Thời đó, cái tăng, cái võng là ngôi nhà, cái giường di động của cán bộ, chiến sĩ ta. Mỏng manh, đơn sơ mà rất hiệu quả. Lúc dừng chân thì lấy tăng, võng ra làm nhà, làm giường ngủ, chỉ năm mười phút là làm xong nhà, xong giường, là ngủ nghỉ được ngay không sợ mưa gió. Tâm hồn lại có thể vu vi trên cánh võng lộng gió Trường Sơn mà nhớ về em yêu miền quê quan họ khi tiễn anh lên đường ra trận, hay mơ màng về cánh tay em lái đò thoăn thoắt chở bộ đội qua sông Tiền, sông Hậu đi diệt đồn thù dưới đêm trăng… Rồi khi chuẩn bị hành quân, cũng chỉ năm mười phút là dỡ xong nhà, xong giường cho vào ba lô mang đi thật gọn nhẹ. Bất kể là mùa mưa hay mùa khô đều thế cả.
Nhưng Quân Giải phóng không chỉ có nhà, có giường bằng tăng, võng mà còn quen thuộc với một loại nhà lợp bằng lá trung quân được cho là hiện đại nhất trong rừng lúc bấy giờ, nhất là ở khu vực Chiến khu Đ (Đông Nam Bộ). Những ngôi nhà lá trung quân nhỏ nhất thì dùng cho một, hai người ở; to có thể hàng chục, hàng trăm người ở vẫn thoải mái. Khu vực rừng gần Bến Súc, Thanh An (tỉnh Bình Dương) mà tôi đã từng đến làm việc từ năm 1967, căn cứ cách sông Sài Gòn không bao xa, máy bay địch thường xuyên rình rập bắn phá cả ngày lẫn đêm, thế mà những ngôi nhà lợp bằng lá trung quân rộng hàng trăm mét vuông vẫn hiên ngang tồn tại dưới những cánh rừng già bạt ngàn. Nhà lá trung quân không chỉ dùng để ở mà còn là nơi biểu diễn văn nghệ, chiếu phim cho hàng trăm người xem. Tôi đã từng được ở và sinh hoạt ở hầu hết các kiểu, các loại nhà lá trung quân này. Ngay khi mới vào đến Tây Ninh, tôi đã được vào ở trong các căn nhà lá trung quân, cái nọ cách cái kia dăm ba chục mét, dưới mỗi nhà đều có hầm ngủ, nắp hầm bằng cây đà to, trên đắp đất dày 40-50cm có thể chống được bom chụp nổ trên nóc hầm và pháo bắn đỡ bị sát thương. Trừ trường hợp bom đào và pháo khoan thì nguy hiểm hơn. Nhà lá trung quân còn có thể làm nhà kho lớn để chứa hàng trăm, hàng ngàn tấn lương thực và vũ khí quân trang, quân dụng rất tiện lợi. Tôi đã được đến xem một dãy kho lương thực thuộc một đơn vị có tên là kho Sanh ở gần khu vực cầu 48, thuộc tỉnh Phước Long, sát biên giới Campuchia. Hầu hết lán kho đều lợp bằng lá trung quân. Các lán xếp đầy những bao gạo, từ thấp lên cao theo nguyên tắc “dễ thấy, dễ lấy, dễ kiểm tra”. Trông vừa đồ sộ, ngăn nắp, khoa học, bảo đảm an toàn, vừa thông thoáng, tránh bị ẩm mốc. Có thể nói, nhà lá trung quân là cơ sở vật chất do Quân Giải phóng tạo ra, đã đóng góp rất to lớn cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước thắng lợi.
Vậy ai là người đã nghĩ ra làm loại nhà lá trung quân này? Tôi vốn là một giáo viên miền Bắc, vào Nam năm 1966 thì đã có sẵn nhà lá trung quân rồi nên không thể biết ai là tác giả. Theo tôi phỏng đoán, nhà lá trung quân có thể đã có từ thời chống Pháp, khi bộ đội đóng quân ở rừng; hoặc do những đồng chí đi mở đường Trường Sơn đầu tiên vào những năm 1959-1960, thời của các ông Hai Cà, ông Năm Đăng (Đại tá Huỳnh Văn Cà, Đại tá Lâm Quốc Đăng, nguyên cán bộ thuộc Bộ chỉ huy Các lực lượng vũ trang Quân Giải phóng miền Nam), ông Ba Cung (Thiếu tướng Phùng Đình Ấm)… Tôi đã được anh em miền Nam kể về kỳ tích của các ông trong những ngày gian khổ nhất lúc xây dựng lực lượng vũ trang giải phóng. Anh em đã truyền nhau một câu ca dao rất đặc biệt về ông Hai Cà, càng nghe càng khâm phục và thân thương, gần gũi: “Nước sông Mã Đà vừa trong, vừa mát/ Lính ông Hai Cà hết lác đến lang ben”. Vì sống trong điều kiện thiếu thốn, quần áo không đủ, có người chỉ có một bộ quần áo, khi giặt phải cởi trần, chỉ mặc có một cái quần đợi khô mới mặc đủ cả bộ. Chính vì thiếu thốn đó mà nhiều người bị mắc bệnh lác, lang ben. Hoặc ông Năm Đăng sống ở trong rừng nhưng luôn giáo dục cán bộ, chiến sĩ không được sống bừa bãi, phải biết trân trọng từng quả ớt nhỏ, không lấy theo kiểu phá hoại hay tận diệt: Bẻ cả cành, nhổ cả cây, để dành cho người khác đi sau có cái mà ăn. Có lần, một chiến sĩ cần vụ thấy một cây ớt sai quả liền bẻ luôn một cành mang đi, ông đã gọi lại và bắt chiến sĩ kia đem buộc cành ớt vào cây vừa bẻ và chỉ cho hái vài quả mang đi thôi. Đó cũng là một bài học thiết thực cho chiến sĩ rút kinh nghiệm... Ông Ba Cung cũng thế, ông đã từng làm Bí thư Khu ủy Khu 6, được nhân dân ở đây rất quý mến vì cách sống giản dị và biết thương dân. Tôi nghĩ có lẽ các ông đã học được cách làm nhà lá trung quân khi sống gần với dân và đã phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ cùng làm theo khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước còn nhiều gian khổ.
Có một câu chuyện truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có một vị tướng quân, khi giặc tràn đến, ông tạm cho binh lính của mình lui quân, biến căn nhà mình đang ở thành vườn không, nhà trống, địch đến đốt nhà nhưng nhà không cháy. Khi quân ta phản kích, địch bỏ chạy, nhà vẫn còn nguyên, chỉ sửa lại chút ít là ở được vì địch châm lửa đốt, hết lửa là lá lại lụi đi, không cháy lan ra được. Cũng từ đó loại lá này đã được đặt tên là “lá trung quân” vì nó trung thành với vị tướng quân, chủ nhà.
Ở trong rừng làm nhà lá trung quân rất tiện lợi. Đặc biệt, ở những khu rừng có nhiều loại lá này thì làm một cái nhà rộng chừng ba bốn chục mét vuông, cho bốn năm người ở, kể cả chặt cây, hái lá, chằm lá, dựng khung nhà chỉ bốn năm ngày là xong. Lá trung quân dài chừng 40-45cm, rộng 5-6cm, đầu lá hơi khum tròn, trông gần giống như đầu ngói ta lợp ở các đình, chùa xưa. Đi hái lá trung quân, chọn được những lá bánh tẻ là tốt nhất. Lá vừa dai, vừa bền. Lá hái về chằm thành tấm tranh dài hơn 2m, ép các tấm tranh qua một, hai đêm cho phẳng rồi lợp. Sau khoảng một hai tuần, lá trung quân khô chuyển màu nâu sáng, giống như ngói mới lợp vậy.
Giờ đây, đã hơn 50 năm trôi qua, về thành phố có nhà bê tông cao tầng, có đủ phương tiện quạt máy, điều hòa, ti vi, tủ lạnh, tôi vẫn không quên những căn nhà lá trung quân yên tĩnh, hiền hòa đã từng đồng hành với các chiến sĩ Quân Giải phóng cho tới ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
ĐÌNH THỊNH