Theo đó, Bộ Quốc phòng đã phê duyệt các Kế hoạch số 64/CKT-QLDN, 577/CKT-QLDN và chỉ đạo quyết liệt thực hiện Đề án Tái cấu trúc các doanh nghiệp quân đội giai đoạn 2016-2020 theo hướng tập trung xây dựng các doanh nghiệp phục vụ cho phát triển công nghiệp quốc phòng và một số ngành, nghề quân đội có thế mạnh; nghiên cứu bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, sáp nhập, giải thể các doanh nghiệp xây dựng, thương mại nhằm thu gọn đầu mối. Xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với Luật Doanh nghiệp, bảo đảm cho doanh nghiệp tự chủ trong sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đúng pháp luật và nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp quân đội đã đạt được một số kết quả bước đầu. Một số doanh nghiệp đã trở thành “cánh chim đầu đàn” trong một số lĩnh vực kinh tế trọng yếu của đất nước. Tiêu biểu như các doanh nghiệp: Viettel, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Trực thăng, Tổng công ty Đông Bắc, Công ty CP Phú Tài, Công ty CP Xây lắp Thành An 96, Ngân hàng TMCP Quân đội… Những doanh nghiệp này đã và đang góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh hợp tác, đầu tư ra nước ngoài, thúc đẩy đối ngoại kinh tế, đối ngoại quốc phòng.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, nhìn chung tiến độ tái cơ cấu còn chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một số cấp ủy, chỉ huy ở các đơn vị, doanh nghiệp chưa đầy đủ. Việc tổ chức, sắp xếp chưa tuân thủ các quy định của đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chưa mạnh dạn sáp nhập, giải thể các doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, mất an toàn về tài chính. Đặc biệt, việc quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 430-CT/QUTƯ của Thường vụ Quân ủy Trung ương ở một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị, doanh nghiệp chưa nghiêm, dẫn đến tham mưu chưa đúng, chưa trúng, thậm chí còn chần chừ việc cổ phần hóa, chậm thực hiện kế hoạch của Bộ Quốc phòng.
Theo Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng, để tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tái cấu trúc hiệu quả các doanh nghiệp nhà nước trong quân đội giai đoạn 2016-2020, cần phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức về cổ phần hóa đến đông đảo cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, xem đó là giải pháp cốt lõi để có chiến lược, bước đi phù hợp. Trong đó, cần xác định: Đổi mới, sắp xếp và phát triển doanh nghiệp quân đội phải được thực hiện đúng pháp luật; sắp xếp số lượng doanh nghiệp quân đội ở mức hợp lý, tạo sự kết hợp khoa học giữa tổ chức doanh nghiệp với tổ chức lực lượng để bảo đảm các doanh nghiệp sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi có tình huống xảy ra. Quá trình triển khai thực hiện tái cơ cấu, các doanh nghiệp quân đội cần chú trọng kết hợp sắp xếp, cơ cấu lại với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị doanh nghiệp, chủ động triển khai thực hiện sản xuất, kinh doanh hiệu quả, gắn với xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững. Cùng với đó, cần tích cực nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp quân đội. Để tăng tính chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế về tổ chức, kinh nghiệm, trang thiết bị..., các doanh nghiệp quân đội cần tích cực đổi mới, tăng cường trang thiết bị và công nghệ phù hợp với trình độ tiên tiến, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tạo ra năng suất lao động ngày càng tăng, chất lượng sản phẩm cao, giá thành hạ, nhằm tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố quyết định để tăng năng suất lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
“Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong quân đội vừa qua đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khá tốt so với các doanh nghiệp nhà nước khác và so với mức trung bình của nền kinh tế. Tỷ lệ vốn đầu tư ra ngoài ngành có xu hướng giảm. Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng cần đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong quân đội, nhất là với các doanh nghiệp không cần nắm 100% vốn” - TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính, Học viện Ngân hàng. |
THANH VÂN