Thực tiễn cho thấy vẫn còn không ít hiện tượng phản ánh sự kỳ thị đối với kinh tế tư nhân. Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp tư nhân không cần nhà nước can thiệp, trong khi thực tế cho thấy nhiều ví dụ về sự can thiệp của nhà nước vào việc của doanh nghiệp. Ví dụ, phiên tòa xử vụ ly hôn của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên cho thấy tư duy của nhiều cơ quan nhà nước vẫn là muốn đứng trên doanh nghiệp để quyết định, Nhà nước trong trường hợp này không nên trực tiếp tham gia định giá doanh nghiệp.

Một biểu hiện khác của việc kỳ thị kinh tế tư nhân, đó là hệ thống xin-cho vẫn còn phủ đầy, nguồn lực vẫn tập trung phần lớn trong tay Nhà nước, kinh tế tư nhân không dễ tiếp cận. Các giấy phép con vẫn còn là “cái gậy” để các ngành, các cấp “hành” các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân để trục lợi, tư lợi. Trong khi các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI được trải thảm đỏ, được ưu đãi mọi mặt từ đất đai, vay vốn, thuế… thì doanh nghiệp tư nhân trong nước không những chưa được ưu đãi gì, nhiều khi lại phải lo lót đủ các loại phí “bôi trơn”. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp muốn tạo ra 1 đồng lợi nhuận vẫn cần phải trả 0,7-1 đồng tiền chi phí không chính thức.

leftcenterrightdel
Trồng rau tại Công ty Delco Fram - Bắc Ninh. Ảnh: TRỌNG HẢI

Nhìn lại lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam trong quá trình xây dựng xã hội mới-xã hội xã hội chủ nghĩa, do bối cảnh lịch sử đặc thù dân tộc của thời kỳ trước đổi mới, sự kỳ thị đối với kinh tế tư nhân được hình thành và củng cố trên cơ sở nhận thức phổ biến cho rằng, kinh tế tư nhân là tàn dư của chế độ kinh tế-xã hội cũ, là mầm mống, cơ sở của chế độ người bóc lột người, cho nên cần phải được cải tạo và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn trong đời sống kinh tế-xã hội đất nước càng nhanh càng tốt. Những khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội đã buộc Đảng ta phải đổi mới tư duy phát triển đất nước, trong đó có đổi mới nhận thức về kinh tế tư nhân, từng bước tạo cơ sở cho quá trình, từng bước giảm bớt và tiến tới xóa bỏ kỳ thị đối với kinh tế tư nhân.

Nếu như tại Đại hội VI, Đảng ta mới chỉ nhận thấy sự cần thiết phải có chính sách sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế phi công hữu và từ đó không nên có thành kiến, phân biệt đối xử, gây khó khăn cho những người lao động cá thể chưa muốn tham gia các tổ chức kinh tế tập thể hoặc xin rút ra khỏi các tổ chức đó; thì đến Đại hội XI, Đảng đã nhận thấy rõ kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Đại hội XII khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ năm, khóa XII đã ra Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hội nghị đã chỉ ra những thành tựu đạt được về xóa bỏ kỳ thị với kinh tế tư nhân thông qua hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, thể chế hóa và bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của cá nhân và tổ chức; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phương thức quản lý của Nhà nước đối với kinh tế tư nhân phù hợp với cơ chế thị trường, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi hơn, phát huy dân chủ trong đời sống kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ; nhiều quy định của pháp luật về kinh tế tư nhân chưa được thực hiện nghiêm. Môi trường đầu tư kinh doanh, khởi nghiệp còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro cao và thiếu tính minh bạch. Quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản, tiếp cận các cơ hội kinh doanh, nguồn lực xã hội chưa thực sự bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác. Chi phí trung gian, không chính thức còn nhiều; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm, lạm dụng chức quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến. Phân công, phân cấp, phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương còn bất hợp lý, thiếu chặt chẽ. Hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của kinh tế tư nhân còn thấp.

Để phát huy vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân, làm cho kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân thực sự trở thành nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ trong thời gian tới, Đảng đã nhất quán khẳng định cần phải tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GDP, xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng. Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở không kỳ thị kinh tế tư nhân, phải công bằng… nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân…

Những chủ trương của Đảng là định hướng quan trọng để tiếp tục thực hiện trong thực tế việc xóa bỏ sự kỳ thị đối với kinh tế tư nhân. Để chủ trương đó thực sự đi vào cuộc sống cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực, trước hết từ các cấp bộ đảng đến các cơ quan nhà nước, toàn bộ hệ thống chính trị và cả các chủ thể của kinh tế tư nhân. Về phía các cấp bộ đảng phải có nghị quyết và chương trình hành động cụ thể cho từng tổ chức đảng về thực hiện xóa bỏ kỳ thị đối với kinh tế tư nhân, làm tốt công tác nâng cao nhận thức và chuyển thành hành động thực tế đối với từng đảng viên, đặc biệt là đảng viên có chức, có quyền. Về phía Nhà nước không những phải tiếp tục hoàn thiện công tác thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng mà quan trọng là hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát thực hiện đối với từng cơ quan, từng công chức trong thực thi công vụ. Các tổ chức chính trị, xã hội và đoàn thể phải cùng tham gia công tác tuyên truyền và kiểm tra, giám sát. Các chủ thể kinh tế tư nhân cũng phải tích cực tham gia đóng góp vào xây dựng chính sách, pháp luật, giám sát việc thực hiện.  

PGS, TS ĐOÀN XUÂN THỦY (*)

(*) Phó viện trưởng Viện Kinh tế chính trị học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh