Theo đó, trong cuộc vận động xây dựng VHGT, đi đến đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những thông điệp tuyên truyền về những việc làm cần thiết để thực hiện nếp sống VHGT như: Nghiêm túc chấp hành tốt Luật Giao thông; chủ động xóa bỏ thói hư, tật xấu, tác phong tùy tiện khi tham gia giao thông; xây dựng ý thức tự giác chấp hành quy tắc giao thông, ý thức về làm chủ tốc độ đối với người điều khiển phương tiện giao thông, ý thức chấp hành luật của người đi bộ và đẩy mạnh các phong trào thi đua người tốt, việc tốt trong quá trình tham gia giao thông, đưa kiến thức ATGT vào trường học và xây dựng nếp sống văn hóa bền vững từ mỗi gia đình đến các khu dân cư.. Đặc biệt, nghệ thuật hóa nội dung tuyên truyền về VHGT bằng những tác phẩm văn học, những tiểu phẩm sân khấu, những đoạn video, những ca khúc… là một trong những biện pháp trực quan sinh động và hiệu quả nhất. Theo đó, từ năm 2010, Dự án “Đưa VHGT vào cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức văn học, nghệ thuật” đã được Ủy ban ATGT Quốc gia giao cho Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc (NCBT&PHVHDT) Việt Nam triển khai thực hiện. Mục tiêu của dự án này là huy động sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức văn hóa-nghệ thuật, các nhà báo, văn nghệ sĩ... tích cực tham gia vào cuộc vận động xây dựng VHGT bằng những tác phẩm báo chí và tác phẩm nghệ thuật, tác động một cách hiệu quả vào tình cảm và lý trí của cộng đồng, tạo ra những thay đổi về nhận thức và hành vi văn hóa khi tham gia giao thông.

leftcenterrightdel
Tiết mục rối nước “bốc đầu” của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm phê phán nạn đua xe trái phép. Ảnh: NGỌC ANH 

Đồng tình và hưởng ứng dự án trên đây, đông đảo các nhà báo, văn nghệ sĩ, các cơ quan báo chí-truyền thông, các đơn vị văn hóa-nghệ thuật... đã hăng hái vào cuộc một cách tích cực và hiệu quả. Đến nay đã có hàng nghìn tác phẩm báo chí có nội dung về xây dựng VHGT bao gồm các thể loại được đăng tải và phát trên các phương tiện truyền thông đại chúng; trong đó có hơn 20 chương trình hài kịch và 4 vở kịch dài đã được phát trên các đài truyền hình Trung ương và địa phương. Nhiều tác phẩm báo chí về chủ đề này đã giành được những giải thưởng trong các cuộc thi báo chí do các ngành, các cấp tổ chức. Một số chương trình-tiểu phẩm trên truyền hình có nội dung xây dựng VHGT đã để lại ấn tượng sâu sắc trong công chúng, như: “Tôi yêu Việt Nam”, “Tiểu thư giao thông” và một số tiết mục trong các chương trình: “Thư giãn cuối tuần”, “Gặp gỡ cuối năm”…

Đồng thời với việc tổ chức các cuộc hội thảo và tọa đàm về VHGT tại nhiều địa phương, xuất bản các ấn phẩm và băng đĩa tuyên truyền VHGT phát hành đến mọi đối tượng trong xã hội... từ năm 2013 đến nay, hằng năm Trung tâm NCBT&PHVHDT Việt Nam đã phát động thiếu nhi toàn quốc vẽ tranh chủ đề VHGT. Mỗi đợt phát động có hơn 3.000 bức tranh được lựa chọn từ các tỉnh, thành phố trong cả nước gửi về trung tâm. Những hành vi đẹp và chưa đẹp trong tham gia giao thông; những mơ ước về một cuộc sống an toàn, hạnh phúc, không xảy ra tai nạn giao thông... qua cái nhìn và nét vẽ hồn nhiên trong trẻo của trẻ em thật sinh động và độc đáo. Hàng trăm bức tranh như thế đã được tổ chức triển lãm tại Thủ đô Hà Nội, TP Đà Nẵng, Bình Định... và nhiều địa phương khác trong những năm gần đây và để lại những ấn tượng sâu sắc trong công chúng.

Đặc biệt, từ năm 2010 đến năm 2016, Trung tâm NCBT&PHVHDT Việt Nam đã phối hợp với nhiều văn nghệ sĩ và đơn vị nghệ thuật, tổ chức sáng tác, dàn dựng và biểu diễn các chương trình nghệ thuật đề tài VHGT, phát trên đài phát thanh-truyền hình Trung ương và các địa phương; đồng thời biểu diễn lưu động tại các lễ hội văn hóa, tụ điểm công cộng, các trường học... Trong đó, một số chương trình và tiết mục đặc sắc đã được thu đĩa CD và VCD phát hành rộng rãi, như: Các tiết mục rối nước “Đua tốc độ”, “Đua thuyền”... của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm; các tiết mục hát xẩm về VHGT của Nhóm xẩm Hà Thành (do nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, nghệ sĩ Nguyễn Văn Minh và các đồng nghiệp biểu diễn); Các hoạt cảnh “Đèn xanh, đèn đỏ”, “Bà rằng bà rí” phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ... Năm 2017, Trung tâm NCBT&PHVHDT Việt Nam đã tổ chức sáng tác, dàn dựng và xây dựng một MV ca nhạc về VHGT gồm 7 ca khúc do các nhạc sĩ và ca sĩ là những cộng tác viên của trung tâm thực hiện, như: Hợp ca Người tình nguyện của nhạc sĩ Hạnh Nhân; Song ca Con đường Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Việt Long, do Vũ Anh và Quỳnh Sen biểu diễn; Ca cảnh Mười nhớ của nhạc sĩ Khắc Bốt, do Ngọc Sơn, Hà Thị Nga và tốp múa biểu diễn...

Giáo sư Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm NCBT&PHVHDT Việt Nam, cho rằng: Ở các nước tiên tiến, VHGT được hình thành từ rất sớm, khá vững chắc và đồng hành cùng sự phát triển của xã hội. Nhưng với đông đảo người tham gia giao thông ở nước ta, đây lại là một khái niệm khá mới mẻ, bởi do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trước đây VHGT bị xem nhẹ, bị nhận thức sai lệch, bị “đối xử” thiếu khoa học và thậm chí thiếu văn hóa. Tuyên truyền, xây dựng VHGT cho cộng đồng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức văn học, nghệ thuật là một sự lựa chọn rất văn hóa và khoa học. Thực tiễn cũng đã chứng minh đây là một dự án thiết thực, khả thi và hiệu quả. Sắp tới, trung tâm đã có kế hoạch xây dựng một chương trình hát chầu văn và quan họ về chủ đề VHGT kịp phục vụ công chúng các địa phương trong dịp đón Tết Mậu Tuất 2018. Mong rằng, báo chí và các văn nghệ sĩ tiếp tục đồng hành cùng trung tâm trong thực hiện dự án trên đây vào những năm tới!

TUYÊN HÓA