Chiến thắng này là chiến công chung của phe đồng minh chống phát xít, song vai trò quyết định của Liên Xô là điều không thể phủ nhận. Bước chân của những người lính Xô viết đã in dấu trên khắp các chiến trường, từ trận chiến bảo vệ thủ đô Moscow đến chiến dịch Stalingrad, chiến dịch phòng ngự-phản công Kursk, rồi vượt biên giới Liên Xô sang giải phóng Nam Tư, Albania, Ba Lan, Romania, Hungary, Tiệp Khắc... và cuối cùng là tòa nhà Quốc hội Đức ở thủ đô Berlin-biểu tượng của nước Đức phát xít hùng mạnh từng thôn tính phần lớn châu Âu.
Để đi đến chiến thắng vĩ đại, góp phần cứu cả loài người khỏi thảm họa phát xít, nhân dân Liên Xô đã phải chịu những hy sinh mất mát vô cùng to lớn, những tổn thất không thể bù đắp. Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 27 triệu người Liên Xô, trong đó gần 9 triệu chiến sĩ Hồng quân; hàng nghìn thành phố, thị trấn bị tàn phá, hàng vạn nhà máy bị phá hủy.
    |
 |
Hồng quân Liên Xô cắm cờ Xô viết trên nóc Tòa nhà Quốc hội Đức ở thủ đô Berlin, đánh dấu chiến thắng của Liên Xô trong Thế chiến thứ hai. (Ảnh: Tư liệu Quốc tế/TTXVN phát) |
Chính vì thế, kỷ niệm 76 năm Ngày chiến thắng phát xít là dịp để cộng đồng quốc tế ôn lại lịch sử, đồng thời bày tỏ sự tri ân với những người đã mang lại nền hòa bình cho thế giới và tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh tàn khốc nhất lịch sử loài người. Đây cũng là dịp để người ta nhắc lại tội ác của chủ nghĩa phát xít, từ đó kêu gọi sự cảnh giác, đặt ra yêu cầu phải loại trừ nguồn gốc làm nảy sinh và dung dưỡng sự phát triển của tư tưởng phát xít trong tương lai.
Vấn đề này đang trở nên cấp thiết bởi những năm gần đây, lợi dụng Liên Xô tan rã, một số thế lực chính trị đã tìm cách “viết lại lịch sử”. Cứ mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng phát xít là lại xuất hiện những chiến dịch bóp méo sự thật về nguyên nhân bùng nổ chiến tranh, những âm mưu phủ nhận vai trò quyết định của Liên Xô trong việc đánh tan chủ nghĩa phát xít, hay những hành động cực đoan như đập phá, di dời các tượng đài tưởng niệm cùng mộ các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô hy sinh ở một số nước Đông Âu.
Thậm chí xuất hiện cả những luận điệu vu cáo trắng trợn rằng Liên Xô “có tội” trong việc bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai. Những kẻ bịa đặt này tìm cách đánh đồng Liên Xô với phát xít Đức trong việc gây ra chiến tranh, công khai cho rằng với các nước Đông Âu, chiến thắng phát xít Đức không phải là sự giải phóng mà là sự thay thế bằng một ách chiếm đóng khác (ám chỉ Liên Xô). Họ cố tình quên rằng nếu không có chiến thắng phát xít thì nhiều nước châu Âu đã không còn tồn tại trên bản đồ thế giới, cố tình phủ nhận điều mà chính nhiều nhà sử học phương Tây đã nhận định: “Không chỉ bảo vệ Tổ quốc mình, Liên Xô còn cứu cả châu Âu khỏi thảm họa phát xít, khỏi nguy cơ bị tiêu diệt, theo đầy đủ các nghĩa của nó”.
Đây là việc làm nguy hiểm, bởi như cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin, bất kỳ mưu toan nào hòng "viết lại lịch sử" và xem xét lại đóng góp của Liên Xô với chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai đều “đồng nghĩa công nhận tội ác của chủ nghĩa phát xít Đức, mở đường cho tư tưởng chết người này tồn tại”. Bảo vệ sự thật và giá trị của chiến thắng phát xít, dùng sự thật để phản bác lại những luận điệu dối trá trắng trợn và mưu đồ "viết lại lịch sử" đã trở thành vấn đề có tính thời sự.
Thế giới cũng cần cảnh giác trước nguy cơ hơn 3/4 thế kỷ sau sự sụp đổ của chủ nghĩa phát xít, sự mê hoặc của một số người đối với hệ tư tưởng Đức quốc xã vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Thậm chí, tư tưởng về sự siêu đẳng của một dân tộc này trước các dân tộc khác-mầm mống của chủ nghĩa phát xít lại đang trỗi dậy. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phải lên tiếng cảnh báo rằng, những kẻ theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng đang tổ chức và tuyển mộ xuyên biên giới, “phô trương các biểu tượng và hình ảnh của Đức quốc xã cũng như âm mưu giết người của chúng”.
Nếu thế giới không cảnh giác, không đoàn kết lại để ngăn chặn những biểu hiện nguy hiểm trên thì không ai có thể bảo đảm một cách chắc chắn rằng bóng ma của chủ nghĩa phát xít sẽ không tái hiện. Bài học lịch sử phải trả bằng giá của hàng chục triệu người trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã chỉ ra rằng, chiến tranh là cơn ác mộng lớn nhất đối với nhân loại, là nghịch lý lớn nhất trong mọi thời đại, nhưng chiến tranh chỉ có thể xảy ra và trở nên tàn khốc khi loài người không kịp thời ngăn chặn nó. Chủ nghĩa phát xít chắc chắn sẽ không thể giương móng vuốt nếu như những mầm mống mà nó tích tụ trong suốt những năm 30 của thế kỷ trước không bị bóp méo qua lăng kính của cuộc đối đầu ý thức hệ.
Ngày chiến thắng 9-5-1945 đã khởi đầu cho quãng thời gian hòa bình lâu nhất trong lịch sử châu Âu. Nhưng không nên coi sự “vắng mặt” của chiến tranh là điều hiển nhiên mà phải duy trì sự cảnh giác, đúng như sử gia người Anh Michael Howard đã viết: “Việc kiến tạo hòa bình là một nhiệm vụ phải được thực hiện mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta... Không một công thức nào, không tổ chức nào và không một cuộc cách mạng chính trị hay xã hội nào có thể giải thoát nhân loại khỏi nhiệm vụ này”.
Sự tàn khốc của Chiến tranh thế giới thứ hai không cho phép loài người được sai lầm một lần nữa. Cảnh giác và ngăn chặn những tư tưởng cực đoan khi nó mới hình thành là cuộc chiến vì tương lai của nhân loại, vì một thế giới hòa bình và văn minh.
TƯỜNG LINH