Khắc ghi lời dạy của Bác, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn đoàn kết, sáng tạo, vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Từ một tỉnh nghèo, Thái Nguyên đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh có bước phát triển nhanh trong khu vực và cả nước. Trong 5 năm trở lại đây, kinh tế của tỉnh duy trì đà tăng trưởng trên 10%/năm; các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và bứt phá ở khu vực công nghiệp. Thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt hơn 15.600 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với năm 2015. Môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực; giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 238.000 tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài đạt hơn 90 dự án và là một trong 4 tỉnh có giá trị xuất khẩu cao nhất cả nước. Năm 2020, Thái Nguyên đạt chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố của cả nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố của cả nước và là địa phương dẫn đầu trong khu vực miền núi phía Bắc. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội (KT-XH) được quan tâm đầu tư nâng cấp. Diện mạo của tỉnh từ thành thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc; tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 32%; toàn tỉnh có 108 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 10 tiêu chí và 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Công tác an sinh xã hội được quan tâm, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân giảm 2,06%/năm, năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 2,82%; Phong trào thi đua “Thái Nguyên chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” được các cấp, ngành, cộng đồng và nhân dân tích cực hưởng ứng. Các chính sách bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới được quan tâm thực hiện tốt. Hệ thống giáo dục và đào tạo ngày càng phát triển; 100% đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn trở lên; phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi và xóa toàn bộ phòng học tạm trên địa bàn tỉnh. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giám sát, phòng, chống dịch bệnh được coi trọng và có nhiều tiến bộ; tập trung phát triển y tế chuyên sâu. Phát triển văn hóa, thể dục-thể thao, thông tin và truyền thông, khoa học công nghệ tiếp tục có chuyển biến tích cực. Quốc phòng, quân sự địa phương, an ninh chính trị được bảo đảm; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi phát triển KT-XH.
Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TW của Bộ Chính trị khóa XII, Thái Nguyên đã có hàng nghìn tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nhiều tấm gương, điển hình, mô hình sáng tạo, hiệu quả trên các ngành, lĩnh vực đã và đang tạo ra sức lan tỏa rộng rãi, góp phần cổ vũ, động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng nỗ lực, phấn đấu đóng góp xây dựng quê hương Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp.
Những thành quả đạt được đã khẳng định sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh; đó cũng chính là nền tảng, tiền đề vững chắc để Thái Nguyên tiếp tục vươn lên mạnh mẽ hơn, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Thái Nguyên xác định một số định hướng lớn: Tập trung phát triển hạ tầng cơ sở tại khu vực phía nam của tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội. Chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao; khuyến khích hình thành những cụm ngành, cụm sản xuất có sự tương quan trong cùng lĩnh vực làm tiền đề, cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp; đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; tập trung rèn luyện kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đạo đức công vụ. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy các lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với tiềm năng, thế mạnh của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, y tế trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; quan tâm chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; phát triển tiềm năng du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng dân cư trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, từ thực tiễn địa phương, Thái Nguyên xác định cần chủ động trong chuyển đổi số để tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nghị quyết đầu tiên trong chương trình công tác của Tỉnh ủy nhiệm kỳ mới chính là Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Với quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành, tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường, nhằm hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Thái Nguyên cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước có Ngày Chuyển đổi số (ngày 31-12 hằng năm). Đây được coi là “chìa khóa” giúp Thái Nguyên đi tắt, đón đầu, nắm bắt thời cơ, thuận lợi trong phát triển KT-XH của tỉnh thời gian tới.
Đến nay, sau 5 tháng triển khai thực hiện nghị quyết, nhiều mục tiêu đã và đang được cụ thể hóa dựa trên 3 trụ cột chính là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thái Nguyên đã chủ trương thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình tại thị xã Phổ Yên. UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký kết thỏa thuận ghi nhớ hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên với các tập đoàn như: Viettel, VNPT, Saigontel, Tân Hoàng Minh... Việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số đang được thực hiện tích cực; đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công, Trung tâm giám sát an toàn thông tin tỉnh; thực hiện thí điểm Trung tâm Điều hành thông minh IOC tại trụ sở UBND tỉnh. Cùng với đó, đầu tư phát triển 3 đô thị thông minh là TP Thái Nguyên, TP Sông Công và thị xã Phổ Yên. UBND tỉnh Thái Nguyên đã công bố danh mục 1.231 thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ở 3 cấp hành chính, trong đó: 1.072 thủ tục hành chính cấp tỉnh; 115 thủ tục hành chính cấp huyện; 44 thủ tục hành chính cấp xã. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những kết quả bước đầu này khẳng định tỉnh Thái Nguyên đã đi đúng hướng, thể hiện quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển, “trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn khi Người về thăm Thái Nguyên ngày 1-1-1964.
NGUYỄN THANH HẢI, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên