Nhiều người biết đến danh trà Tân Cương thơm ngon với câu nói “Đệ nhất danh trà” nhưng ít ai biết rằng cụ tổ của nghề trồng chè tại vùng đất này chính là quan Nghè Sổ của làng Trâu Lỗ, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Tại xã Tân Cương xưa có ngôi đình thờ Nguyễn Đình Tuân (1867-1941). Nhân dân vùng trà đã tôn vinh cụ làm thành hoàng làng và thờ sống cụ ngay khi cụ còn đương chức là vị quan đầu tỉnh. Làng Trâu Lỗ có tên nôm là làng Sổ, vì vậy, cụ Nghè Nguyễn Đình Tuân được nhân dân trong vùng gọi là Nghè Sổ.
    |
 |
Bản sắc phong cho cụ Nguyễn Đình Tuân. |
Vùng chè rộng lớn
Vùng trà Tân Cương cách TP Thái Nguyên hơn 10km, đến đây du khách không khỏi ngỡ ngàng bởi ngợp một màu xanh mướt của những đồi chè uốn lượn bồng bềnh đang đơm lộc biếc. Ai đã từng được thưởng thức loại trà ấy đều khó quên hương vị đặc trưng mà trà nơi khác không có được. Đó là vị thơm tự nhiên của hương cốm, đậm đà bởi vị ngọt chát thanh tao mà chỉ có đất trời Tân Cương mới tạo nên được. Có lẽ vậy, từ rất lâu, Thái Nguyên đã được tôn vinh là vùng đất “đệ nhất danh trà”. Người dân trồng chè trong vùng không chỉ giỏi mùa vụ chăm bón mà còn khá sành về văn hóa uống trà. Với họ, trà đã trở nên rất đỗi quen thuộc, nét văn hóa bình dị. Đó không chỉ là cây “xóa đói, giảm nghèo” mà ngày nay còn là địa chỉ thu hút khách du lịch. Vào dịp Festival trà được tổ chức hai năm một lần, vùng trà Tân Cương-hồ Núi Cốc là điểm đến của đông đảo du khách.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên, ông Bùi Huy Toàn kể rằng: Vùng trà đặc sản Tân Cương gồm các xã: Tân Cương, Tân Thịnh, Thịnh Đán, Phúc Xuân, Phúc Trìu. Trong đó diện tích chè kinh doanh chiếm hơn 1.000ha. Hiện nay, 96% dân số ở các xã trên trồng và chế biến chè với tổng sản lượng bình quân đạt gần 1.000 tấn chè búp khô mỗi năm, đáp ứng nhu cầu trong nước và thị trường nước ngoài.
Thái Nguyên luôn được xem là vùng chè trọng điểm của cả nước với diện tích, sản lượng chỉ đứng sau tỉnh Lâm Đồng. Kể về lịch sử nghề trồng cây chè tại đây, ông Toàn nói thêm: Xưa kia vùng Tân Cương đồi núi mênh mang, hoang vu rậm rạp. Đây là vùng bán sơn địa, mà “sơn” nhiều “địa” ít, dân khai phá nương rẫy, gieo lúa trồng khoai vất vả quanh năm mà thu nhập chẳng là bao, cái đói nghèo cứ dai dẳng mãi. Khi nhà Nguyễn thành lập tỉnh Thái Nguyên vào năm 1831 thì nơi đây vẫn là vùng rừng núi hoang vu thuộc địa phận tổng Thịnh Đán, dân cư rất thưa thớt. Năm 1919 có một số “lính chào mào” (tay sai của Pháp) giải ngũ, phần lớn là người gốc Nam Định, Thái Bình, vì không có ruộng đất, lại không thể về quê sinh sống nên vào ở vùng Tân Cương khai khẩn đất đai kiếm kế sinh nhai, dựng lán làm nhà. Do không muốn phụ thuộc và cũng do khoảng cách khá xa với các xã lân cận nên dân Tân Cương xin “quan tuần phủ” cho lập xã riêng-một đơn vị hành chính mới. Được cụ Nghè Sổ Nguyễn Đình Tuân chuẩn y, cho thành lập xã mới và đặt tên là xã Tân Cương. Thành lập xã xong, cụ Nghè Sổ còn đích thân về tận Tân Cương tìm đất, chọn hướng và hưng công xây dựng cho dân một ngôi đình thờ thần bản thổ. Ngày khánh thành đình, cụ Nghè viết tặng nhân dân Tân Cương một bức hoành phi với ba chữ “Đại thắng lợi” và một đôi câu đối viết bằng chữ Nôm: Thái Nguyên giàu đẹp muôn muôn thuở/ Tân Cương cường thịnh vạn vạn niên.
    |
 |
Di ảnh cụ Nghè Sổ Nguyễn Đình Tuân. Ảnh tư liệu |
Thấy nhân dân đói kém, cụ Nghè Sổ bàn với dân đem giống chè về trồng để dân có thêm thu nhập. Theo chỉ dẫn của cụ Nghè, một số trai tráng và mấy người lính của ông Nghè đã phải lặn lội lên vùng Phú Thọ để xin giống chè về trồng. Sau nhiều chuyến đi như thế, cây chè Tân Cương cứ nhân rộng thêm. Hơn nữa, vùng trồng chè kẹp trong cánh cung khổng lồ Tam Đảo-Ngân Sơn, tạo nên một vùng tiểu khí hậu rất thích hợp cho cây chè phát triển, sinh trưởng tốt. Chẳng mấy chốc Tân Cương đã khoác lên mình màu xanh mướt của các nương chè bát ngát.
Lưu danh hậu thế
Dưới góc nhìn bảo tồn văn hóa, ông Bùi Huy Toàn cho rằng: Thái Nguyên cần quan tâm đến việc nghiên cứu để phục dựng lại ngôi đình Tân Cương xưa hoặc đặt con đường, tên trường học mang tên người có công khai khẩn lập nên làng nghề chè nổi tiếng như ngày nay. Ngôi đình Tân Cương xưa được nhân dân địa phương khởi công xây dựng vào ngày 10-2-1922 (năm Nhâm Tuất dưới triều vua Khải Định năm thứ 7). Sau một năm thì đình hoàn thành, ngoài thờ thổ thần, nhân dân ở Tân Cương đã thờ cụ Nghè ở đình làng từ khi cụ còn sống. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thái Nguyên là vùng An toàn khu, các cơ quan của Trung ương về ở làm việc, đình Tân Cương cũng nằm trong diện phải “tiêu thổ kháng chiến”. Theo nhiều nhân chứng tại địa phương, ngôi đình phải dỡ bỏ giai đoạn 1947-1954. Hiện tại, nền đình vẫn còn và một khung ảnh thờ cụ Nghè Sổ.
    |
 |
Ông Nguyễn Tái Chương (giữa)-con trai cụ Nghè Sổ tại Hội thảo về Danh nhân khoa bảng Nguyễn Đình Tuân do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức. Ảnh: KHÁNH ĐÔNG |
Tìm theo các tài liệu đều ghi: Nguyễn Đình Tuân có tên hiệu là Hữu Mai. Cụ Nghè từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh đĩnh ngộ, việc gì cũng để tâm xem xét, ghi nhớ, tỏ rõ trí lực và cốt cách hơn hẳn những đứa trẻ cùng trang lứa. Năm Đinh Dậu (1897) dưới triều vua Thành Thái, Nguyễn Đình Tuân tham gia kỳ thi Hương và đỗ cử nhân. Năm 1901, “thần đồng” làng Trâu Lỗ Nguyễn Đình Tuân vào kinh đô Huế thi và đỗ đầu tiến sĩ khoa Tân Sửu, trúng Đình nguyên. Với những người đỗ đạt cao, nhà vua “vời” vào thăm vườn thượng uyển, cho phép mỗi tân quan hái một bông hoa mình thích để triều đình đúc vàng tặng bông hoa tương ứng cho người đó. Nguyễn Đình Tuân chọn cho mình bông mai màu trắng nhỏ xíu nên ông còn có tên Hữu Mai và cũng là bút danh cho những tác phẩm văn học sau này. Sau đó, ông được bổ vào các chức quan: Tri huyện Việt Yên, Giáo thụ Yên Bái, Đốc học tỉnh Ninh Bình, Đốc học trường Quy Thức (Hà Nội), Đốc học tỉnh Hà Đông, quan Án sát tỉnh Bắc Ninh.
Trong cuộc đời làm quan, Nguyễn Đình Tuân nổi tiếng là thanh liêm, chính trực, lúc nào cụ cũng giữ nhân cách thanh cao của một nhà nho chân chính. Cụ Nghè mất năm 1941 tại quê nhà, sau đó con cháu và học trò xây lăng thờ cụ tại làng Trâu Lỗ. Hằng năm, vào ngày 20-6 âm lịch, dòng họ, nhân dân trong thôn tổ chức lễ giỗ để tưởng nhớ công trạng của cụ đối với quê hương, đất nước.
Được biết, con trai duy nhất của cụ Nghè là ông Nguyễn Tái Chương hiện đã gần 90 tuổi và đang sống ở Hà Nội. Ghi nhớ công lao cụ, tại TP Bắc Giang hiện có con đường mang tên Nguyễn Đình Tuân. Gia đình ông Nguyễn Tái Chương vẫn gìn giữ như mới nguyên tấm biển “Ân tứ vinh quy”, “Tân Sửu Đình nguyên” vua ban và hoành phi, câu đối của các vị quan đồng triều tặng cụ Nghè Sổ.
Tinh thần yêu nước, nhân cách thanh cao, đặc biệt là tinh thần hiếu học của ông Nghè Trâu Lỗ-Đình nguyên Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân đến hôm nay vẫn là những bài học còn nguyên giá trị.
ĐÔNG KHÁNH