|
“Hình ảnh Bác Hồ sẽ mãi mãi in sâu, nguyên vẹn dẫn lối đưa đường cho mọi thế hệ hôm nay và mai sau”. Đó là điều ước và cũng là lời kết trong phần thi: “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Nguyễn Thị Hòa, học viên khóa 40, Học viện Quân y. Cô bé có khuôn mặt ngây thơ và hồn nhiên 19 tuổi này đã hoàn toàn chinh phục Ban giám khảo và người xem bằng lối kể chuyện truyền cảm, cuốn hút đến kỳ lạ. Lúc nhí nhảnh hồn nhiên, lúc sâu lắng, xúc động đến nghẹn ngào. Hòa đã làm cho gần 500 đại biểu tham dự Hội thi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Thông qua câu chuyện đôi dép của Bác Hồ, Nguyễn Thị Hòa đã tái hiện sinh động chân dung giản dị của một vị Chủ tịch nước với đôi dép lốp, bộ quần áo ka-ki bạc màu cùng bộ đội băng núi, vượt đèo qua các chiến dịch để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; rồi hình ảnh Bác Hồ cùng nhân dân chống lũ lụt hay cùng nông dân tát nước gàu sòng chống hạn. Và đặc biệt là hình ảnh một vị Chủ tịch nước trong đêm giao thừa đến các ngõ phố chúc Tết người dân nghèo… Cả hội trường im lặng, ai cũng rưng rưng nước mắt trước sự tái hiện hình ảnh Bác Hồ kính yêu bằng ngôn ngữ sinh động của nữ bác sĩ quân y tương lai. Câu chuyện vừa kết thúc cũng là lúc những tràng pháo tay không ngớt vang lên khắp hội trường dành tặng Hòa.
Theo đánh giá của Ban giám khảo thì Hòa có nhiều cái nhất: Thí sinh ít tuổi nhất, thí sinh duy nhất là hạ sĩ quan, được Hội thi đánh giá là người kể chuyện hấp dẫn nhất và là thí sinh giành giải nhất của Hội thi để tham dự Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cấp toàn quân, khu vực phía Bắc. Trong số các thí sinh được vào chung khảo, hầu hết là những cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng có trên 20 tuổi quân, tuổi nghề; nhiều người là tiến sĩ, giảng viên, nhà giáo ưu tú; nhiều người làm công tác báo cáo viên lâu năm, vậy bí quyết mang lại thành công và vượt qua được các bậc cha, chú của Hòa là gì? Hòa hồn nhiên trả lời: “Em không có bí quyết gì cả, điều cốt yếu là em có một tình cảm và kỷ niệm sâu sắc về Bác Hồ. Hồi đó, em còn rất bé, được mẹ chỉ vào bức chân dung của một ông cụ phúc hậu, nhân từ, có vầng trán rộng, đôi mắt sáng ngời, chòm râu dài và trắng như cước, mẹ bảo rằng đó là Bác Hồ. Và từ đó, mẹ hay kể cho em nghe những câu chuyện xúc động về Người. Trong ký ức tuổi thơ của em, Bác Hồ như một ông tiên giàu lòng bao dung, độ lượng, vừa có tình yêu bao la, vừa có sức mạnh phi thường, đánh bại mọi thế lực bạo tàn, mang lại hạnh phúc cho muôn dân. Lớn lên, em hiểu ra rằng, Bác Hồ là người có thật trên đời và là một huyền thoại về trí tuệ siêu phàm, một nhân cách vĩ đại. Bởi vậy, khi kể chuyện về Bác Hồ, cảm xúc của em luôn trào dâng”.
Ít ai biết rằng, cô bé giàu tình cảm ấy lại sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vì vậy Hòa luôn có ý chí vươn lên, vượt mọi khó khăn để thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ quân y. Suốt 12 năm học phổ thông, Hòa liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc. Trong kỳ thi tuyển sinh vào Học viện Quân y, cô đạt 28,5 điểm. Hòa tâm sự: “Được mang trên mình bộ quân phục Bộ đội Cụ Hồ như tiếp thêm sức mạnh và niềm tin với em. Ước mơ của em là trở thành một bác sĩ quân y giỏi để phục vụ quân đội và nhân dân”. Kết thúc giai đoạn đào tạo nguồn sĩ quan tại Trường sĩ quan Lục quân 1, Hòa đạt loại giỏi, được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua và được phong vượt cấp từ binh nhì lên trung sĩ. Khi về học tập chính khóa tại Học viện, Hòa tiếp tục phát huy chuỗi thành tích đầy ấn tượng, các môn thi kiểm tra học kỳ I, năm thứ nhất (2006-2007), Hòa đều đạt khá, giỏi và xuất sắc. Không chỉ tiêu biểu trong học tập và rèn luyện, Nguyễn Thị Hòa còn là hạt nhân tích cực của khóa trong các hoạt động phong trào.
Nguyễn Huy