Dẫn đoàn phóng viên đến tham quan phòng truyền thống của viện, Thượng tá Phạm Quang Chiến, Viện trưởng và Thượng tá Hồ Văn Châu, Chính trị viên Viện TKTQS say mê kể về quãng thời gian hơn 10 năm gian truân song cũng chứa đựng đầy nhiệt huyết của cán bộ, nhân viên nơi đây. Thành quả qua 10 năm vượt khó hiển hiện sinh động qua những mẫu tàu trinh sát, tàu tuần tra cao tốc, tàu kéo, tàu vận tải đa năng, xuồng cao tốc... được trưng bày trong phòng truyền thống.

“Đây chỉ là một số mẫu trong tổng số hơn 20 gam tàu mà Viện TKTQS đã thực hiện thiết kế đóng mới, cải hoán. Từ ngày thành lập đến nay, viện được tham gia hầu hết các chương trình đóng tàu của Bộ Quốc phòng cũng như các chương trình liên quan đến đóng tàu bổ trợ cho các đơn vị trong toàn quân, trong đó có những dự án mới, chưa có tiền lệ”, Thượng tá Phạm Quang Chiến phấn khởi cho biết.

Ngược dòng thời gian, vào ngày 30-3-2009, Viện TKTQS được thành lập với chức năng là cơ sở nghiên cứu, thiết kế đầu ngành trong lĩnh vực đóng tàu quân sự, đảm nhiệm 10 nhiệm vụ, trong đó có 3 nhiệm vụ chính gồm: Thiết kế đóng mới và cải hoán tàu quân sự, tàu và phương tiện thủy phục vụ nhu cầu dân sinh và xuất khẩu; nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đóng tàu; tham mưu cho Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng trong đóng tàu quân sự. Những năm đầu thành lập, đơn vị gặp không ít khó khăn, như số cán bộ có kinh nghiệm trong công tác quản lý, nghiên cứu, thiết kế còn mỏng; trang bị thiếu thốn... Vì vậy, một trong những nhiệm vụ cấp bách được viện đặt ra khi đó là phải chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sớm ổn định biên chế tổ chức. Từ đó, chủ trương được viện xác định ưu tiên lựa chọn cán bộ được đào tạo cơ bản các chuyên ngành trong đóng tàu như: Thiết kế thân vỏ tàu, máy tàu, điện tàu, vũ khí, khí tài trên tàu... ưu tiên số cán bộ có trình độ cao, được đào tạo ở nước ngoài.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo, chỉ huy Viện Thiết kế tàu quân sự giới thiệu một mẫu tàu do viện thiết kế. Ảnh: HOÀNG HÀ
leftcenterrightdel
Cán bộ Viện Thiết kế tàu quân sự trao đổi nghiệp vụ thiết kế tàu. Ảnh: PHÚ SƠN
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Một số mẫu tàu do Viện Thiết kế tàu quân sự thiết kế. 
leftcenterrightdel
Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học của Viện Thiết kế tàu quân sự. Ảnh: VĂN THẮNG

Thượng tá Hồ Văn Châu cho biết: Nhờ chủ động trong tuyển chọn, đề nghị điều động cán bộ đúng chuyên ngành, đồng thời có bước đi hợp lý trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nên đến nay, Viện TKTQS có gần 60 cán bộ chuyên môn được đào tạo bài bản, chủ yếu từ nước ngoài như Liên bang Nga, Ukraina và một số trường trong nước như Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Hiện viện có 17 đồng chí là tiến sĩ, 32 đồng chí là thạc sĩ.

Song song với đào tạo nguồn nhân lực, Viện TKTQS chú trọng đầu tư, phát triển khoa học công nghệ trong thiết kế tàu quân sự thông qua các biện pháp như tiếp thu chuyển giao công nghệ thiết kế, đóng tàu quân sự từ nước ngoài; mở mới và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học theo hướng chuyên sâu, làm chủ các phương pháp tính toán, các phần mềm thiết kế tàu; bước đầu đã có một số thiết bị đo lường, kiểm thử hiện đại ở một số lĩnh vực như vũ khí-khí tài, điều khiển tự động, máy tàu... Ngoài ra, viện chú trọng triển khai các đề tài nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra tại các đơn vị, nhà máy đóng tàu, qua đó đưa ra giải pháp công nghệ phù hợp, hiệu quả. Tính đến nay, Viện TKTQS đã có hơn 40 đề tài được nghiệm thu, trong đó có 1 đề tài cấp quốc gia, 2 đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ Quốc phòng.

Trung tá Trần Đình Tiến, Phó trưởng phòng Máy tàu (Viện TKTQS) cho biết: Nhờ viện có chủ trương đúng và bước đi phù hợp trong công tác đào tạo nguồn lực và phát triển khoa học công nghệ nên đến nay, trong số 7 cán bộ của Phòng Máy tàu, đã có 2 tiến sĩ, 2 thạc sĩ, 3 kỹ sư. Nếu trước đây chúng tôi chỉ thiết kế kỹ thuật rồi bàn giao cho nhà máy tiến hành thiết kế thi công thì nay đã đủ khả năng đảm đương cả hai nội dung này. Được biết, năm 2019, Trung tá Trần Đình Tiến được trao giải nhì Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội nhờ đề tài thiết kế bộ điều khiển cánh hướng dòng cửa hút động cơ tuabin khí DR-76. Đánh giá về đề tài này, Đại tá Lương Lục Quỳnh, Phó viện trưởng chia sẻ: Đề tài đã giúp đơn vị sử dụng tàu không phải nhập ngoại thiết bị này, qua đó tiết kiệm hàng tỷ đồng; thông qua các nhiệm vụ như vậy, một lần nữa khẳng định Viện TKTQS hoàn toàn có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị sử dụng tàu trong và ngoài quân đội.

Chưa hài lòng với những kết quả đã đạt được, đội ngũ cán bộ, nhân viên Viện TKTQS vẫn đang ấp ủ những dự định lớn. “Trải qua hơn 10 năm phát triển, với 3 thế hệ lãnh đạo, điều mà viện mong muốn nhất hiện nay là sớm làm chủ thiết kế một gam tàu chiến”, Thượng tá Phạm Quang Chiến trải lòng. Đây được xác định là một trong hai khâu đột phá của Đảng bộ viện trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Làm chủ được thiết kế tàu bổ trợ quân sự vốn đã là thử thách, song làm chủ được thiết kế tàu chiến còn phức tạp hơn nhiều, bởi theo Trung tá Phạm Thành Trung, Phó viện trưởng Viện TKTQS thì “tàu chiến là đỉnh cao công nghệ đóng tàu”. Thiết kế tàu chiến phức tạp, tinh vi, có yêu cầu tính chính xác cao về tốc độ cũng như trong vận hành, tích hợp các trang thiết bị trên tàu, đặc biệt là thiết kế, tích hợp hệ thống vũ khí-khí tài...

Để thực hiện được khâu đột phá nói trên, Viện TKTQS xác định trước hết phải thực hiện một khâu đột phá khác là đào tạo được các chuyên gia đầu ngành ở từng chuyên ngành cụ thể, phấn đấu có cán bộ đảm nhiệm được vị trí tổng công trình sư. Do vậy, cùng với giao cho chủ trì thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế để nâng cao trình độ, kinh nghiệm, viện sẽ cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo ở trong nước và nước ngoài; đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế... Ngoài ra, viện sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách, một mặt nhằm ưu đãi, “giữ chân” đội ngũ cán bộ khoa học giàu năng lực và kinh nghiệm, mặt khác thu hút “chất xám” vào phục vụ đắc lực cho ngành đóng tàu quân sự của nước ta. 

PHẠM HOÀNG HÀ