Độc đáo thổ cẩm Chăm
Nhà trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng của đồng bào dân tộc Chăm. Đây cũng là nơi người dân làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp đem sản phẩm của mình ra trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm. Tại đây, du khách có thể tìm hiểu về nghề dệt vải truyền thống làng nghề Mỹ Nghiệp, một trong những làng nghề cổ nhất ở Đông Nam Á.
    |
 |
Nghệ nhân làng Mỹ Nghiệp dệt thổ cẩm. |
Xưa kia, Mỹ Nghiệp trong tiếng Chăm gọi là “làng Ca Klaing”, sang thế kỷ 20 thì được đổi thành làng Mỹ Nghiệp. Ngày nay, những người lớn tuổi trong làng vẫn kể lại cho con cháu nghe về bà mẹ xứ sở trong văn hóa tâm linh của người Chăm thấy vùng đất này thích hợp với nghề dệt, nên đã truyền lại nghề cho ông Xa và bà Chaleng là vợ chồng đang sinh sống ở làng Chaleng xưa (tức làng Mỹ Nghiệp bây giờ). Ở Mỹ Nghiệp, dệt thổ cẩm hoàn toàn do phụ nữ đảm nhiệm, các thiếu nữ Chăm được làm quen với khung cửi, với chỉ dệt ngay từ nhỏ, khi độ tuổi mười tám đôi mươi thì việc dệt thổ cẩm đã trở thành kỹ năng thuần thục. Người thợ thường sử dụng hai loại khung dệt. Khung dệt ngang tạo ra những tấm thổ cẩm có kích thước lớn, còn khung dệt đứng sẽ cho ra những tấm có kích thước nhỏ hơn.
Để hoàn thiện một sản phẩm, người thợ dệt Chăm phải chuẩn bị từng công đoạn tỉ mỉ, phức tạp, từ tách hạt lấy bông, cuộn, ngâm dập, nhuộm, hồ, chải, đánh ống và đều phải tuân thủ theo quy trình và không được bỏ qua một công đoạn nào. Khâu nhuộm màu cho thổ cẩm hoàn toàn tự nhiên, đây cũng được coi là cầu kỳ nhất. Ví như để có mảnh vải màu đen, phải nhuộm tấm thổ cẩm bằng lá chum bầu, sau đó đem ngâm trong bùn non 7 ngày đêm liên tục. Để thổ cẩm có màu xanh thì phải chọn lá và vỏ cây chàm, còn màu đỏ thì cần sử dụng mủ cây cánh kiến.
Từ những sợi chỉ nhỏ mỏng manh, qua bàn tay khéo léo của người thợ dần biến thành những tấm thổ cẩm có hồn với màu sắc rực rỡ, hoa văn đặc trưng trong văn hóa Chăm như các vị thần, linh vật, hoa văn hình học. Theo ông Hàm Minh Thiệu, Chủ nhiệm Hợp tác xã thổ cẩm làng Mỹ Nghiệp, điểm độc đáo của thổ cẩm Chăm là dù có nhiều sản phẩm nhìn thoáng qua có vẻ giống nhau nhưng bằng sự ngẫu hứng, mỗi sản phẩm do một thợ làm ra cũng có sự khác biệt, có những nét riêng, không hề trùng lặp về hoa văn, kiểu cách.
Dòng chảy văn hóa bền bỉ
Cũng như hầu hết các gia đình khác, bà Quảng Thị Cúc ở làng Mỹ Nghiệp hiện vẫn giữ được nghề dệt từ nhiều đời trước để lại. Khi vừa tới đầu ngõ, chúng tôi đã bắt gặp những tiếng kẽo kẹt của khung cửi, tiếng nói cười rôm rả trong căn nhà nhỏ. Gia đình bà Cúc hiện có hai khung cửi, vừa để dệt vải may trang phục cho các thành viên trong gia đình, vừa kết hợp bán cho khách du lịch. Bà Cúc nhớ lại: “Lúc 12-13 tuổi, tôi đã được học dệt thổ cẩm truyền thống từ mẹ và các chị của mình. Mới đầu chỉ là những công đoạn phụ giúp đơn giản, phải khi đến gần 20 tuổi thì tôi mới thành thạo công việc dệt thổ cẩm”. Cách đó không xa, bà Hán Thị Hai, 65 tuổi, đang hướng dẫn cho các cháu gái cách đẩy và bắt con thoi luồn sợi chỉ cho đúng cách. Bà Hai cho biết, thiếu nữ Chăm thì phải biết dệt thổ cẩm, thế hệ trước truyền dạy lại cho thế hệ sau, điều đó đã tồn tại bao đời nay trong mỗi gia đình người Chăm, như dòng sông Cái không bao giờ khô cạn”.
Ông Hàm Minh Thiệu cho biết thêm, tiếp nối nghề dệt truyền thống có từ hàng trăm năm trước, làng Mỹ Nghiệp hiện có 643 hộ dân nhưng có tới 600 hộ tham gia thường xuyên dệt thổ cẩm. Riêng hợp tác xã dệt Mỹ Nghiệp có 80 xã viên tham gia với mức thu nhập chính từ dệt ổn định từ nhiều năm nay. Ngày nay, sản phẩm dệt thổ cẩm của làng nghề Mỹ Nghiệp được khách trong nước và quốc tế ưa chuộng do việc kết hợp giữa các dòng sản phẩm mang tính truyền thống như khăn, quần áo, tấm thảm với những mặt hàng lưu niệm phong phú về mẫu mã: Túi xách, ví, áo di lê, ba lô... Một điều rất đáng quý là hiện nay, dù tại địa phương xuất hiện nhiều công việc nhẹ nhàng, mang lại thu nhập cao hơn nhưng người dân vẫn duy trì được nghề truyền thống và coi đó như một di sản cha ông để lại, không thể rời bỏ.
Không chỉ đơn thuần là kế sinh nhai, nghề dệt thổ cẩm tại làng Mỹ Nghiệp đã trở thành “bảo tàng” văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Chăm, là điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Ninh Thuận.
Bài và ảnh: QUANG VINH