QĐND - Từ nền tảng truyền thống, trải qua nhiều biến động của lịch sử, người phụ nữ Hà Nội vẫn giữ được nhiều nét duyên dáng, thanh lịch…

Vẻ đẹp hiện đại từ nền tảng truyền thống của phụ nữ Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Sinh

Từ truyền thống

Song hành với nghìn năm lịch sử của Hà Nội, tất nhiên, không thể thiếu phái đẹp. Thế nhưng, vẻ đẹp phụ nữ Hà Nội được lưu truyền cụ thể bằng hình ảnh thì phải đến đầu thế kỷ trước, người hiện đại mới được chiêm ngưỡng. Trong ấy, “danh bất hư truyền” là “tứ mỹ Hà thành”, gồm: Cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy. Bốn cô bốn vẻ và đều là vẻ đẹp của truyền thống bắt đầu ngấm chút hiện đại.

Tựu trung, sự nổi bật căn bản nhất của người phụ nữ đất Hà thành là “thanh lịch”. Chiết tự ngữ nghĩa, “thanh lịch” là một từ ghép lại bởi 2 từ “thanh” và “lịch”. Theo nghĩa đen “thanh” chỉ sự trong sáng, trong suốt đến tận cùng một cách tự nhiên, không chút vẩn đục, “lịch” là sự hiểu biết và tuân thủ các quy định, quy ước, phép tắc, phong tục tập quán của gia đình, cơ quan, tập thể, cộng đồng. Theo nghĩa bóng, “thanh lịch” còn có nghĩa là trong quá trình trải nghiệm hoàn thiện nếp sống, lối sống của mình tự phải thanh lọc, lọc bỏ những gì chưa tốt, chưa đúng, chưa đẹp.

“Tứ mỹ Hà thành”. Ảnh tư liệu

Thanh lịch là đức tính chung của người Hà Nội. Nhưng khi “đặt” vào người phụ nữ, thanh lịch càng “hợp” để nổi bật lên. Phụ nữ Hà thành xưa thanh lịch trước hết ở lời ăn tiếng nói. Với vốn từ giàu có, lại biết sử dụng đúng nơi, đúng chỗ, hợp cảnh, hợp tình, phụ nữ Hà Nội tạo nên một phong cách riêng không pha trộn: Vừa lưu loát, nhẹ nhàng, nhã nhặn, vừa tế nhị, lịch sự, nhún nhường khiến cho người nghe rất dễ mến, dễ cảm và dễ cuốn hút.

Bên cạnh đức “ngôn”, phụ nữ Hà Nội là một điển hình về đức “công”. Bàn tay khéo léo, tinh tế và tài hoa của phụ nữ Hà thành đã tạo nên những món ăn có dấu ấn riêng vừa ngon, vừa đẹp vừa hấp dẫn và thích thú ở sự đa dạng về màu sắc, phong phú về chủng loại, hương vị đậm đà. Chỉ trong một bữa cơm của mỗi gia đình cũng có thể thấy sự đảm đang, ý tứ trong mỗi hành vi ứng xử của người mẹ, người vợ.

Vừa chuẩn mực về cách hành xử, phụ nữ Hà Nội vừa nổi tiếng mặc đẹp. Trang phục của phụ nữ Hà Nội xưa thường là áo dài vạt, nếu có xẻ tà cũng được xẻ một cách khéo léo sao cho thướt tha nhưng cũng không để hở làn da bên trong.     Màu vải được chị em lựa chọn thường nhã nhặn, chất vải kín đáo mà không kém phần mềm mại. Còn nếu có mặc váy thì người con gái cũng ý nhị may chiếc váy dài đến gần gót chân. Dù không khoe da, khoe thịt, không sặc sỡ, màu mè nhưng ở người con gái Hà Nội ngày ấy luôn chứa đựng nét duyên thầm khó nói. Đó là nét đẹp dịu dàng, tao nhã và thanh lịch.

Đến hiện đại

Phụ nữ Hà Nội nay chao chát lắm rồi! Phụ nữ Hà thành nay chịu khó “phơi da, bày thịt” hơn rồi! Phụ nữ Hà Nội nay đã quen “cơm hàng, cháo chợ” mất rồi! Những người hoài cổ thường than như vậy. Đúng mà cũng có chút oan!

So với truyền thống, hình ảnh người phụ nữ Hà Nội là một sự khác biệt lớn. Sự khác biệt ấy ở cả lời ăn tiếng nói, ở cách hành xử, ở cách ăn mặc, cách yêu thương nhau… Và ít nhiều, sự khác biệt ấy hơi xa so với những chuẩn mực đẹp truyền thống. Thế nhưng, cũng nên minh oan vài điều!

Trước hết, là nguyên nhân khách quan. Nhịp sống của ngày hôm nay nhanh hơn, nhiều cung bậc hơn rất nhiều so với trăm năm trước. Nhịp sống ấy buộc người ta phải tư duy nhạy bén hơn, lời ăn tiếng nói cũng phải ngắn gọn, đi trực tiếp vào nội dung cơ bản của vấn đề. Sự nhanh ấy còn đến từ những phương tiện giao thông. Tốc độ “đi bộ” đương nhiên không thể sánh với xe gắn máy, ô tô, thậm chí là cả xe đạp. Nhiều yếu tố nhanh từ ngoại cảnh tác động khiến người phụ nữ Hà thành không thể không nhanh hơn trong mọi góc độ cuộc sống.

Nguyên nhân khách quan thứ hai đến từ sự hội nhập. Người phụ nữ Hà thành thời Pháp thuộc đã có sự khác biệt rất lớn với thời trước đó. Nay, thời hiện đại, sự hội nhập khiến các sắc thái văn hóa từ khắp nơi trên thế giới đổ vào Việt Nam, từ khắp các tỉnh, thành phố đổ về Thủ đô. Và Hà Nội, với vị trí là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước, tất yếu trở thành nơi tiếp nhận nhiều nhất những sắc thái văn hóa ấy. Vì thế, không có gì lạ khi hình ảnh người phụ nữ Hà Nội hôm nay biến đổi đáng kể so với hình ảnh truyền thống.

Ở góc độ chủ quan, cũng không phủ nhận là bản thân người phụ nữ Hà Nội hôm nay đang chủ động tiếp thu những cái mới, cái khác lạ và tự thay đổi hình ảnh bản thân.

Sự tiếp thu, thay đổi của phụ nữ Hà Nội, bên cạnh những nét đẹp, cũng không thể phủ nhận những điều chưa thực hoàn hảo. Thế nhưng, phẩm chất thanh lịch là một sản phẩm văn hóa đã được bồi lắng nghìn năm của Hà Nội nên không thể mất đi. Và thực tế, trong cuộc sống hiện đại, trong nếp sống của phụ nữ Hà Nội nói riêng, người Thủ đô nói chung vẫn thể hiện được nét đặc trưng ấy. Truyền thống thanh lịch của người Hà Nội vẫn tồn tại và tiếp tục được sàng lọc, hội tụ, tỏa sáng. Phụ nữ Hà Nội vẫn là một biểu trưng về cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

TRẦN LONG