Gác lại tình yêu đôi lứa
Trời biên giới nơi mưa rét căm căm, nơi nắng gió thiêu đốt. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt, các đơn vị BĐBP đã huy động hàng trăm tổ, đội với hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm tuần tra, chốt chặn đường mòn, lối mở, quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, không để dịch bệnh lây lan qua đường biên giới và vận động, hướng dẫn nhân dân phòng, chống dịch. Đã có hàng trăm cán bộ, học viên, chiến sĩ các nhà trường, đơn vị tuyến biển được điều động tăng cường cho các đơn vị trọng điểm trên tuyến biên giới đất liền.
Trong hàng ngũ ấy, nhiều người đang tuổi đôi mươi, lòng háo hức đợi mong lễ thành hôn, ngày hạnh phúc của cuộc đời. Thế nhưng khi Tổ quốc cần, dù được cấp trên tạo điều kiện nghỉ phép, họ vẫn tình nguyện gác tình cảm lứa đôi, ở lại cùng đồng đội phòng, chống dịch…
Ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ có Trung úy QNCN Lương Sỹ Nhạc, quê ở xã Châu Kim (Quế Phong, Nghệ An), nhân viên kiểm tra giám sát, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Phú Quý, BĐBP tỉnh Bình Thuận là một trong những người như thế. Trung úy QNCN Lương Sỹ Nhạc và vợ tương lai là Nguyễn Thị Mai Thảo đã dự kiến tổ chức lễ thành hôn vào tháng 3. Chị Thảo là điều dưỡng tại Trung tâm Y tế quân dân y huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Sau hơn một năm tìm hiểu, hai người quyết định kết hôn. Gia đình hai bên đã gặp gỡ và thống nhất lễ thành hôn là sẽ tổ chức vào ngày 15-3-2020. Trước đó, anh Nhạc đã xin phép chỉ huy đơn vị cho nghỉ ngày cuối tuần để đi chụp ảnh cưới, sau đó trở về đơn vị.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát và diễn biến ngày càng phức tạp. Trung úy QNCN Lương Sỹ Nhạc quyết định hoãn cưới. Anh kể: “Tôi đã gọi điện và động viên Thảo rằng: Nhiệm vụ lần này rất quan trọng, hơn nữa, đang dịch bệnh phức tạp, không được tập trung đông người. Chúng ta sẽ cưới nhau khi anh hoàn thành nhiệm vụ, ngày dịch bệnh được khống chế, đó là ngày đẹp nhất”.
Ảnh cưới đã chụp, thiệp mời khách đôi bên đã chuẩn bị xong... Nhưng, cũng là một người làm công tác y tế, chị Thảo hiểu rõ mức độ quan trọng của việc phòng, chống dịch lần này. Chị thêm phần thấu hiểu, động viên anh hăng hái hoàn thành tốt nhiệm vụ, hướng dẫn anh cách bảo vệ sức khỏe. Hai người đã bàn bạc và xin phép hai bên gia đình hoãn lễ thành hôn.
Với Trung úy Nguyễn Tiến Đua, Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Phú Gia (BĐBP tỉnh Hà Tĩnh), nhiệm vụ lần này có phần “nhẹ nhàng” hơn công việc thường nhật của anh. Anh cho biết, mọi công tác chuẩn bị cho lễ thành hôn của mình vào ngày 12-4-2020 đã hoàn tất nhưng cũng đã gác lại. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung úy Nguyễn Tiến Đua đã gần hai tháng chưa về thăm gia đình do làm nhiệm vụ ở chốt phòng, chống dịch Covid-19 tại thôn Phú Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê. Sau khi nhận được chỉ đạo, hướng dẫn của trên, đơn vị anh đã khẩn trương tiến hành lập chốt phòng, chống dịch tại đường mòn mà những người dân có thể đi lại qua biên giới. Đồn đã chuẩn bị nơi cách ly tạm thời, chuẩn bị nhu yếu phẩm và trang thiết bị y tế để sẵn sàng xử lý kịp thời khi có người dân bên kia biên giới về. “Cán bộ, chiến sĩ trực tại chốt chấp nhận không có sóng điện thoại và không có điện. Anh em ở chốt mượn lưới thả cá dọc suối để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Đêm tối, ở chốt mưa to và lạnh, chúng tôi phải nhóm bếp lửa để sưởi ấm”, anh Tiến Đua kể.
Mình là Bộ đội Cụ Hồ
    |
 |
Trung úy QNCN Phạm Quang Tiến đang hướng dẫn người dân phòng, chống dịch Covid-19 tại Trạm Biên phòng Cửa khẩu Khánh Bình. |
Ở Trạm Biên phòng Cửa khẩu Khánh Bình (An Giang), Trung úy QNCN Phạm Quang Tiến, nhân viên kiểm tra giám sát Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình đang cùng đồng đội tuyên truyền cho nhân dân biết về tác hại của dịch bệnh. Thời gian qua, người dân nhập cảnh về nước qua Trạm Biên phòng Cửa khẩu Khánh Bình khá đông, có ngày hơn 500 người, trong đó đồng bào theo đạo Hồi chiếm 50%.
Trung úy QNCN Phạm Quang Tiến mới kết hôn năm 2019. Nhà bố mẹ anh ở ngoài Bắc, nhà vợ cách đơn vị anh 100km. Biết tin vợ mang thai từ ngày 10-2, vì con đầu nên cả nhà rất vui. Nhưng vào lúc thực hiện cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 trên biên giới, anh bàng hoàng nghe tin vợ ở nhà bị sảy thai, phải mổ cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Nhật Tân, TP Châu Đốc. Cũng may ở nhà, vợ anh được gia đình bố mẹ vợ chăm sóc. Anh tâm sự: “Anh em cán bộ trong đơn vị ăn gió nằm sương, mọi người ai cũng vất vả. Bản thân tôi nhận thấy mình là Bộ đội Cụ Hồ, phải đặt nhân dân, đất nước lên hàng đầu, hẹn vợ chống dịch xong sẽ trở về. Được sự quan tâm, động viên của cấp ủy, chỉ huy đơn vị và sự động viên, chia sẻ của đồng chí, đồng đội, tôi đã xác định tốt tinh thần trách nhiệm, gạt nỗi đau mất con và thương vợ đang nằm trên giường bệnh, vững chí, bền gan cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ chống dịch nơi tuyến đầu”.
Đó cũng là suy nghĩ của Đại úy QNCN Trần Viết Nam, nhân viên quân y Đồn Biên phòng Mường Lạn (BĐBP tỉnh Sơn La). Anh Nam cùng ba người đồng đội và một nhân viên y tế chốt ở trạm chốt Pu Hao, đoạn mốc 194 đã hơn một tháng. Khu vực này có 2 trạm, 4 chốt trên đường biên, đường mòn, lối mở với Lào. Anh nhớ lại: “Ngày 25-3 vừa qua, khoảng 6 giờ tối, tôi nghe tin em gái mất. Em gái tôi sinh sống ở TP Hồ Chí Minh. Trước đó, tôi cũng đã biết tin em ốm nhưng không ngờ tình hình biến chuyển nhanh như vậy”...
Tình ruột thịt thôi thúc anh Nam trở về. Nhưng anh lại nghĩ, nếu về, chưa tính thời gian di chuyển thì cũng phải mất thêm ít nhất nửa tháng cách ly khi quay lại. Lực lượng quân y của đơn vị lại mỏng, chỉ có hai người nhưng phải đảm nhận nhiều đồn, trạm. Thiếu một người là trống một chỗ, đồng đội lại thêm phần vất vả, rất ảnh hưởng đến công tác chống dịch. Vì thế, anh báo cáo chỉ huy đơn vị sự việc, đồng thời ở lại cùng đồng đội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Từ khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 đến ngày 3-4-2020, toàn lực lượng BĐBP có 27 đồng chí hoãn kết hôn, 20 đồng chí vợ sinh con nhưng vẫn bám trụ làm nhiệm vụ, chưa kể nhiều cán bộ, chiến sĩ chủ động gác lại những việc quan trọng của gia đình, bản thân...
|
HOÀNG VIỆT