Một nhóm người biểu tình đã lần tới được sát Cung Độc lập, nơi làm việc của Tổng thống Aleksandr Lukashenko. Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Victor Khrenin trong ngày 23-8 đã lên tiếng cảnh báo, nếu những người biểu tình vi phạm luật pháp ở những nơi liền kề các công trình tưởng niệm chiến tranh, họ sẽ phải đối mặt không chỉ với lực lượng an ninh mà cả với các đơn vị quân đội...

Đương kim Tổng thống Belarus mặc áo chống đạn đã đáp máy bay trực thăng xuống cạnh Cung Độc lập với khẩu súng AK trong tay (của đáng tội, cây súng này không lắp băng đạn!). Ông đã đi bộ tới sát hàng rào của những người lính đặc nhiệm đang canh giữ Cung Độc lập, nói to lời cảm ơn họ. Và họ đáp lại: “Chúng tôi sẽ ở bên ông tới cùng!”. Người con trai 16 tuổi của ông đi cùng máy bay với bố và cũng mang theo một khẩu súng...

Cho tới mãi gần đây, Belarus vẫn được coi là một trong những “ốc đảo” yên ả nhất trong không gian SNG. Thế nhưng, cuộc bầu cử tổng thống ngày 9-8 năm nay đã làm thay đổi tất cả. Ngay sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa đã bắt đầu những cuộc biểu tình và mít tinh liên tiếp phản đối gian lậu bầu cử. Cảnh sát và lực lượng nội vụ đã sử dụng hơi cay, lựu đạn gây choáng và đạn cao su để vãn hồi trật tự. Nhiều người biểu tình đã bị bắt. Tuy nhiên, mọi sự ngày càng trở nên hỗn loạn hơn, đặc biệt là sau khi ông Lukashenko tuyên bố rằng ông đã nhận được hơn 80% số phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống này. Ứng cử viên đối lập chính yếu Svetlana Tikhanovskaya, vợ của chính trị gia đối lập có tên tuổi Sergei Tikhanovsky-người đã bị bắt giam từ trước-buộc phải “thay chồng giữ chỗ”, cũng như các ứng cử viên đối lập khác, cương quyết không chịu công nhận kết quả này. Hàng loạt nhà máy lớn trong nước tuyên bố đình công để ủng hộ phe đối lập, yêu cầu tổ chức lại bầu cử và không được “chơi rắn” đối với những người xuống đường... Bà Tikhanovskaya đã lánh sang tá túc tại nước Cộng hòa Litva láng giềng với tâm thế “hải ngoại sẽ giúp chúng ta”... Ngày 14-8, bà Tikhanovskaya đã tuyên bố thành lập Hội đồng phối hợp để chuyển giao chính quyền của phe đối lập với sự tham gia của nhiều nhân sĩ, trong đó có nữ văn sĩ được Giải Nobel Văn học năm 2015 Svetlana Alexievich. Việc này ngay lập tức bị chính quyền Belarus đánh giá như một âm mưu đảo chính...

Một góc thủ đô Minsk của Belarus. Ảnh: Pinterest.

Như đổ thêm dầu vào lửa, Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ cũng lên tiếng tuyên bố rằng các cuộc bầu cử ở Belarus “không tự do và không công bằng”... Ngày 17-8, Nghị viện châu Âu ra tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử tổng thống ở Belarus. Tuy nhiên, họ không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào kèm theo... Nước Nga thoạt tiên đã giữ thái độ bình tĩnh quan sát và rồi cũng lên tiếng tố cáo phương Tây chơi không đẹp trong “ván bài Belarus”... Ông Lukashenko cũng cho rằng những hỗn loạn hiện nay ở Belarus được châm ngòi lửa từ nước ngoài. Ông giao cho Bộ Ngoại giao Belarus cảnh báo các nhà lãnh đạo phương Tây về trách nhiệm cá nhân của họ trong việc làm dấy lên những lộn xộn “đục nước béo cò” ở Belarus. Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngỏ ý muốn làm cầu nối giữa chính quyền đương nhiệm Belarus với phe đối lập, Tổng thống Belarus đã công khai chế nhạo việc Paris “chân mình còn lấm bê bê” mà cứ định mang đèn đi “rê” chân người... Ông Lukashenko nói, Điện Élysée nghĩ sao nếu ông cũng muốn đi làm trung gian giữa Tổng thống Macron với phe áo vàng?!

Như thường lệ, trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở Belarus, Tổng thống Lukashenko vẫn tiếp tục hành xử một cách cứng rắn và quyết liệt để cố gắng vãn hồi sự ổn định đã mất. Ông tuyên bố: “Tổng thống không được đưa ra những quyết định dưới các sức ép...”. Trong cuộc gặp gỡ với công nhân ngay tại nhà máy, ông Lukashenko đã khẳng khái tuyên bố rằng, chỉ khi nào ông bị hạ sát thì Belarus mới có bầu cử lại! Cuối tuần qua, ông còn ra lệnh đóng cửa những nhà máy đã đình công: “Tôi đề nghị các thống đốc và các chủ tịch ủy ban hành chính: Nếu ai không muốn làm việc thì không bắt phải làm, không cần phải bắt làm. Đằng nào thì chúng ta cũng không thể bắt và không thể thuyết phục được họ. Đất nước sẽ tai qua nạn khỏi. Nhưng nếu nhà máy không làm việc thì từ thứ hai (24-8) trở đi, chúng ta sẽ đóng cửa. Khi nào mọi người hồi tâm thì chúng ta sẽ quyết định mời những ai đi làm tiếp”... Ông Lukashenko cũng đã kịp thời tổ chức các cuộc gặp gỡ với những người ủng hộ mình, khích lệ họ thôi làm “đa số im lặng” và đồng loạt xuống đường bày tỏ thái độ chống lại phe đối lập...

Ở thời điểm hiện nay, có vẻ như phe đối lập đã không thể hoàn thành chiến thuật “loạn nhanh, thắng nhanh” với sự trợ giúp từ hải ngoại và chắc sẽ phải trường kỳ trong những nỗ lực nhằm đảo lộn bàn cờ chính trị ở Belarus. Tổng thống Lukashenko càng ngày càng lấy lại được phong độ vốn có của mình, bất chấp việc NATO đã có những động thái chuyển quân về gần biên giới với Belarus và đang bàn tính tới việc cấm vận Belarus... Đặc biệt, khi ông Lukashenko càng cảm thấy những mối nguy hiểm đe dọa mình gia tăng thì quan hệ giữa Minsk với Moscow càng bớt đi những điều tiếng không đáng có vốn hay xảy ra trước đây. Điện Kremli lại càng công khai hơn trong những nỗ lực ủng hộ đương kim Tổng thống Belarus, vì như nhiều nhà quan sát ở Moscow nhận xét, “dù ta có thích ông Lukashenko hay không thì hiện tại, đó vẫn là vị nguyên thủ tối ưu trên nhiều góc độ”...

Một điều dễ nhận thấy là trong các cuộc mít tinh hay biểu tình ở Belarus, hầu như hiếm thấy những khẩu hiệu chống Nga (điều này rất khác với ở Ukraine), có lẽ vì trên mảnh đất này, những liên hệ dòng tộc với xứ bạch dương thực sự vẫn còn sức sống mạnh mẽ, cả trong tâm thức lẫn trong các mối quan hệ chính trị và đặc biệt là kinh tế. Theo các con số thống kê, hơn 40% xuất khẩu của Belarus là nhằm về nước Nga. 80% lượng lương thực, thực phẩm xuất khẩu từ Minsk cũng được dành cho thị trường Moscow. Lượng hàng dệt may, giày và chế tạo máy xuất khẩu từ Belarus cũng là sang Nga ở mức trên dưới 70%... Tiếp nối truyền thống hình thành từ thời Xô viết, hầu hết các nhà máy sản xuất lớn ở Belarus hoạt động đều hướng tới thị trường Nga. Nhà máy sản xuất ô tô MAZ đưa sang Nga 7 xe trong số 10 xe họ xuất xưởng; 50 ô tô của Nhà máy BelAZ hay máy cày Belarus làm ở Nhà máy MTZ cũng được xuất sang Nga... Chính những mối quan hệ máu thịt như thế đã khiến cho nền kinh tế Belarus có thể tồn tại và phát triển nhiều năm qua không cần tới bất cứ sự hợp tác nào từ phương Tây... Đó là thế mạnh, nhưng trong một sự biến đổi thời thế nào đó, có thể lại trở thành “gót chân Achille” của Minsk?

HỒNG THANH QUANG