QĐND - Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR), khi tham gia vào TPP, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam được dự đoán sẽ tăng khoảng 13 tỷ USD, mức tăng gần bằng Nhật Bản, gấp đôi mức tăng FDI vào Ô-xtrây-li-a (Australia) hay Ma-lai-xi-a (Malaysia). Đây được coi là động lực rất lớn thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng tốc.

Tính đến hiện tại, tổng vốn đăng ký FDI tại Việt Nam đạt khoảng 270 tỷ USD, với hơn 19.000 dự án đang hoạt động của các nhà đầu tư đến từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, số vốn đã giải ngân đạt 135 tỷ USD. Theo báo cáo tác động của TPP mới được VEPR công bố, khi tham gia vào TPP, FDI sẽ tăng mạnh do Việt Nam có lợi thế xuất khẩu khi giá nhân công rẻ, chi phí đầu vào trung bình rẻ hơn so với nhiều nước khác, nguyên liệu nhiều ngành như nông sản, thủy sản có tại chỗ… Trong nội khối TPP, đầu tư được kỳ vọng sẽ gia tăng mạnh từ hai đối tác là Nhật và Mỹ vì có nhiều lợi thế về công nghệ và kỹ thuật mà Việt Nam mong muốn thu hút. Trên bảng xếp hạng các nước đầu tư lớn vào Việt Nam, Mỹ hiện tại chỉ xếp thứ 8. Tuy nhiên, những tín hiệu gần đây cho thấy nhiều bang và nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đang có chiến lược đầu tư vào Việt Nam để thực hiện điều Mỹ đã làm từ trước đến nay là dỡ bỏ rào cản thuế quan để hàng hóa sản xuất tại Việt Nam tái xuất vào Mỹ. Vì thế, các chuyên gia đều đánh giá, đầu tư FDI của Mỹ vào Việt Nam sẽ nhanh chóng vượt lên vị trí số 1 sau khi TPP được ký kết.

Ngoài Mỹ và Nhật Bản, một nguồn vốn FDI cũng không hề nhỏ nữa cũng sẽ đổ vào Việt Nam nhờ tác động của TPP. Điều đặc biệt là nguồn vốn này lại đến từ các nền kinh tế không phải thành viên TPP. Đó là các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... (những nền kinh tế ngoài khối TPP) vào Việt Nam xây dựng các nhà máy dệt may và da giày để xuất khẩu vào Mỹ, Ô-xtrây-li-a... nhằm hưởng lợi xuất xứ.

Tập đoàn Samsung - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Ảnh: SĨ QUANG

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tổ chức kinh tế nước ngoài, triển vọng đầu tư dài hạn vào Việt Nam là rất lớn, bởi Việt Nam là một trong những quốc gia hội nhập tốt nhất thế giới, hàng hóa sản xuất ở Việt Nam sẽ được đưa đi khắp thế giới. Tuy nhiên, theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TPP có lợi cho thu hút FDI của Việt Nam nhưng Việt Nam cũng cần phải thận trọng. Việt Nam nên đặt vấn đề: Lựa chọn đối tác, dự án, môi trường và an ninh quốc phòng. Đặc biệt, các địa phương, không nên “chạy theo thành tích” mà quên đi những hệ lụy khi cấp phép “nhầm” dự án. Ông Phan Hữu Thắng cũng cảnh báo về nguy cơ dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể mang theo nhiều dự án có hàm lượng kỹ thuật-công nghệ thấp, dễ gây ô nhiễm môi trường trong các lĩnh vực khác nhau như dệt nhuộm, may mặc, da giày… từ các nước mà Việt Nam đang nhập siêu. Mặt khác, theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, Việt Nam chưa tận dụng tốt nguồn vốn FDI khi không kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp nội địa để từ đó không chuyển giao được công nghệ như kỳ vọng và cam kết. Vì thế, chúng ta phải có chiến lược tận dụng tốt hơn nguồn vốn FDI và cải thiện lực lượng doanh nghiệp nội địa để tránh bị chèn lấn.

Ông Xtê-vơ Plăn-két (Steve Plunkett), Giám đốc cấp cao phụ trách quan hệ chính phủ của Tập đoàn General Electric tại ASEAN, đánh giá, rủi ro đầu tư ở Việt Nam sẽ đến từ việc các văn bản pháp lý chưa chặt chẽ. Nếu điều này không được cải thiện, nguy cơ Việt Nam sẽ kém hấp dẫn hơn so với các đối thủ trong khu vực trong cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư. Không chỉ vậy, sự cạnh tranh khốc liệt hơn có thể sẽ diễn ra giữa Việt Nam với các nước thành viên TPP trong thu hút đầu tư bởi các quốc gia này là những nền kinh tế phát triển, có dịch vụ, chính sách liên quan đến đầu tư quốc tế rõ ràng.

LƯU BÍCH NGỌC