Trở về nước tháng 8-2016, Ngô Hồng Quang cùng nghệ sĩ múa Vũ Ngọc Khải tổ chức liveshow “Nón”, trong đó Quang đàn, hát; Khải múa. Một show diễn làm nức lòng người xem tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khi chứng kiến Quang chơi tới 7 nhạc cụ khác nhau và coi giọng hát là nhạc cụ thứ 8. Với những ai đã từng nghe Quang chơi nhạc dân gian, hát dân gian trước đó đều hết sức bất ngờ vì giọng hát của anh đã vươn tới một chiều kích mới, với những biến hóa khôn lường. Nhạc sĩ Dương Thụ sau khi xem đêm diễn đã mời bằng được hai nghệ sĩ về salon văn hóa của mình để giao lưu với khán giả. Hôm đó, vị nhạc sĩ già đã tự ví mình và khán giả như “vua chúa ngày xưa”, vì có phải ai cũng vời được những nghệ sĩ đẳng cấp thế này đến biểu diễn cho xem đâu!
Nghệ sĩ Nguyên Lê và Ngô Hồng Quang (áo trắng) trong dự án “Hanoi Duo”. Ảnh: Pavel Phạm
Từ một nghệ sĩ của Khoa Nhạc cụ truyền thống của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Quang đã tìm đường sang Hà Lan tu nghiệp. Khi vào được Khoa Sáng tác nhạc đương đại tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan, Quang biết mình đã chọn đúng hướng. Cũng từ đây anh đã khai thác triệt để các khả năng chơi nhạc cụ, hát, sáng tác. Đến giờ này Quang đã tự tin để nói: “Tôi chơi nhạc của tôi”. Nền tảng của Quang là âm nhạc dân gian Việt Nam, kết hợp với kỹ thuật sáng tác, biểu diễn của âm nhạc phương Tây, nên sản phẩm âm nhạc của anh đầy sức sống. Hướng đi mới giúp Quang bước ra khỏi giới hạn nhàm chán của các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc dân gian Việt Nam, đưa giấc mơ của anh vượt ra khỏi biên giới Việt Nam.
Hiện Quang đang sinh sống và làm việc tại Hà Lan, say sưa khai thác âm nhạc dân gian Việt Nam. Thậm chí anh còn “bắt” dàn nhạc giao hưởng Hà Lan nói tiếng Mông, hát tiếng Mông của Việt Nam, và họ thấy khá thú vị khi bắt đầu tác phẩm “Ông trời” theo cách như thế. Cái sự “lạ” của Quang còn thu hút nhiều tài năng của Hàn Quốc, Hà Lan, Đức… muốn cộng tác với anh. Gần những ngày cuối năm, Quang hợp tác với nghệ sĩ người Pháp gốc Việt - Nguyên Lê làm dự án “Hanoi Duo” gồm CD được hãng đĩa ACT của Đức phát hành ở toàn châu Âu năm 2017, cùng đó là kế hoạch trình diễn những tác phẩm trong dự án tại nhiều nước trên thế giới. Ở “Hanoi Duo” là một “Chiếc khăn Piêu” lôi cuốn trong âm hưởng nhạc dân gian Ấn Độ; là những làn điệu giao duyên của đồng bào Mông hòa quyện trong âm thanh nhạc điện tử… như một sự thể nghiệm và chia sẻ vẻ đẹp của âm nhạc Việt Nam ra thế giới, cho thế giới nghe những gì thuộc về nguồn cội và cả tương lai của âm nhạc Việt Nam. Và chọn cái tên “Hanoi Duo” cũng bởi Hà Nội là không gian lý tưởng cho các loại hình âm nhạc, cho người nghệ sĩ thăng hoa. Hai người nghệ sĩ đến từ nơi khác, nhưng Hà Nội là nơi Ngô Hồng Quang trưởng thành và là quê nội của Nguyên Lê.
Ngô Hồng Quang giờ là một nghệ sĩ độc lập. Anh dường như bay riêng một góc trời. Nhưng Quang nói, không hẳn Quang muốn một mình, mà tại con đường của anh ít người đi. Anh vẫn khát khao âm nhạc của mình được đón nhận tại Việt Nam. Trong khi tìm chưa được những cộng sự chung lý tưởng, Quang vẫn miệt mài bay tới các chân trời khác, mày mò học hỏi, tự thách thức những giới hạn của chính mình. Và anh tự tin đủ khả năng làm điều đó.
NGỌC DIỆP