Nói đến mỹ thuật Tây Nguyên, giới họa sĩ nhắc ngay đến Y Nhi Ksor, một nghệ sĩ của miền cao nguyên nắng gió có nhiều đóng góp cho nền mỹ thuật đương đại. Nhân chuyến công tác tại tỉnh Đắc Lắc, tôi có cuộc trò chuyện cùng anh tại tư gia. Chứng kiến sự lao động nghệ thuật miệt mài và nghiêm túc của anh khiến tôi càng thêm trân quý người nghệ sĩ phố núi này. Bên ly cà phê Ban Mê thơm nồng, âm thanh cồng chiêng lan tỏa, họa sĩ Y Nhi Ksor dẫn dắt câu chuyện bằng những lễ hội văn hóa dân gian lung linh màu sắc huyền ảo, phong tục tập quán đặc sắc, chế độ mẫu hệ gắn liền với ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê từ bao đời nay. Từ việc lên rẫy tra hạt, tỉa bắp, săn muông thú… đến chuyện quây quần bên bếp lửa hồng nghe già làng đọc sử thi... những hình ảnh thân thuộc ấy trở thành chất liệu, nguồn cảm hứng vô tận cho người nghệ sĩ làm nên các tác phẩm nghệ thuật mang sắc thái đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên.  
leftcenterrightdel
Tác phẩm: “Hội Xoang Aráp”
Ngay từ lúc mới 8 tuổi, Y Nhi Ksor đã cảm nhận được vẻ đẹp hoang sơ, trong trẻo của dân tộc mình: Những chàng trai trẻ với đôi chân trần săn chắc; những sơn nữ khỏe khoắn địu gùi lên rẫy mỗi buổi sớm mai. Bằng trí tưởng tượng phong phú, chàng họa sĩ tí hon ngày ấy đã vẽ trên nền đất đỏ bazan nhiều hình ảnh ngộ nghĩnh tả cảnh sinh hoạt của buôn làng. Lớn lên, con đường đến với nghệ thuật như một cơ duyên gắn chặt người con trai Ê Đê với sắc màu hội họa, vừa để thỏa khát vọng đam mê nghệ thuật, vừa được tri ân vùng đất đã nuôi dưỡng tâm hồn anh. 
leftcenterrightdel
Họa sĩ Y Nhi Ksor
Tốt nghiệp ngành hội họa Trường Đại học Nghệ thuật-Đại học Huế, Y Nhi Ksor về công tác tại Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Đắc Lắc, cái nôi đào tạo mỹ thuật không chỉ cho riêng tỉnh mà còn cho cả khu vực. Vừa tham gia công tác giảng dạy, vừa là nghệ sĩ sáng tác, điều đó giúp anh có cái nhìn đa chiều và phong phú trong cách thể hiện tác phẩm. Lấy cảm hứng từ sinh hoạt hằng ngày, hoạt động văn hóa cộng đồng, Y Nhi Ksor trải lòng mình thông qua ngôn ngữ hội họa để người xem hiểu hơn và cảm nhận trọn vẹn về một Tây Nguyên bao la trong nghệ thuật. Những tác phẩm: “Tra hạt”, “Được mùa”, “Lễ trao vòng”, “Hội xoang Arap”, “Bình minh trên buôn”… chính là những lát cắt trong đời sống dân sinh, sự khát khao trong tình yêu đôi lứa, vẻ đẹp diệu kỳ của thiên nhiên kỳ vĩ mang đến mùa màng tốt tươi cho buôn làng.
Hội họa của Y Nhi Ksor không chỉ phản ánh cái đẹp đơn thuần mà luôn ẩn chứa trong đó một tình yêu thầm kín và sâu lắng của tác giả. Với bố cục mạch lạc hài hòa, hình khối khỏe khoắn, đường nét mềm mại, cách phối màu tinh tế, các tuyến nhân vật đều có thần thái riêng. Đặc biệt, tác giả rất chú trọng đến biểu cảm của con người, mỗi gương mặt là một tính cách, một biểu cảm khác nhau, nhưng đều toát lên hơi thở cuộc sống với khát vọng tương lai. Bằng cách luyến láy tạo nhịp điệu uyển chuyển từ dáng đi, điệu múa lúc dồn dập, lúc khoan thai của các cô gái Ê Đê đã chạm đến cảm xúc sâu lắng của những ai yêu thích hội họa. Xem tranh của Y Nhi Ksor, ta như lạc vào một cao nguyên trù phú và hạnh phúc, bởi nơi đây không chỉ có khí hậu ôn hòa của thiên nhiên ban tặng mà còn toát lên tấm lòng thân thiện và mến khách. Bên cạnh đó, họa sĩ luôn nhạy cảm trước thời cuộc, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, suy thoái. Tác phẩm “Sự nổi giận của Nữ thần Mặt Trời” phần nào phản ánh thông điệp về sự tàn phá của con người đối với môi trường thiên nhiên, hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên ấy.
Không chỉ thành công với mảng đề tài về Tây Nguyên, Y Nhi Ksor còn may mắn có cơ hội quảng bá văn hóa của đồng bào mình đến với bạn bè quốc tế. Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Phần Lan, anh là một trong những họa sĩ được Hội Mỹ thuật Việt Nam mời tham gia sáng tác tranh phục vụ sự kiện đặc biệt này. Khi tìm hiểu về nền văn hóa của đất nước Phần Lan, Y Nhi Ksor rất ấn tượng với sử thi Kalevala, bởi vì sử thi này có nét tương đồng với sử thi Tây Nguyên. Bằng ngôn ngữ hội họa, Y Nhi Ksor chuyển tải văn hóa sử thi thành những tác phẩm mỹ thuật đương đại, nói lên tình hữu nghị bền lâu giữa hai dân tộc. Trong triển lãm đó, anh được công chúng nước bạn đón nhận và đánh giá cao sự sáng tạo ấy.
Là người con của Tây Nguyên, một nhà sư phạm yêu nghề, Y Nhi Ksor luôn trăn trở với việc đào tạo mỹ thuật cho con em đồng bào các dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất cao nguyên này. Vẫn biết công việc ươm mầm nghệ thuật là vô cùng khó khăn, đặc biệt là năng khiếu hội họa, nhưng với niềm đam mê và ngọn lửa nhiệt huyết của thầy giáo Y Nhi Ksor sẽ là động lực giúp các em tự tin, bản lĩnh theo đuổi bộ môn nghệ thuật tạo hình này. Dù vất vả thế nào, được đứng trên lớp truyền cảm hứng cho học trò thì cảm xúc trong anh lại dâng trào. Bởi, sự đam mê hội họa của các em chính là nguồn cổ vũ lớn nhất dành cho người thầy giàu tâm huyết. 
PHÙNG MINH