Chiến dịch đó của Triều Tiên là “chiến dịch nụ cười”.
Đấy là nụ cười của bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên trên khán đài chứng kiến lễ khai mạc Thế vận hội Pyeongchang, trong khi chỉ cách đúng một hàng ghế, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngồi xem với gương mặt khó đăm đăm, không một chút biểu cảm.
Có thể hiểu thông điệp của ông Mike Pence là gì: Một sự nhượng bộ với chủ nhà đồng thời cũng là đồng minh Hàn Quốc; một thái độ nghi ngờ pha chút lạnh nhạt đối với những động thái mới mẻ đến từ Bình Nhưỡng. Nhưng hiển nhiên là người ta vẫn có thể đạt được mục tiêu thể hiện sự cứng rắn mà không nhất thiết phải tạo ra bầu không khí căng thẳng trên khán đài của một kỳ tranh tài thể thao tầm cỡ thế giới.
Đấy cũng là nụ cười rạng rỡ, thân thiện của các cô gái xinh đẹp trong đội cổ vũ mà Triều Tiên gửi đến Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018. Trong bộ trang phục màu đỏ, các cô gái say sưa cổ vũ, múa hát, khuấy động không khí nhà thi đấu và trái với sự mường tượng của nhiều người, sẵn sàng trả lời các câu hỏi phỏng vấn của báo chí nước sở tại.
Cũng có thể có những nụ cười thầm kín khác của các nhà tổ chức chủ nhà Hàn Quốc, những người mới chỉ vài tháng trước đã hết sức lo ngại về khả năng một thế vận hội tranh tài mùa đông diễn ra dưới sự đe dọa của pháo binh, tên lửa, khi mà tình hình trên Bán đảo Triều Tiên nóng rẫy lên bởi những lời đe dọa qua lại giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Nếu xem động thái Bình Nhưỡng gửi các phái viên cao cấp và đội ngũ các vận động viên, hoạt náo viên tới tham gia Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 không phải với chức trách trọng đại gì mà chỉ đơn giản là mang lại một bầu không khí hòa giải tạm thời thì có thể nói là chiến dịch này đã thành công.
Sẽ thật ngây thơ nếu nghĩ rằng chỉ một đoàn đại biểu đến từ phía Bắc bán đảo tới tham dự một kỳ tranh tài thể thao là đã có thể hóa giải hết mọi mâu thuẫn, thiết lập được nền hòa bình sau nhiều thập kỷ căng thẳng cực độ. Những vấn đề khác biệt cốt lõi vẫn còn đó: Các cuộc tập trận chung, những vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa đạn đạo... Rồi cả những tuyên bố cứng rắn trên tình thần “ăn miếng trả miếng”...
Nhưng bất cứ một hành trình nào chẳng có điểm khởi đầu, một sự hòa giải nào chẳng bắt đầu bằng những nụ cười?
Mà cũng không chỉ dừng lại ở những nụ cười. Em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tận tay trao một lá thư tay mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thăm Bình Nhưỡng. Bản thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng kêu gọi hai miền “cùng hâm nóng bầu không khí hòa giải được nảy sinh từ Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018”. Đó chẳng phải là một sự khởi đầu đáng để hy vọng, dù rất mong manh, hay sao!
Tuy nhiên, dẫu cho Seoul và Bình Nhưỡng có mong muốn một nền hòa bình được xác lập lâu dài đến thế nào đi chăng nữa thì trong “chiến dịch nụ cười” này, vẫn còn đó gương mặt căng thẳng của Phó tổng thống Mỹ trên khán đài, không nụ cười.
Có nghĩa là chặng đường để đi tới một nền hòa bình thực sự trên Bán đảo Triều Tiên sẽ còn phải trải qua không ít chông gai. Cả Olympic rồi Paralympic 2018 ở Pyeongchang rồi sẽ qua đi; cuộc sống trên Bán đảo Triều Tiên rồi sẽ quay trở lại với nhịp điệu bình thường và khi ấy, những nỗ lực để giảm căng thẳng ở khu vực này mới thật sự bắt đầu.
YÊN BA