm bao điều thú vị về ngôi chùa này. Để có được diện mạo như ngày hôm nay, chùa Sro Lôn đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, trong đó có sự đóng góp hết lòng của cộng đồng người Khmer và cả người Kinh, Hoa sinh sống tại địa phương; đặc biệt là vai trò quyết định của các vị hòa thượng trụ trì, tức lục cả.
Theo ông Chim Chót, chánh điện chùa Sro Lôn-nơi tập trung tinh hoa kiến trúc nghệ thuật trong quần thể các công trình của chùa-được khởi công xây dựng đầu năm 1969, do Hòa thượng Tăng Dúch, trụ trì chùa lúc bấy giờ phát động. Trước đó, vào tháng 9-1968, ngôi chánh điện bị hư hại nghiêm trọng vì pháo mặt đất và rốc két từ máy bay của ngụy quân Sài Gòn đóng tại sân bay Sóc Trăng. “Trong chùa có nhiều nhà sư âm thầm ủng hộ lực lượng cách mạng, ngụy quân Sài Gòn không tìm ra chứng cứ để bắt bớ nên pháo kích, rồi giải thích là… nhầm mục tiêu. Khi ấy có hơn 10 nhà sư trải chiếu nghỉ ngơi trong chánh điện, rất may là chỉ có một người bị thương nhẹ”, ông Chim Chót kể.
Công trình xây dựng chánh điện chùa Sro Lôn kéo dài đến 12 năm mới hoàn thành, do yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật và mỹ thuật; ở giai đoạn sau này, nguyên vật liệu xây dựng ngày càng khó tìm, nhất là gạch ốp lát. Để bảo đảm tính hài hòa và đồng bộ, lục cả và các nghệ nhân Khmer đòi hỏi phải có gạch men xuất xứ từ Nhật Bản với số lượng lớn như đã sử dụng trước đó, mà sản phẩm này sau năm 1975 tìm khắp miền Tây Nam Bộ cũng không có. Cái khó ló cái… hay, bát, đĩa sứ được thay vào, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn xã và các vùng lân cận đã gom góp những món đồ kiểu đẹp nhất trong gia đình dâng lên chùa. “Không ai thống kê được có bao nhiêu tấn đồ kiểu được sử dụng, chỉ biết đó là sự chung sức, chung lòng hết sức quý giá của người dân”, ông Chim Chót nói.
Dung hợp các sắc thái văn hóa, tín ngưỡng
Trong quần thể các công trình xây dựng của chùa Sro Lôn, cùng với sự nổi bật của lối kiến trúc đặc trưng, chủ đạo theo phong cách Phật giáo Nam tông Khmer, điều dễ nhận thấy là đan xen hài hòa còn có dấu ấn trang trí đậm nét văn hóa, tín ngưỡng của người Hoa, nổi bật như: Hình rồng, chim phượng, hoa lá, nghê đá cùng những hình ảnh được rút từ các chuyện, tích xưa… Lý giải về điều này, ông Chim Chót cho rằng vùng đất Đại Tâm vốn là nơi cộng cư, các dân tộc Kinh-Hoa-Khmer sinh sống đan xen từ lâu đời. Rất nhiều gia đình các dân tộc có quan hệ hôn nhân với nhau, nhiều thế hệ con lai ra đời, quá trình giao lưu, ảnh hưởng lẫn nhau về văn hóa, tập quán, tín ngưỡng là chuyện tất yếu. Ngay cả các vị trụ trì chùa, như Hòa thượng Tăng Dúch, Quách Mến đều mang dòng máu của hai dân tộc Hoa-Khmer.
Theo các tài liệu nghiên cứu, Đại Tâm trước đây có tên gọi là Xoài Cả Nả, nằm trên một giồng đất cao. Người Hoa sinh sống bằng nghề trồng hoa màu và buôn bán, người Khmer và người Kinh thì chủ yếu trồng lúa. Sống cộng cư, đan xen lâu đời, vì thế ở Đại Tâm nhiều người thông thạo cả 3 thứ tiếng. Về địa danh Xoài Cả Nả, theo cố học giả Vương Hồng Sển (một người con của đất Sóc Trăng), nguyên nhân là do xứ Đại Tâm trồng rất nhiều xoài, ai đến cũng có thể hái, đựng trong những chiếc nả (giống như giỏ xách) mang về. Như vậy từ xa xưa, con người nơi vùng đất này đã rất hào phóng, mến khách.
Là người con của vùng đất Đại Tâm, có bề dày thành tích về nghiên cứu, trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc văn hóa Khmer, nghệ nhân dân gian Trầm Bửu Đức chia sẻ: Ở Đồng bằng sông Cửu Long, chùa Sro Lôn là một trong số không nhiều ngôi chùa có sự dung hợp về văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn.
Hòa thượng Kim Hoàng Hưng, trụ trì chùa Sro Lôn, cho biết: Phần lớn các nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng của người Khmer đều được thực hiện tại chùa, vì thế nhà chùa luôn quan tâm hướng dẫn bà con thực hiện đúng theo phong tục, tập quán, bảo đảm duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tránh lãng phí, sa đà. Vào các dịp lễ, tết cổ truyền, bà con người Kinh và người Hoa đều có thể đến chùa thực hành văn hóa, tín ngưỡng như người Khmer.
Nơi tầm chữ, học nghề của thanh niên Khmer xuất gia
Theo giới thiệu của Hòa thượng Kim Hoàng Hưng, chúng tôi đến phía sau khuôn viên chùa, nơi nghỉ ngơi, học tập của các vị sư. Thấp thoáng bên khu nhà dành để lên lớp, học tập là những túp lều xinh xắn làm bằng cây lá nhưng chắc chắn, mỗi vị sư đều có một lều riêng.
Theo Hòa thượng Kim Hoàng Hưng, sở dĩ có những túp lều mọc lên như vậy là do tăng xá của nhà chùa còn chật hẹp, không đáp ứng đủ chỗ ở cho người đến tu hành, học tập. Các vị sư đến xin học tập đều từ các chùa Khmer khác trong tỉnh Sóc Trăng và một số tỉnh lân cận. Việc tổ chức dạy và học ở chùa Sro Lôn đã có hơn 20 năm. Hiện nay, nhà chùa dạy chữ Khmer đến cấp tiểu học; có 90 sư đang theo học nhưng tăng xá của chùa mới chỉ phục vụ được 70% về chỗ ở. Chùa có hơn 20 giáo viên, tất cả đều tự nguyện làm công tác dạy học chứ không có thù lao hoặc lương bổng gì.
Ông Chim Chót cho biết thêm: Phần lớn thanh niên Khmer xuất gia, vào chùa tu với lý tưởng báo hiếu, họ có thể ở chùa từ 2 đến 10 năm. Nhiều người trong số đó trước khi vào chùa có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện học chữ Khmer. Lớp học tại chùa Sro Lôn được mở ra với mục đích vừa dạy giáo lý, kinh Phật, vừa đào tạo chương trình tiếng Khmer cấp tiểu học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học xong chương trình này, các vị sư có thể học thêm ở cấp cao hơn tại Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ (thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng); ai xuất tu, rời chùa thì vào học tiếp ở các trường dân tộc nội trú, nếu có điều kiện.
Kim Quách Thi, một nhà sư đến từ chùa Xẻo Me (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng), bộc bạch: “Tôi đi tu từ năm 2015. Vì chùa Xẻo Me không có chương trình tiếng Khmer cấp tiểu học nên hòa thượng trụ trì giới thiệu tôi đến chùa Sro Lôn. Nơi đây đã đáp ứng khát khao học tập của tôi, nhất là học để biết chữ viết của dân tộc mình”. Diệp Xuyên, một nhà sư khác đến từ chùa Nước Mặn (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng), chia sẻ: “Tôi học ở chùa Sro Lôn được 3 năm rồi, giờ đã đọc thông, viết thạo chữ Khmer. Biết đọc thêm cái chữ, tôi càng trân trọng, yêu quý bản sắc văn hóa của dân tộc”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Chính Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Đại Tâm, cho biết: Xã Đại Tâm có 85% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao, gần 20%. Toàn xã có gần 800 người có trình độ đại học và cao đẳng, gần 30 người trên đại học (đứng vào tốp đầu các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng bằng sông Cửu Long). Kết quả nổi bật về phong trào khuyến học của xã có sự góp phần của chùa Sro Lôn.
Không chỉ là nơi đào tạo chương trình tiếng Khmer cấp tiểu học có uy tín, chùa Sro Lôn còn rất quan tâm đào tạo nghề cho các nhà sư, nhất là những nghề có liên quan đến chạm trổ, điêu khắc, xây dựng. Ông Triệu Minh Tiến, người trực tiếp dạy điêu khắc cho các nhà sư nói: “Các nhà sư chọn học nghề này ai cũng khéo tay, chăm chỉ và rất cầu tiến. Nhiều sản phẩm điêu khắc trưng bày tại chùa đều là kết quả sáng tạo của các nhà sư”.
“Từ năm 2008, nhà chùa đã mở cơ sở dạy nghề miễn phí cho tất cả người đi tu, học tập tại chùa cho đến lúc lành nghề, để khi xuất tu họ có thể làm việc nuôi sống bản thân và gia đình”, Hòa thượng Kim Hoàng Hưng cho biết. Còn ông Chim Chót thì khẳng định: Các thợ điêu khắc, xây dựng được tín nhiệm hiện nay ở xã Đại Tâm đều xuất thân từ “lò” đào tạo của chùa Sro Lôn!
|
|
Các nhà sư ở chùa Sro Lôn sau giờ lên lớp. |
Gần gũi và giản dị, luôn mở lòng chào đón chứ không hề bó hẹp trong cộng đồng mình, chùa Sro Lôn tiếp nhận tất cả các luồng gió mới lạ, có chọn lọc để làm phong phú thêm bản sắc. Đó là cảm nhận của chúng tôi sau những chuyến tham quan, tìm hiểu nhiều ngôi chùa Khmer nổi bật trong tỉnh Sóc Trăng và cả Đồng bằng sông Cửu Long.
Bài và ảnh: HỒNG BỈNH HIẾU