Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn, bằng cả tình yêu da diết xứ Nghệ đã khéo léo gieo những nốt nhạc vào từng câu, từng từ trong bài thơ “Quê chung” của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ, để cho ra đời ca khúc cùng tên mang đậm nghĩa tình miền Trung yêu dấu. Tại lễ trao giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (tháng 5-2020), ca khúc “Quê chung” của nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn đã giành giải B lĩnh vực âm nhạc.

Chủ đề về Bác luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ. Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn chia sẻ, cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại cùng tư tưởng, đạo đức của Người là mạch nguồn cảm xúc trong mỗi tác phẩm của anh. Trong những ngày tháng Năm nhớ Bác, anh đã chọn những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ để viết nên giai điệu sâu lắng “Quê chung”. Những vần thơ mộc mạc, đằm thắm, trữ tình đã khắc họa mảnh đất “địa linh nhân kiệt”-nơi sinh ra một con người vĩ đại. Khi được phổ nhạc, những vần thơ ấy trở nên vui tươi, bay bổng, mượt mà, bừng sáng hình ảnh Bác qua từng câu hát: Tháng Năm về nhà Bác/ Lối vào ngát hương sen/ Bờ tre lao xao gió/ Lích rích chim chuyền cành. Những câu thơ được nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn phổ nhạc, đẩy giai điệu lên cao, những nốt nhạc trong sáng càng khiến người nghe yêu tha thiết hơn miền quê giản dị, bình yên.

leftcenterrightdel
Thượng tá, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn. Ảnh: ĐỨC LỘC

Quê mẹ và quê cha/ Thành quê chung đất nước/ Nên dáng hình Tổ quốc/ Từ làng Chùa, làng Sen... Những câu hát mang âm hưởng dân ca Nghệ An, giai điệu nhẹ nhàng, bay bổng, chất chứa tình cảm người nghệ sĩ dành cho quê hương xứ Nghệ.

Phổ nhạc cho thơ không dễ, bởi biến cái tiết tấu trong thơ đã quen thuộc thành một giai điệu có nhịp, có phách trong âm nhạc, đem đến sự mới lạ và dễ cảm thụ cho người nghe là một quá trình thử thách. Thế nhưng “Quê chung” đã vượt lên, lan tỏa và được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Nhiều ca sĩ đã lựa chọn ca khúc “Quê chung” để bày tỏ lòng biết ơn, tri ân tới Bác và thể hiện rất thành công ca khúc này. Chính vì giai điệu gần gũi, thân thương như viết nên nỗi niềm của những người con đất Việt, trở thành hình tượng của đất nước, mà ca khúc “Quê chung” đã chạm đến trái tim của mỗi người và vượt qua hàng trăm tác phẩm dự giải thưởng sáng tác văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Nhạc sĩ Phan Thành-tác giả của những làn điệu dân ca chuyên dùng và những ca khúc mới phát triển trên nền ví, giặm nhận định: “Tình cảm của thi sĩ hòa quyện với tình yêu của nhạc sĩ đã đẩy giai điệu của ca khúc vượt lên một quãng tám, khiến giai điệu ấy tựa như nhạc khí, chính điều đó đã diễn tả chân thật và sâu sắc cảm xúc không chỉ của nhạc sĩ mà còn là tình cảm của người dân Việt Nam dành cho Bác kính yêu”.

Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn viết rất nhiều ca khúc mang âm hưởng dân gian, ca ngợi vẻ đẹp trù phú của quê hương, đất nước, ca ngợi con người Việt Nam anh hùng, đặc biệt là những ca khúc viết về Bác Hồ kính yêu, tiêu biểu phải kể đến: “Đi theo tiếng gọi Bác Hồ”, “Vinh quang Việt Nam”, “Hoa đất nước”, “Thênh thang đường mới”, “Sao anh và sao em”... Không chỉ “giàu có” về số lượng ca khúc, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn còn sở hữu nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Quốc phòng và giải thưởng tại các kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật toàn quân, toàn quốc...

HOÀNG LOAN