Tặng quà-nét đẹp trong quan hệ ứng xử
Từ xưa, tục tặng quà nhau vốn là một nét đẹp trong quan hệ ứng xử. Nhân dịp có niềm vui nào đó (tết, đi xa về gần, tân gia, lễ thượng thọ, lễ cưới, lễ thôi nôi…) hoặc bạn bè mến mộ nhau khi gặp mặt, người ta hay tặng quà để tỏ lòng yêu mến, trân trọng và muốn chia vui với người khác. Không ít trường hợp tặng quà để nhớ về kỷ niệm của những người mến mộ nhau. Cũng có khi quà có giá trị vật chất, nhưng đó là những món quà thể hiện một hành vi văn hóa của những tâm hồn tri âm, tri kỷ; hoặc của con cháu, người thân mừng nhau, thể hiện sự trân trọng và gần gũi, thân thiện. Phần lớn những quà tặng ấy thường mang tính biểu tượng và không mấy ai nghĩ đến giá trị vật chất của món quà. Không lớn về vật chất nhưng quà tặng quý ở cách tặng, thái độ tặng và sự tinh tế của người đi tặng. Ý nghĩa nhân văn và văn hóa của quà tặng nằm ở đó.
 |
Văn hóa quà tặng, tặng quà. Minh họa: LÊ ANH |
Trong đời sống có hai hành vi tặng quà và cho quà. Đây không phải là sự khác biệt của ngôn từ, cách nói mà là bản chất của hai sự việc. Tặng quà mang ý nghĩa văn hóa nhiều hơn, còn cho quà không mang ý nghĩa biểu tượng mà nó gần với sự giúp đỡ, có tính chất ban phát. Chính vì thế mà người xưa đã dạy: “Của cho không bằng cách cho”. Trong cái cách cho ấy thể hiện rõ nhất sự khác biệt này.
Không phải ngày xưa không có chuyện lợi dụng việc tặng quà để biếu xén, hối lộ, trục lợi. Những ví dụ như thế này nhiều lắm và có ở khắp nơi trên thế gian, vì tâm địa trục lợi của con người rất giống nhau. Thế nên ở thời nào người ta cũng phải xây dựng những chế tài để ngăn chặn những việc dấm dúi, hối lộ nhau. Có nhiều động cơ nhưng biến tướng của quà tặng, tặng quà thành vật đổi chác, đưa hối lộ, nhận hối lộ, tạo ra những quan hệ không trong sáng, thậm chí phạm luật thường chỉ diễn ra ở giới có chức, có quyền; vì chỉ những kẻ có chức, có quyền mới có quyền ban phát ân huệ, biến những vị trí được đảm nhiệm thành cơ hội để kiếm chác. Chuyện dân gian kể rằng, đám chức sắc hàng xã muốn hối lộ quan trên nhưng chưa tìm ra lý do. Thế là nhân ngày tết, chúng hỏi quan bà, quan ông tuổi gì, khi biết ông tuổi Tý, chúng dùng vàng ròng đúc một con chuột để “mừng tuổi” quan ông. Quan bà đem món quà tặng-hối lộ khoe với quan ông, bị quan ông mắng “Sao bà không bảo chúng nó là tôi tuổi Sửu” để được tặng quà nhiều hơn.
Như vậy, có thể thấy, cả người tìm cách hối lộ lẫn kẻ nhận hối lộ cũng nghĩ ra rất nhiều mưu hèn, kế bẩn để đưa và nhận quà, nhưng lại che giấu chuyện xấu xa ấy dưới dạng một hành vi biết ơn, lòng thành, nghĩa là chỉ thuần túy là chuyện tình cảm. Nghĩa là những kẻ tặng quà và nhận quà theo kiểu hối lộ cũng biết điều đó là xấu xa, phải giấu giếm nên chúng tìm mọi cách để hợp pháp hóa quà tặng, để mọi người biết “đó chỉ là chuyện tình cảm”. Nhưng không phải trong cuộc đời chỉ có quan tham mà còn có những quan liêm và chuyện về cuộc đấu tranh giữa hai loại quan tham và quan liêm xếp dày trong lịch sử của mỗi dân tộc. Nói thế để thấy một hành vi văn hóa lúc nào cũng có thể bị những kẻ tà tâm lợi dụng để làm những điều bất nhân và cuộc đấu tranh với những loại quan tham này không hề đơn giản, không chỉ bằng vận động, giáo dục lòng tự giác mà cần có những chế tài luật pháp nghiêm khắc.
Những biến tướng của việc tặng quà
Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay, vấn đề biến tướng của quà tặng cần nhìn nhận như một hiện tượng xã hội, một biểu hiện vi phạm pháp luật, một hành vi tham nhũng của những kẻ lợi dụng chức quyền. Quà tặng không còn là quà tặng nữa mà là vật đổi chác, bởi nó không chỉ là những vật mang biểu tượng tình cảm, giá trị tinh thần mà là những giá trị vật chất lớn, tương đương với những cuộc mua bán, trao đổi mang lại những lợi ích rất lớn của cá nhân và cả những nhóm lợi ích thân hữu. Điều này có ở nhiều cấp, nhiều cơ quan và nó gây ra những tổn thất rất lớn cho sự phát triển lành mạnh của xã hội, làm hư hỏng đội ngũ cán bộ công chức, xói mòn lòng tin của người dân đối với thể chế.
Qua lời khai của các tội phạm trong những vụ án có thể thấy, không có lĩnh vực nào không có chuyện “tặng quà” như một hình thức đầu tư cho những lợi ích lâu dài. Nhà đầu tư “tặng” những người đã duyệt cho mình dự án với những ưu đãi rất lớn thì tùy mức độ mà có những cách trả ơn khác nhau: Mời người đã ban lộc cho mình những chuyến công du nước ngoài, tặng thẻ ngân hàng, biệt thự, nhẫn kim cương, đồng hồ trị giá nhiều tỷ đồng, cổ phiếu có giá trị lớn... Không phải ngẫu nhiên mà có ông quan chức cấp bộ, lãnh đạo cấp tỉnh đi nước ngoài dưới danh nghĩa là tham quan toàn bằng tiền của doanh nghiệp. Người ký quyết định thăng chức được trả ơn bằng sự trung thành vô điều kiện, bằng những món “quà” hậu hĩnh, thậm chí có cả “mỹ nhân quà”. Thế là những kẻ có chức quyền tìm cách lách luật để “phân phát” lợi ích, thậm chí còn có cả chuyện tìm cách thay đổi cơ chế, chính sách để “làm quà” cho những nhóm lợi ích thân hữu. Chuyện đất đai ở Thủ Thiêm, Formosa, các dự án BOT sai, các dự án ở Vinashin, của Bộ Công Thương, ngân hàng… là bằng chứng cho những kiểu móc ngoặc này. Vị lãnh đạo tỉnh Phú Yên ký bán cả một cảng lớn như cảng Quy Nhơn, làm thiệt hại của Nhà nước rất nhiều tỷ đồng mà nói rằng “người ta bảo tôi bán thì tôi bán thôi”; thương vụ Mobifone mua AVG và vi phạm của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông; các lãnh đạo ở Bộ Giao thông vận tải liên tiếp bị phanh phui, kỷ luật là những bằng chứng về việc “nhận quà” vượt qua giới hạn này.
Có một nỗi tế vi khác của đời sống: Đôi khi biết việc nhận quà thế là không đúng, nhưng đâu phải ai cũng có thể vượt qua mọi cám dỗ?
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gọi những kẻ chuyên “nhận quà” kiểu này là “bầy sâu” tàn phá đất nước. Tệ hơn hình thức “nhận quà” là những hành vi chia chác của những liên minh ma quỷ ở nhiều cấp độ, nhiều lĩnh vực. Có vị nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ đã trả lời báo chí rằng, có người bà con tặng tiền để xây nhà chứ bản thân ông ta không có đủ tiền để xây một ngôi biệt thự hoành tráng như vậy. Ai cũng biết đó là một cách nói để chối tội một cách ngây ngô của vị quan chức này. Tòa nhà 8A Lê Trực ở giữa Hà Nội xây vượt quy định nhiều nghìn mét vuông không thể có chuyện “anh em giúp nhau vô tư” như người ta nói.
Cần ứng xử văn hóa với quà tặng và tặng quà
Hiện nay, việc tặng quà nhiều khi vì những danh nghĩa nào đó còn bị biến dạng bởi sự vụ lợi, khiến người nhận quà dở khóc dở cười. Báo chí đưa tin nhiều nhà từ thiện trao bánh kẹo, sữa, mì ăn liền đã hết hạn sử dụng tặng các cháu nhỏ. Có thể đó chỉ là sơ suất ở khâu chuẩn bị, nhưng như người xưa đã nói “của cho không bằng cách cho”, đừng làm những việc như vậy theo kiểu cho có, cho xong việc. Một người bạn của tôi kể rằng anh bị hành hạ vì những người quen và chưa quen, mỗi khi in thơ lại mang đến tặng, bắt nghe chán rồi lại yêu cầu viết bài giới thiệu. Điều này gây rất nhiều phiền phức không chỉ cho anh và gia đình. Nghĩ mãi, anh tìm ra cách treo một cái bảng ngoài cửa với dòng chữ: “Mời các cụ vào chơi uống trà, đánh cờ nhưng để guốc dép và thơ ở ngoài”. Từ đó mới hết cái nạn bị hành hạ về chuyện được tặng thơ.
Sinh thời Bác Hồ rất hay tặng quà người già, trẻ nhỏ. Những món quà ấy quý bởi đó là tấm lòng, là sự quan tâm đích thực. Thậm chí đến thăm các chiến sĩ phòng không, Bác còn tặng kẹo và thuốc lá như là sự chia sẻ những gì Bác có, hết sức giản dị. Người băn khoăn trước thùng cam của nữ sĩ Hằng Phương tặng: “Cảm ơn bà biếu gói cam/ Nhận thì không đúng, từ làm sao đây?”. Cho và nhận đúng với bản thân sự vật là một hành vi văn hóa và nó quý bởi nó là văn hóa, là những biểu tượng tốt đẹp về tình người, quan hệ xã hội.
Vẫn nên duy trì việc tặng và nhận quà nhưng đó là những món quà mang ý nghĩa nhân văn, là biểu tượng của một hành vi văn hóa. Lợi dụng việc tặng quà để móc ngoặc, hối lộ, chia chác… không phải là hành vi văn hóa, thậm chí vi phạm pháp luật. Nhận biết được điều này, không khó. Miễn là ở cả người tặng và người nhận là những con người có nhân cách.
PGS, TS PHẠM QUANG LONG