Tự hào quả vải đỏ

“Hướng dẫn viên” của tôi là Thượng tá Dương Văn Ngân, Chính trị viên Ban CHQS huyện Lục Ngạn, một cán bộ trách nhiệm, mẫn cán và thông thuộc địa bàn, tập quán địa phương. Anh Ngân gắn bó hơn 20 năm với huyện Lục Ngạn không phải vì vợ anh là công dân chính gốc ở đây mà vì anh thực sự yêu quả vải thiều trên vùng đất vốn trước kia được xem là nơi "khỉ ho cò gáy" này. Anh Ngân say sưa hát với vị khách tò mò: Đất quê ta sinh người quê ta/ Nước sông Thương nuôi ngọt giọng ca/ Tiếng hát em bay lả bay la.../ Lúp xúp mâm xôi hoa vải trắng đồi...

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Trường bắn Quốc gia khu vực 1 (Quân khu 1) giúp nhân dân xã Giáp Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) thu hoạch vải thiều. Ảnh: TUẤN HUY

Sau khi chia sẻ với tôi những thông tin mới mẻ về quả vải, anh Ngân khoe, nhiều thương gia Trung Quốc, Nhật Bản đã tìm đến Lục Ngạn để đặt hàng mua vải thiều. Ở thôn Lâm, xã Nam Dương đã có vườn vải thiều được cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất đi thị trường Nhật Bản. Người Nhật Bản còn gắn cả camera để theo dõi quá trình nông dân chăm sóc cây vải thiều. Có lẽ chỉ cần thế thôi cũng hiểu tại sao anh Ngân lại nặng lòng với vùng đất và quả vải đến thế.

Anh Ngân kể, từ ngày 12-6, một số xã, thị trấn của huyện Lục Ngạn đã thực hiện giãn cách xã hội để chống Covid-19. Ngày 18-6, có 14 xã, thị trấn thực hiện cách ly sau khi có một số ca F0 xuất hiện trong cộng đồng, trong đó có tới 44 nam nữ công nhân của Công ty Cổ phần May Đáp Cầu-Lục Ngạn thuộc diện F1 phải cách ly. Theo Thiếu tá Trần Quang Minh, trợ lý tuyên huấn Ban CHQS huyện Lục Ngạn và là khung trưởng khu cách ly tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Lục Ngạn, có 2/3 số công dân đang thực hiện cách ly ở đây “sốt xình xịch” vì vải trong vườn chín rộ cần thu hoạch nhưng không thể về. 

“Giặc” Covid-19 vốn là kẻ thù vô hình tàn khốc xâm nhập nước ta gần hai năm nay. Nó khiến con người phải đề phòng mà giữ khoảng cách và nó cũng là kẻ thù của quả vải thiều. Phong tỏa, cách ly đã dẫn tới nhân lực thu hái vải thiếu trầm trọng. Thời gian vải thiều chín và được thu hái rất ngắn. Nếu gặp trời mưa, không hái kịp đến khi nắng lên thì vải sẽ nứt vỏ và rụng xuống tự nhiên. Hái vải là công việc thủ công rất cực nhọc. Nhìn thành quả lao động-những quả vải đỏ tươi, đầy ắp, nặng trĩu trên chiếc xe gắn máy, những người nông dân dường như quên hết khó khăn, nắng mệt. Vậy mà, thành quả trong một năm chăm sóc “nâng như nâng trứng” ấy của họ có nguy cơ bị bỏ đỏ dưới gốc thì còn xót xa nào hơn?

Nghĩa tình áo xanh

“Bão” Covid-19 đến Bắc Giang, lan vào các khu công nghiệp cũng là lúc mùa vải chín. Công dân Lục Ngạn làm ở các khu công nghiệp tại Việt Yên không thể về nhà hái vải như hẹn trước mà thay vào đó là phải cách ly tại khu trọ hoặc ở trong khu cách ly tập trung. Chứng kiến cảnh vải chín rụng đỏ gốc, anh Ngân và đồng đội không khỏi xót lòng.

Sau khi bàn và thống nhất trong Ban CHQS huyện, anh Ngân vừa đảm nhận vai trò Trưởng tiểu ban Tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 của LLVT huyện Lục Ngạn, vừa là trung tâm chỉ đạo dân quân các xã điều tra, nắm thông tin những gia đình neo người. Anh hiệp đồng với Trường bắn Quốc gia khu vực 1 (Quân khu 1), đoàn thanh niên, hội phụ nữ để đến giúp từng gia đình thu hoạch vải. Nguyên tắc giúp đỡ được xác lập, ưu tiên nhà khó khăn trước, ưu tiên nhà có vải chín trước. Anh "chạy như cờ lông công" cả ngày, thi với thời gian, thi với cái nắng, cái gió cháy khét đất Lục Ngạn để cứu vải.

leftcenterrightdel
 Thanh niên tình nguyện cùng với bộ đội giúp dân bẻ vải. Ảnh: TUẤN HUY

Vườn vải thiều của nhà Lý Văn Hưng, một dân quân đang làm nhiệm vụ "trực Covid" đã được anh Ngân chỉ đạo dân quân xã kết hợp với đoàn thanh niên thu hái kịp thời không phải vì Hưng được ưu tiên do đang làm nhiệm vụ mà vì có hoàn cảnh éo le. Gia đình Hưng cư trú tại thôn Mịn Con, xã Trù Hựu. Mẹ Hưng mất hồi đầu năm, còn bố thì đang bị viêm gan. Năm nay vải được mùa, nhà đơn người vì các chị lấy chồng xa. Từ hôm Hưng vào khu cách ly làm nhiệm vụ, đã hai lần bố Hưng phải nhập viện cấp cứu. Dù thương nhớ bố vô cùng nhưng Hưng vẫn kìm lòng làm việc. Nơi đây có rất nhiều việc không tên, bận hơn cả nuôi con mọn. Thế nên, khi vải chín và được thu hoạch kịp thời, Hưng vui lắm. Điều ấy khiến Hưng càng cảm kích, gắn bó với nhiệm vụ. 

Sáng 27-6, vườn vải trên đồi của ông Vi Văn Sếp (xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn) như có hội lớn. Từ mờ sáng, đồi vải của ông nhộn nhịp tiếng người gọi nhau í ới và tiếng bước chân thình thịch. Bình minh lên tỏa ánh hồng, màu áo xanh dã chiến của cán bộ, chiến sĩ quân đội, màu áo xanh của các “sao vuông” và màu xanh của đoàn viên, thanh niên tình nguyện hòa quyện, thấp thoáng trong màu đỏ của quả vải. Những gánh vải tươi trĩu nặng nghĩa tình được đôi vai bộ đội đưa xuống sườn đồi, rồi chất lên những chiếc xe gắn máy chở đi tiêu thụ hoặc đưa đi sấy khô...

leftcenterrightdel
 Chiến sĩ gánh vải xuống chân đồi. Ảnh: TUẤN HUY

Ông Vi Văn Sếp cười rạng rỡ trong nắng, kể: "Thằng Vi Văn Thắm nhà tôi nhập ngũ từ tháng 2-2020. Một đứa nữa thì lại là F1 đang cách ly tập trung". Không thuê được người hái vải, vợ chồng già lăn lóc nhìn vải rụng mà ứa nước mắt. May quá, trời phật thật là phúc đức khi hơn 2ha vải thiều với sản lượng hơn 10 tấn của ông được thu hái trọn vẹn nhờ bộ đội, dân quân, đoàn viên, thanh niên. Thế là gần 250 triệu đồng tiền thu từ bán vải thiều của ông nằm trọn trong túi!

Anh Ngân nhẩm tính, từ khi bắt tay thực hiện vào ngày 15-6 đến 27-6, đã có hơn 100 gia đình ở các xã: Giáp Sơn, Biên Sơn, Phong Vân, Tân Sơn, Trù Hựu được giúp đỡ thu hái vải như gia đình ông Sếp. Đó là việc làm thật ý nghĩa của những tấm lòng vàng.

Hiện nay, nhờ chăm chỉ lao động và gắn bó với quả vải thiều nên giá trị thu được từ vải của người nông dân khá tốt. Đi vào nhiều xã trên địa bàn, điều tôi ấn tượng nhất là đường bê tông từ trục chính đã chạy uốn lượn lên đồi vải lẫn với nắng và màu xanh của cây lá. Phía dưới sườn đồi, những ngôi biệt thự ba tầng khang trang với nhiều màu sơn khác nhau nổi bật trên màu vải chín đỏ. Bộ mặt nông thôn các xã của huyện Lục Ngạn thay đổi nhờ cây vải thiều. Tuy vậy, danh hiệu “thủ phủ vải thiều” của Lục Ngạn đang có nguy cơ bị soán ngôi khi nông dân các huyện: Tân Yên, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế, Sơn Động cũng đang tích cực mở rộng diện tích trồng vải. Làm sao mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều, tạo ra các sản phẩm để gia tăng giá trị vải thiều lâu dài, bền vững là vấn đề khó đối với cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành chức năng tỉnh Bắc Giang.

MẠNH THẮNG