Chẳng những công khai khen ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Donald Trump còn bày tỏ mong muốn sớm ký hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga, đồng thời đánh giá cao vai trò của Nga trong các vấn đề quốc tế. Khẳng định Nga cần góp mặt trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-7), ông Donald Trump tuyên bố sẽ là sai lầm về chính trị nếu không mời Nga tham gia diễn đàn của những “ông lớn” này.
Quả là những thay đổi bất ngờ trong thái độ của Mỹ. Còn nhớ, mới trung tuần tháng 5 vừa rồi, Washington còn gây sốc khi tuyên bố đơn phương rút khỏi Hiệp ước bầu trời mở-công cụ quan trọng để các đối thủ như Nga, Mỹ có thể giám sát hoạt động quân sự của nhau. Trước đó, Nhà Trắng còn đe dọa không gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới, ký năm 2010 giữa Mỹ và Nga. Máy bay ném bom chiến lược B-1B của không quân Mỹ thậm chí còn thường xuyên áp sát biên giới Nga, khiến Moscow bực mình đến mức tuyên bố sẵn sàng bắn hạ bất cứ lúc nào.
Ấy thế nhưng không khí đối đầu căng thẳng đó đã tan biến trong các tuyên bố từ Nhà Trắng. Nếu cứ tin vào mô tả của ông Donald Trump, có cảm giác như Mỹ-Nga không phải là đối thủ mà là “cặp đôi” không thể thiếu nhau trên sàn diễn thế giới. Vẫn biết tính cách của ông Donald Trump là điều khó đoán, nhưng sự quay ngoắt 180 độ trong thái độ của ông lần này khiến dư luận không khỏi bất ngờ. Điều gì ẩn chứa đằng sau sự bất thường này?
Kể từ khi lên nắm quyền, chưa bao giờ ông Donald Trump rơi vào tình thế khó khăn như hiện nay. Cuộc đối đầu Mỹ-Trung mà ông khởi xướng đang ở giai đoạn quyết định. Cuối năm ngoái, những cú đòn thương mại mà Washington liên tục tung ra khiến đối thủ Bắc Kinh choáng váng, buộc phải có những nhượng bộ với lời hứa mở rộng thêm cánh cửa thị trường nội địa cho hàng hóa của Mỹ. Bàn thắng trên sân khách này cộng với thành tích kinh tế trong nước khiến người ta nghĩ rằng cuộc đua bầu cử tổng thống Mỹ năm nay coi như đã ngã ngũ, và chủ nhân chiếc ghế quyền lực trong Nhà Trắng sẽ khó có thể về tay ai khác ngoài ông Donald Trump.
Nhưng đại dịch Covid-19 đã đảo ngược tất cả. Nhờ thoát khỏi Covid-19 sớm hơn, guồng máy kinh tế của Trung Quốc đã tái khởi động trở lại và đang có nhiều lợi thế. Chiến dịch lấy lòng thế giới bằng các chuyến hàng trợ giúp y tế của Trung Quốc cũng đang lấy đi ảnh hưởng của Mỹ, ngay cả với những nước vốn là đồng minh của Washington. Việc Italy ký Bản ghi nhớ tham gia sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc, nay lại sẵn sàng hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng điện thoại di động 5G với Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc khiến Mỹ đứng ngồi không yên.
Nước Mỹ không thể thua trong cuộc đối đầu lần này với Trung Quốc bởi nó đe dọa vai trò siêu cường số 1 thế giới của Mỹ. Trong bối cảnh sau Covid-19, đồng minh truyền thống trong G-7 bị phân rẽ đến mức ông Donald Trump công khai chỉ trích G-7 là “lỗi thời”, không còn đại diện đầy đủ cho những gì đang diễn ra trên thế giới, tìm liên minh mới làm đối trọng với Trung Quốc đã trở thành vấn đề cấp thiết trong chiến lược hậu Covid-19 của Mỹ.
Dù là đối thủ tiềm tàng về quân sự, là nước duy nhất có khả năng hủy diệt Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, nhưng khác với Trung Quốc, Nga không phải là mối đe dọa trực tiếp trước mắt với Mỹ, nhất là về kinh tế. Không những thế, chính nước Nga chứ không phải ai khác đã ra tay can thiệp, chặn cú lao dốc lịch sử của giá dầu hồi đầu năm vừa rồi, cứu ngành dầu đá phiến của Mỹ thoát khỏi nguy cơ phá sản. Nhắc lại sự kiện này, ông Donald Trump còn viết: “Ông ấy (Tổng thống Nga Vladimir Putin) đã giúp ngành công nghiệp dầu mỏ của chúng ta. Chúng ta đã nâng giá dầu lên và bây giờ chúng ta có thể bảo vệ hàng triệu việc làm ở Texas, North Dakota và những nơi khác”.
Với cá nhân ông Donald Trump, cuộc đua vào Nhà Trắng đang ở giai đoạn kịch tính. Mới sẩy chân một chút trong cách ứng phó với đại dịch Covid-19, ông Donald Trump đã bị đối thủ Joe Biden của phe Dân chủ vượt lên ở nhiều bang trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây. Trong khi các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc đang giằng xé nước Mỹ, làm sao có được cú đột phá về đối ngoại để hút sự chú ý của dư luận, lấy lại cân bằng thì mới có cơ may thắng cử. Nhưng muốn ghi điểm ở những “điểm nóng” mà dư luận quan tâm như Triều Tiên, Iran, thì không thể bỏ quan vai trò của Nga.
Tất nhiên, lôi kéo Nga không phải là điều dễ dàng. Phía trước là hàng núi những vật cản mà ông Donald Trump phải vượt qua. Nhiều người còn cho rằng tham vọng của ông Donald Trump là nghịch lý bởi ngay trong nội bộ nước Mỹ, thái độ chống Nga còn đang ngự trị tại cả hai viện của Quốc hội Mỹ. Bản thân Mỹ cùng châu Âu cũng đang áp đặt lệnh cấm vận với Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình.
Chắc ông Donald Trump hiểu rõ điều đó. Có thể, lôi kéo Nga là bước lùi chiến thuật trong bối cảnh cuộc đua bầu cử tổng thống của ông không thuận. Tuy nhiên, nó cho thấy một điều rằng khi lợi ích đốc thúc thì nghịch lý cũng trở thành có lý.
HOÀNG SƠN