Ấn tượng Di tích Đại đội 915

3 giờ chiều một ngày giữa tuần ở khu Di tích lịch sử Quốc gia-Địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915 hy sinh tại Lưu Xá, phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên (gọi tắt là Di tích Đại đội 915), đoàn xe của khách đến tham quan nối đuôi nhau tiến vào khu di tích, hướng dẫn viên Lê Thị Thu Hồng trong bộ trang phục TNXP chỉnh lại chiếc mic và loa nhanh nhẹn đón khách. Tại phòng khách, sau khi thưởng thức chén nước chè đặc sản đất Thái, khách tham quan được hướng dẫn viên Thu Hồng giới thiệu về di tích và chương trình tham quan. Theo đó, khách đến đây sẽ được xem phim tư liệu; dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ; cuối cùng là tham quan không gian trưng bày hiện vật. Hòa vào đoàn khách tham quan, chúng tôi cũng có chuyến trải nghiệm ý nghĩa tại Di tích Đại đội 915 hy sinh tại Lưu Xá.

Chỉ dài 15 phút nhưng bộ phim tư liệu “Đại đội 915-khúc tráng ca đất thép” đủ làm cho người xem hiểu thêm về những chiến công, sự hy sinh của các TNXP Đại đội 915 và thấy xúc động, nghiêm trang hơn ở phần lễ dâng hương. Ở không gian trưng bày hiện vật TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, những hiện vật, hình ảnh gắn với chiến công, sự hy sinh của các TNXP được hướng dẫn viên Thu Hồng giới thiệu với khách tham quan thật hấp dẫn. Thỉnh thoảng, hướng dẫn viên dừng lại lâu hơn ở một hiện vật để kể kỹ hơn những câu chuyện. Đó là chiếc lọ hoa và chiếc lược được chế tác từ chiếc máy bay thứ 1.000 của đế quốc Mỹ bị quân và dân Thái Nguyên bắn rơi; là quyển nhật ký, chiếc lõi chăn bông của TNXP...

Dừng lại trước hiện vật là chiếc áo rét, hướng dẫn viên kể lại câu chuyện của bà Bùi Thị Loan. Chiếc áo rét là quà của người yêu tặng bà Loan trước ngày đi TNXP. Sau trận bom, đồng đội phát hiện bà đã ngừng thở và đưa về nghĩa trang để mai táng nhưng như một kỳ tích, lúc đồng đội thay đồ cho bà thì thấy tay bà cử động... Bà Loan được cứu sống nhưng do chấn thương lớn đã khiến cô gái 17 tuổi bị tâm thần, câm, mất trí nhớ, bỏ nhà đi lang thang trong 3 năm trời. Sau giải phóng, người yêu tìm về quê không gặp bà Loan nên đã cất công tìm kiếm suốt thời gian dài. May mắn, hai người gặp lại nhau, bà Loan cũng được điều trị khỏi bệnh, về làm công tác văn thư đánh máy tại tỉnh Cao Bằng, lập gia đình cùng người yêu. Chiếc áo rét sau này được bà Loan tặng trưng bày tại khu di tích.

Cũng khiến người tham quan xúc động là câu chuyện của cựu TNXP Hoàng Văn Thắng. Ông Thắng và người yêu là bà Nông Thị Bích Nga, cùng thuộc Đại đội 915. Trong lúc bị vùi lấp bởi trận bom, ông Thắng vẫn nghe tiếng kêu cứu của người yêu dần nhỏ rồi rơi vào lặng im nhưng ông đành bất lực... Ông may mắn còn sống nhưng bao năm nay ông ở vậy, không lập gia đình... Trong 60 TNXP hy sinh đêm 24-12-1972, có nhiều người ở tuổi 16-17, có người vừa cưới vợ hôm trước, còn chưa kịp báo hỷ với anh em... Những câu chuyện về Đại đội 915 được hướng dẫn viên kể lại đã khiến không ít người lặng người, rơi nước mắt.

Chương trình tham quan kết thúc sau khoảng một tiếng đồng hồ. Là người cuối cùng của đoàn khách ra khỏi khu trưng bày, ông Nguyễn Văn Xuất nấn ná ở lại trò chuyện thêm với hướng dẫn viên. Ông chia sẻ rằng, ông nguyên là cán bộ đoàn, lãnh đạo ngành tuyên giáo tỉnh Phú Thọ, đã từng đi nhiều khu di tích, lưu niệm cách mạng, lịch sử nhưng rất ấn tượng khi đến đây. Không chỉ quang cảnh, không gian mà cách tổ chức, nội dung chương trình tham quan cũng hợp lý, và nhất là cách giới thiệu của hướng dẫn viên thật sự khiến khách đến ấn tượng, xúc động, nhận thức sâu sắc hơn về ý thức, tinh thần dân tộc, nhất là thế hệ trẻ. Nhận xét của ông Xuất cũng là cảm nhận của rất nhiều du khách khi đến với Khu Di tích Đại đội 915.

Khách tham quan trưng bày tại Khu di tích Đại đội 915. Ảnh: DƯƠNG THU

Đại đội 915 có 102 cán bộ, đội viên là con em nhân dân Bắc Thái (Bắc Kạn và Thái Nguyên hiện nay) ở lứa tuổi rất trẻ, chủ yếu là nữ, người dân tộc thiểu số. Đúng vào đêm Noel năm 1972, tại khu vực ga Lưu Xá, trên địa bàn xã Gia Sàng, TP Thái Nguyên, khi Đại đội 915 đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam thì trận bom của đế quốc Mỹ đã cướp đi sinh mạng của 60 TNXP và nhiều người dân. Ghi nhớ công ơn của các liệt sĩ, năm 1996, công trình nhà bia lưu niệm TNXP tỉnh Bắc Thái được khánh thành từ nguồn đóng góp của thanh thiếu niên TP Thái Nguyên. Sau nhiều lần nâng cấp, được xếp hạng, công trình Khu Di tích lịch sử Quốc gia-Địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915 hy sinh tại Lưu Xá, phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên được tu bổ, xây dựng và khánh thành vào tháng 12-2018. Trong năm đầu tiên, khu di tích đã đón khoảng 150.000 khách ở các lứa tuổi trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Hiện di tích thuộc quản lý của Trung tâm văn hóa-truyền thông TP Thái Nguyên. Đây trở thành điểm đến đầu tiên không thể bỏ qua trong hành trình du lịch thủ đô gió ngàn.

Điểm đến của du lịch về nguồn

Từ lâu Thái Nguyên đã được biết đến với các điểm du lịch như: Hồ Núi Cốc, Suối Mỏ Gà-Hang Phượng Hoàng, Chùa Hang, đồi chè Tân Cương, Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam... và hàng chục di tích đình, đền, chùa phục vụ du lịch tâm linh. Với những lợi thế sẵn có, Thái Nguyên còn có tiềm năng khai thác du lịch về nguồn với địa danh nổi tiếng như: Di tích Đại đội 915, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa (huyện Định Hóa) và một số địa điểm như ATK2 ở Phổ Yên, ATK ở Đại Từ.

Sau Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16-1-2017 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có nghị quyết, chương trình hành động về phát triển du lịch Thái Nguyên đến năm 2030. Ngoài việc tu bổ, tôn tạo Di tích Đại đội 915, tuyến xe buýt kết nối Di tích Đại đội 915 và ATK Định Hóa cũng được đưa vào khai thác để du khách có thêm lựa chọn cho việc di chuyển giữa các điểm du lịch về nguồn. Di tích ATK Định Hóa là điểm đến đã được tỉnh Thái Nguyên khai thác phục vụ khách du lịch, tìm hiểu di tích lịch sử từ lâu. Ngoài đáp ứng nhu cầu dịch vụ cơ bản, du khách đến ATK Định Hóa còn có thể thưởng thức các món ăn đặc sản núi rừng và tham gia giao lưu lửa trại, văn nghệ với các làn điệu hát then, đàn tính, hát sli, hát lượn... Ngoài các cụm di tích ATK, làng văn hóa du lịch cộng đồng Bản Quyên cũng là điểm đến hấp dẫn cho du khách muốn trải nghiệm văn hóa dân tộc Tày. Những năm gần đây, ATK Định Hóa trung bình đón 500.000-600.000 lượt khách du lịch mỗi năm.

Với lợi thế về vị trí ở khu vực trung tâm các tỉnh miền núi phía Bắc, nằm cạnh Thủ đô Hà Nội, gần Sân bay quốc tế Nội Bài; cùng xu hướng hướng về nguồn cội, các giá trị lịch sử, văn hóa ngày càng phát triển. Tuy nhiên du lịch nói chung, du lịch về nguồn nói riêng của Thái Nguyên vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Chỉ tính riêng ATK Định Hóa, khách du lịch chủ yếu đến trong ngày, rất ít lưu trú qua đêm. Hiện ngoài tham quan cụm di tích ATK, Bản Quyên dù đã được hỗ trợ cơ sở hạ tầng, tập huấn người dân kiến thức du lịch cộng đồng nhưng dịch vụ vẫn nghèo nàn, bản sắc văn hóa dân tộc Tày đã mai một nhiều, kém hấp dẫn khách du lịch. Nơi đây cũng chưa hấp dẫn được nhà đầu tư lớn. Không riêng ATK Định Hóa mà hồ Núi Cốc vốn có tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và cũng được khai thác du lịch từ lâu nhưng chưa hấp dẫn được các nhà đầu tư. Nhìn về tổng thể, phát triển du lịch về nguồn cần đặt trong sự phát triển tổng thể về dịch vụ du lịch, giải trí của tỉnh. Trong khi đây là điều mà Thái Nguyên đang cần nỗ lực thu hút các nhà đầu tư lớn. Bên cạnh đó, nhìn vào thực tế, Thái Nguyên đang là điểm dừng chân của khách giữa khu vực Hà Nội, Vĩnh Phúc với Cao Bằng, Bắc Kạn. Việc kết nối, thiết kế các tour cũng có hạn chế vì các điểm du lịch cách nhau khá xa.

Quay lại Di tích Đại đội 915, dù mới được khai thác nhưng đã có những tín hiệu đáng mừng. Chỉ với 11 cán bộ, nhân viên, lại đang trong giai đoạn sắp xếp bộ máy tổ chức, nhân sự nhưng thái độ làm việc và năng lực của cán bộ, nhân viên di tích nhận được nhiều phản hồi tốt từ khách tham quan. Năm 2019, hướng dẫn viên Thu Hồng của Di tích Đại đội 915 là thí sinh giành giải nhất Hội thi Hướng dẫn viên du lịch và thuyết minh viên du lịch giỏi Việt Bắc. Có những ngày đón 50 đoàn khách, có khi đón hàng nghìn khách cùng lúc, nhưng các cán bộ, nhân viên vẫn hết mình với công việc, làm sao mang lại sự hài lòng cho khách đến, phát huy được những giá trị của di tích. Đứng trước những tiềm năng và thách thức, du lịch về nguồn Thái Nguyên trong thời gian tới vẫn có nhiều cơ hội phát triển khi nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao chất lượng cán bộ, nhân viên, phát triển các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, thu hút các nhà đầu tư lớn là điều mà Thái Nguyên đang tiếp tục thực hiện.

HOÀNG DƯƠNG